1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Máy nhắn tin: Từ thiết bị liên lạc đến vũ khí mạng

Đoàn Trung Nam

(Dân trí) - Theo các nguồn tin của Mỹ được New York Times trích dẫn, những chiếc máy nhắn tin đã biến thành thiết bị nổ và gây ra ít nhất 3.000 thương vong ở Lebanon.

Máy nhắn tin: Từ thiết bị liên lạc đến vũ khí mạng - 1
Một nạn nhân của vụ nổ máy nhắn tin đang được đưa đến bệnh viện (Ảnh: Hussein Malla).

Theo nguồn tin của New York Times, máy nhắn tin này được cho là sản xuất tại Đài Loan và sau đó Israel buôn bán trước khi giao cho Hezbollah ở Lebanon. Mỗi thiết bị này được tích hợp 28-55 gram chất nổ mà người dùng không hề biết.

Các chuyên gia nhận xét, bản chất hoạt động này là một "thành tựu kỹ thuật" thể hiện năng lực công nghệ rất tinh vi.

Cũng theo New York Times, Hezbollah đã đặt mua hàng trăm bản sao của 4 mẫu máy nhắn tin từ công ty Gold Apollo (Đài Loan). Các thiết bị này được cho là đã bị chặn để thêm chất nổ và ngòi nổ để có thể kích hoạt từ xa.

Những máy nhắn tin này phát nổ đồng thời ở các khu vực khác nhau ở Lebanon khiến hàng nghìn người thương vong.

Cựu đặc vụ Michel Juneau-Katsuya, Cơ quan Tình báo An ninh Canada (CSIS) chia sẻ với tờ La Presse vào ngày 17/9: "Điều này không thể xảy ra đối với những máy nhắn tin bình thường".

Theo ông, cộng đồng quốc tế cần phản ứng mạnh mẽ trước hành động đáng lên án này. Sự kiện hàng loạt máy nhắn tin phát nổ đã thể hiện mức độ phức tạp của công nghệ.

Cách đây vài năm, một thủ lĩnh Hezbollah đã chứng kiến chiếc điện thoại di động của mình phát nổ ngay trước mặt.

Chuyên gia an ninh mạng: Loạt máy nhắn tin không tự nhiên nổ

Kích nổ từ xa một thiết bị được kết nối không phải là mới và thậm chí nó ngày càng trở nên phổ biến hơn.

Các chuyên gia an ninh mạng đã cảnh báo điều này từ năm 2022 rằng, việc biến một thiết bị liên lạc thành vật thể nổ là một điều cực kỳ dễ dàng.

Vào thời điểm đó, lập trình viên Patrick Wardle và Colby Moore, thuộc một công ty công nghệ (sở hữu mạng lưới các "hacker mũ trắng", chuyên gia an ninh mạng kiểm tra các công nghệ mới để phát hiện các lỗ hổng cần nâng cấp) khẳng định rằng, về mặt kỹ thuật chúng ta có thể thực hiện được một cuộc tấn công từ xa qua các thiết bị kết nối.

Trong ví dụ của họ, một cá nhân nhận được một chiếc máy quay video có vẻ bình thường qua đường bưu điện. Sau khi người nhận thiết bị kết nối với Internet để xem thông tin, hai phút sau chiếc máy quay phát nổ và gây cháy căn hộ.

Theo hai vị chuyên gia, chúng ta hoàn toàn có thể thêm một vài thành phần cứng vào thiết bị được kết nối, sẽ biến nó thành vũ khí mạng.

Phương tiện liên lạc "an toàn"

Máy nhắn tin là công cụ liên lạc phổ biến trong những năm 1980 và 1990, sau đó nó được thay thế bằng điện thoại di động. Tuy nhiên, chúng vẫn được sử dụng trong một số trường hợp cụ thể, chẳng hạn như trong mạng lưới y tế Quebec.

Phạm vi không dây của chúng có thể lớn hơn điện thoại và chúng có thể hiệu quả hơn trong việc thông báo một trường hợp khẩn cấp cụ thể từ người dùng.

Chuyên gia an ninh mạng Steve Waterhouse (Quebec) cảnh báo, một thiết bị như vậy nếu không được sửa đổi sẽ không thể phát nổ. Đây không phải là máy nhắn tin thông thường phát nổ do pin quá nóng.

Ông giải thích, nếu không có chất nổ trong máy nhắn tin thì tác nhân gây nổ là pin. Ban đầu khói thoát ra từ trong điện thoại và pin sẽ phồng lên. Những dấu hiệu này xảy ra rất lâu trước khi phát nổ.

Chuyên gia an ninh mạng tại Quebec nghi vấn: "Câu hỏi chính là ai phân phối những chiếc máy nhắn tin phát nổ này?"