1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Người dân Li Băng hoảng loạn, tắt thiết bị điện tử, không dám kết nối WiFi

T.Thủy

(Dân trí) - Việc các thiết bị điện tử như máy nhắn tin, bộ đàm liên tục phát nổ trong 2 ngày liên tục khiến người dân Li Băng đang phải sống trong hoảng loạn và lo lắng một thiết bị khác có thể nổ bất cứ lúc nào.

Theo phóng viên Nabi Bulos, Trưởng văn phòng Đại diện tại Trung Đông của tờ báo Los Angeles Times, người dân tại Li Băng đang sống trong hoảng loạn khi các thiết bị liên lạc như máy nhắn tin và bộ đàm liên tục phát nổ trong 2 ngày qua khiến hàng chục người thiệt mạng và hàng ngàn người bị thương.

Người dân Li Băng hoảng loạn, tắt thiết bị điện tử, không dám kết nối WiFi - 1

Hình ảnh những chiếc bộ đàm sau khi bị phát nổ tại Li Băng (Ảnh: Twitter).

Thậm chí, nhiều người Li Băng còn lo ngại đến mức tắt modem kết nối internet, tắt bộ phát sóng WiFi, tháo pin các thiết bị điện tử… để đề phòng những thiết bị này có thể phát nổ bất cứ lúc nào.

"Có rất nhiều tin đồn đang lan truyền tại Li băng, kêu gọi mọi người tắt các bộ định tuyến WiFi hoặc tháo rời pin một số thiết bị điện tử nhất định. Nhiều người đang thực sự sợ hãi đối với những vật dụng bình thường trong nhà của họ", Nabi Bulos chia sẻ.

Bulos cho biết người dân tại Li Băng tin rằng sẽ tiếp tục có những cuộc tấn công mới trong thời gian tới thông qua việc kích nổ các thiết bị điện tử quen thuộc trong gia đình.

Trong khi đó, theo Clara Broekaert, chuyên gia phân tích của Trung tâm nghiên cứu quốc tế Soufan, cho biết việc các thiết bị điện tử liên lạc như máy nhắn tin, bộ đàm liên tục phát nổ đã ảnh hưởng tâm lý sâu sắc đối với người dân tại Li Băng, khi nhiều nạn nhân của các vụ nổ này là dân thường, bao gồm cả trẻ em.

"Những vụ nổ xảy ra một cách kinh hoàng và bất ngờ trên quy mô rộng đã làm ảnh hưởng và gián đoạn cuộc sống hàng ngày của người dân, ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý của họ", Clara Broekaert chia sẻ với hãng tin CNN.

Lãnh đạo Hezbollah Hassan Nasrallah từng tuyên bố họ không muốn leo thang căng thẳng thành một cuộc chiến toàn diện tại khu vực, nhưng Broekaert tin rằng sự việc vừa xảy ra đã tạo nên một áp lực khiến lãnh đạo Hezbollah cảm thấy có trách nhiệm phải trả đũa.

Lực lượng Hezbollah cũng cáo buộc Israel đứng sau hàng loạt vụ nổ thiết bị điện tử tại Li Băng và tuyên bố sẽ trả đũa thích đáng.

Lực lượng Hezbollah từ lâu đã coi tính bí mật là điều tối quan trọng trong chiến lược quân sự của họ. Để đảm bảo bí mật, thành viên lực lượng Hezbollah đã từ bỏ các thiết bị điện tử công nghệ cao như smartphone để tránh bị xâm nhập bởi các phần mềm gián điệp của Israel và Mỹ.

Khoảnh khắc bộ đàm phát nổ giữa đám đông tại Li Băng (Video: Twitter).

Vào đầu năm nay, lãnh đạo Hezbolla Hassan Nasrallah đã kêu gọi các thành viên của lực lượng này từ bỏ điện thoại di động, chuyển sang sử dụng máy nhắn tin và bộ đàm, để tránh bị Israel theo dõi vị trí và có thể lấy cắp các thông tin quan trọng.

Tuy nhiên, việc hàng loạt máy nhắn tin và bộ đàm phát nổ tại Li Băng cho thấy những nỗ lực từ bỏ thiết bị điện tử để tránh bị theo dõi của Hezbollah đã thất bại và lực lượng này sẽ phải tìm cách cải tổ lại hoạt động, đặc biệt cách thức liên lạc giữa các thành viên.

Chuỗi vụ nổ các thiết bị điện tử tại Li Băng bắt đầu vào khoảng 16h45 ngày 17/9 (theo giờ địa phương) và kéo dài trong khoảng một giờ đồng hồ, khi hàng ngàn máy nhắn tin trên khắp quốc gia này phát nổ. Sự việc khiến ít nhất 12 người thiệt mạng, khoảng 2.800 người bị thương.

Các nạn nhân hầu hết bị thương nặng ở mặt, tay, ngực… trong số các nạn nhân thiệt mạng có cả trẻ em.

Một ngày sau, bộ đàm do lực lượng Hezbollah sử dụng đã đồng loạt phát nổ trên khắp Li Băng, khiến ít nhất 20 người thiệt mạng và hơn 450 người bị thương.

Như vậy, các vụ nổ máy nhắn tin và bộ đàm ở Li Băng 2 ngày qua đã khiến ít nhất 32 người chết và khoảng 3.250 người bị thương.

Khoảnh khắc máy nhắn tin bất ngờ phát nổ tại Li Băng (Video: Twitter).

Hiện vẫn chưa rõ các thiết bị điện tử tại Li Băng đã phát nổ bằng cách nào, nhưng nhiều khả năng thủ phạm đứng sau vụ việc đã có thể xâm nhập vào dây chuyền lắp ráp hoặc chuỗi cung ứng của các thiết bị này để lắp đặt thuốc nổ và công tắc kích nổ từ xa.

Đến thời điểm này vẫn chưa có ai đứng ra nhận trách nhiệm sau hàng loạt vụ nổ các thiết bị liên lạc tại Li Băng.

Theo CNN/LAT