(Dân trí) - Sự ra đi của một trong những thương hiệu máy ảnh lớn nhất thế giới không khỏi khiến người dùng tiếc nuối. Nhìn lại, nhiều người cho rằng Olympus đáng lẽ đã có những sự lựa chọn tốt hơn.
Mặc dù trước đây vẫn luôn phủ nhận những tin đồn về việc sẽ từ bỏ mảng kinh doanh máy ảnh, nhưng Olympus đã chính thức bán mảng kinh doanh này, và cho biết sẽ chỉ tập trung vào mảng thiết bị hình ảnh công nghiệp và bộ phận y tế.
Sự ra đi của một trong những thương hiệu máy ảnh lớn nhất thế giới không khỏi khiến người ta đau xót. Nhưng biết đâu, đây lại là một sự khởi đầu mới dành cho chính họ, khi mà "vị thần" dường như đã ngủ quên trên vùng đất thánh từ quá lâu.
Sự ra đời của một huyền thoại
Olympus được sáng lập vào ngày 12/10/1919, dưới tên gọi tiếng Nhật là Takachiho Seisakusho. Nguồn gốc của tên gọi này lấy cảm hứng từ thần thoại Nhật Bản, với đỉnh núi Takachiho được đề cập chính là nơi sinh sống của các vị thần trong truyền thuyết.
Ông Takeshi Yamashita - người sáng lập thời bấy giờ, kỳ vọng việc thành lập công ty và tên gọi đầy ý nghĩa sẽ giúp đạt được những thành tựu đột phá trong ngành sản xuất kính hiển vi trong nước.
Quả thực, vào tháng 6/1920, chỉ 8 tháng sau khi thành lập công ty, giấc mơ chế tạo kính hiển vi của ông Yamashita đã trở thành hiện thực với sự ra đời của Asahi - chiếc kính hiển vi đầu tiên do công ty Takachiho sản xuất. Lần đầu tiên vào những năm thập niên 20 của thế kỷ 20, "vị thần" cất tiếng hét vang.
Kể từ đó, Takachiho - tên tiền thân của Olympus, trở thành một công ty chuyên sản xuất kính hiển vi và nhiệt kế. Có thời điểm, "vị thần" nắm giữ tới 70% thị phần thiết bị nội soi toàn cầu, ước tính trị giá khoảng 2,5 tỉ USD.
Năm 1921, thương hiệu Olympus bắt đầu xuất hiện, chủ yếu được công ty dùng để đặt tên cho kính hiển vi và các dòng sản phẩm quang học khác.
Lý do lựa chọn Olympus là bởi trong thần thoại Hy Lạp, đỉnh núi cùng tên chính là nơi cư ngụ của 12 vị thần tối thượng. Thương hiệu này thấm nhuần khát vọng của người sáng lập - ông Yamashita - trong việc trở thành giống như các vị thần, đứng trên cao và soi rọi thế giới bằng các thiết bị quang học.
Năm 1936, trước xu thế thương mại hóa của thiết bị chụp hình, Olympus nghiên cứu và ra mắt máy ảnh chụp phim đầu tiên của hãng - chiếc Semi-Olympus I sử dụng ống kính nhiếp ảnh Zuiko. Sản phẩm nhanh chóng tạo được tiếng vang lớn, và có chỗ đứng trong một thị trường rộng mở.
Sang đến năm 1949, tên gọi của công ty chính thức được đổi thành Olympus Optical, cho thấy khát vọng toàn cầu hóa của ông Yamashita, thay vì chỉ bó buộc tại mảnh đất "xứ sở hoa anh đào".
Olympus kể từ đó liên tục đi đầu trong lĩnh vực các thiết bị quang học, điển hình như chế tạo thành công gastrocamera - một máy ảnh siêu nhỏ, có thể chụp và kiểm tra bên trong dạ dày của bệnh nhân vào năm 1950, kính hiển vi đầu tiên với chức năng tự động lấy nét, máy ghi âm dùng băng micro-cassette đầu tiên trên thế giới, và tất nhiên không thể không thể không kể đến các dòng máy ảnh phim mang tính thương hiệu.
Năm 1959, thương hiệu Nhật Bản ra dòng máy ảnh Olympus PEN, đột phá với thiết kế nửa phim (half-frame) và mở đầu cho xu thế trong thập niên 60. Với máy ảnh loại này, một khung hình sẽ được chẻ thành hai, nên cuộn phim thông thường sẽ được nhân đôi số kiểu.
Không chỉ tiết kiệm về mặt phim, máy ảnh half-frame còn cho phép nhiếp ảnh gia sáng tạo với hai tấm ảnh đứng cạnh nhau thể hiện sự đồng điệu hoặc đối nghịch.
Năm 1972, Olympus ra mắt dòng máy ảnh SLR mang tên OM-1. Đây là sản phẩm mở màn cho hệ thống máy ảnh đơn kính phản chiếu OM lừng danh, và cũng kiêm luôn vai trò mở đầu cho một thời kỳ mới trong chế tác máy ảnh phim gọn nhẹ, đáng tin cậy. Cần phải nói thêm rằng, trước OM-1, tất cả các máy ảnh đơn kính phản chiếu đều rất to và cồng kềnh, điển hình như Nikon F.
