1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Nguyễn Hà Đông bất ngờ lên tiếng về dự án "hồi sinh" game Flappy Bird

T.Thủy

(Dân trí) - Thông qua trang mạng xã hội cá nhân, Nguyễn Hà Đông bất ngờ lên tiếng trước thông tin tựa game Flappy Bird nổi tiếng của mình sắp được "hồi sinh".

Trước thông tin Flappy Bird sẽ được "hồi sinh" vào năm 2025 và có liên quan đến các dự án tiền điện tử, Nguyễn Hà Đông - chàng trai người Hà Nội và là "cha đẻ" của tựa game này - đã bất ngờ lên tiếng khẳng định mình không hề liên quan gì đến dự án Flappy Bird mới, đồng thời khẳng định anh không ủng hộ tiền điện tử.

"Không, tôi không liên quan gì đến trò chơi của họ. Tôi không bán bất cứ thứ gì. Tôi cũng không ủng hộ tiền điện tử", Nguyễn Hà Đông viết trên trang X (trước đây là Twitter) cá nhân.

Nguyễn Hà Đông bất ngờ lên tiếng về dự án hồi sinh game Flappy Bird - 1

Bài viết của Nguyễn Hà Đông trên trang Twitter cá nhân về dự án game Flappy Bird đã thu hút một lượng lớn người tương tác (Ảnh chụp màn hình).

Đáng chú ý, lần gần nhất Hà Đông chia sẻ một thông điệp trên trang X cá nhân là vào tháng 2/2017. Điều này cho thấy Nguyễn Hà Đông đã buộc phải lên tiếng sau khi hàng loạt tờ báo đưa tin về sự "hồi sinh" của game Flappy Bird và nhắc đến anh trong vai trò người sáng tạo của trò chơi.

Như Dân trí đã đưa tin, vào tuần trước, một nhóm các lập trình viên tự nhận là "người đam mê và muốn chia sẻ trò chơi" đã thành lập một tổ chức mang tên gọi Quỹ Flappy Bird, với mục tiêu hồi sinh lại tựa game Flappy Bird vào năm 2025.

Quỹ Flappy Bird cho biết đã mua lại quyền phát triển trò chơi từ một công ty mang tên Gametech Holdings, LLC. Mặc dù công ty này lại không hề liên quan đến Nguyễn Hà Đông, nhưng lại đang nắm giữ quyền sở hữu thương hiệu Flappy Bird.

Nguyễn Hà Đông bất ngờ lên tiếng về dự án hồi sinh game Flappy Bird - 2

Flappy Bird đã từng "gây sốt" trên toàn cầu cách đây tròn 10 năm, nhưng Nguyễn Hà Đông đã bất ngờ "khai tử" trò chơi này khiến nhiều người tiếc nuối (Ảnh: Twitter).

Trước đó vào năm 2023, Gametech Holdings đã nộp đơn lên tòa án tại Mỹ để giành quyền sở hữu thương hiệu Flappy Bird từ Nguyễn Hà Đông.

Đến tháng 1 vừa qua, thời điểm 10 năm sau khi Hà Đông xóa bỏ tựa game Flappy Bird, Văn phòng Sáng chế và Thương hiệu Hoa Kỳ đã xác định thương hiệu Flappy Bird đã bị Nguyễn Hà Đông bỏ rơi và chấm dứt quyền sở hữu của anh với thương hiệu này.

Nhờ vậy, Gametech Holding đã có thể sở hữu thương hiệu Flappy Bird mà không mất tiền để mua lại quyền sở hữu từ Hà Đông.

Quỹ Flappy Bird không nói rằng Hà Đông có tham gia vào dự án của mình, nhưng đã tận dụng yếu tố hoài niệm khi quảng bá trò chơi này.

Trong video giới thiệu về dự án game Flappy Bird sắp được hồi sinh, hơn một nửa nội dung tập trung vào tựa game Flappy Bird cũ và cách nó trở nên nổi tiếng trên khắp toàn cầu nhờ kiểu chơi đơn giản nhưng độc đáo.

Video giới thiệu dự án hồi sinh Flappy Bird, với nhiều hình ảnh hoài niệm (Video: Quỹ Flappy Bird).

Quỹ Flappy Bird cho biết Flappy Bird sẽ được xuất hiện trở lại trên hai nền tảng di động Android và iOS vào năm 2025, nhưng chắc chắn đây sẽ không còn là tựa game Flappy Bird nổi tiếng và được nhiều người yêu thích cách đây 10 năm.

Giới công nghệ cũng chỉ ra rằng Quỹ Flappy Bird đang muốn tận dụng tựa game mới này để phát hành một loại tiền điện tử hoặc các vật phẩm ảo NFT (Non Fungible Token - Token không thể thay thế) để kiếm lời.

Hiện Quỹ Flappy Bird vẫn chưa đưa ra bình luận gì về việc tựa game mới của mình có liên quan đến các dự án tiền điện tử hay không.

Flappy Bird được Nguyễn Hà Đông, lập trình viên sinh năm 1985 tại Hà Nội, ra mắt lần đầu vào năm 2013. Tuy nhiên, phải đến năm 2014, trò chơi mới được biết đến rộng rãi và "vụt sáng" trên toàn cầu nhờ vào việc một Youtuber nổi tiếng đã chơi thử và giới thiệu game này.

Đến tháng 2/2014, Nguyễn Hà Đông đã bất ngờ xóa bỏ Flappy Bird khỏi kho ứng dụng Google Play và App Store. Việc Flappy Bird bị "khai tử" vào thời điểm game vẫn đang rất được yêu thích trên toàn cầu đã khiến giới truyền thông và game thủ bất ngờ và tiếc nuối.

Nguyễn Hà Đông sau đó đã cho biết quyết định "khai tử" trò chơi của mình là vì Flappy Bird đã trở thành sản phẩm "gây nghiện" cho người chơi.

Sau khi Flappy Bird bị "khai tử", nhiều phiên bản "nhái" của trò chơi này đã xuất hiện trên các nền tảng di động, cho đến khi Quỹ Flappy Bird chính thức công bố sở hữu quyền phát triển tựa game này trên các nền tảng di động.

Theo TheVerge/TC