Không phải ngẫu nhiên mà Olympus OM-1 lại là gương mặt sáng giá nhất của dòng máy full cơ. Nhà sản xuất Olympus đã để ý đến từng tiểu tiết để cho ra đời một chiếc máy SLR sang trọng, tinh tế, đẹp "không góc chết". Đặc biệt Olympus OM1 được kiểm soát chất lượng cực kỳ nghiêm ngặt, dung sai rất ít trong quá trình xây dựng máy ảnh. Đây là một trong những body máy phim có view ngắm sáng nhất, dễ lấy nét. Sự nhẹ nhàng, tinh tế của body còn đi kèm với hệ ống kính được thiết kế gọn gàng, dải lens rộng, phong phú.
Ngay tại thời điểm hiện nay, rất nhiều người mới làm quen nhiếp ảnh phim vẫn lùng kiếm máy ảnh OM-1 của Olympus như một thước đo tiêu chuẩn. Theo họ thì đây chính là một lựa chọn rất dễ hiểu vì máy dễ sử dụng cho người mới, lại có chi phí không quá đắt đỏ.
"Thành danh" trong làng nhiếp ảnh phim, nhưng Olympus cũng nhanh chân bước sang kỷ nguyên kỹ thuật số để không trở nên lạc hậu. Năm 1996, hãng ra mắt dòng máy C-800L/D-300L và C-400L/D-200L với tư cách là máy ảnh số đầu tiên được thương mại.
Tuy nhiên vào những năm của thập niên 90 và đầu thập niên 2000, Olympus cũng giống nhiều công ty Nhật khác trải qua giai đoạn khó khăn với bong bóng Dotcom.
Đến năm 2003, tưởng như Olympus đã vượt qua khủng hoảng, và trở lại với vị thế dẫn đầu bằng việc ra mắt máy ảnh Olympus E-1, đại diện cho dòng SLR kỹ thuật số với ống kính hoán đổi.
Thế nhưng, giới hâm mộ không ngờ rằng giai đoạn này lại đánh dấu một chuỗi những "cú ngã" khó lòng gượng dậy của thương hiệu máy ảnh số 1 Nhật Bản, bắt đầu từ vụ phát giác gian lận kéo dài, có hệ thống trong nhiều năm của công ty.
Vụ bê bối lớn nhất trong lịch sử thị trường kinh doanh Nhật Bản
Vào tháng 11/2011, sau nhiều cáo buộc dai dẳng kéo dài trong hàng thập kỷ, ban lãnh đạo Olympus thừa nhận rằng tập đoàn danh giá đã sử dụng các vụ mua bán công ty để che giấu các khoản thua lỗ do đầu tư chứng khoán từ suốt hơn 20 năm trước.
Hóa ra, Olympus cũng giống nhiều doanh nghiệp lớn khác sử dụng "thủ đoạn" che đậy khả năng tài chính thật, bằng cách thực hiện các giao dịch chuyển lỗ từ công ty mẹ sang công ty con hoặc một quỹ đầu tư để giữ sổ sách kế toán sạch sẽ
Theo đó, Olympus bị phát hiện khoản đầu tư 940 triệu USD vào 3 công ty nhỏ khác của Nhật Bản mà chẳng hề có liên quan đến chiến lược kinh doanh của tập đoàn trong thời gian từ năm 2006 đến 2008. Ngoài ra, còn khoản tiền tư vấn lên tới 687 triệu USD mà hãng trả cho công ty Axes America (Mỹ) cũng bị đặt dấu hỏi.
Vụ bê bối mang tên Olympus khi ấy được xem như vụ che giấu lỗ dài nhất và lớn nhất trong lịch sử thị trường kinh doanh ở Nhật Bản. Cổ phiếu của hãng mất tới 70% giá trị, tương đương khoảng 6 tỉ USD.
Bên cạnh đó, Olympus cũng nhận phải sự cạnh tranh vô cùng quyết liệt tới từ Fujifilm, khi cả hai đều lấy cảm hứng từ những dòng máy ảnh cổ của năm 1970. Tuy nhiên, điều khác biệt đó là trong khi Olympus chỉ là người phát hiện ra trào lưu, thì Fujifilm lại là người nhặt trái banh lên và chạy cùng với nó.
Một thí dụ có thể kể đến là dòng OM-D của Olympus dù sở hữu thiết kế cổ điển của những dòng máy phim 35mm, nhưng lại không mang đến trải nghiệm đủ tốt cho người dùng hiện đại. Trong khi X-T1 của Fujifilm thì "thân thiện" hơn rất nhiều, với việc bổ sung thêm một vòng điều chỉnh tốc độ màn trập, một vòng khẩu độ trên ống kính, một chế độ mô phỏng ảnh phim, và quan trọng hơn hết là sử dụng cảm biến lớn hơn.
Những cải tiến này đủ tốt để lôi kéo người dùng đến với Fujifilm thay vì tiếp tục "lỗi mốt" với Olympus, dù cả hai đều hướng đến những người dùng hoài cổ.
Trong lúc tất cả sự tranh đấu này diễn ra, thì ngành công nghiệp smartphone thăng tiến và lặng lẽ chiếm mất "bữa trưa" của các hãng máy ảnh. Nó phát triển nhanh đến độ, bất kỳ ai dùng điện thoại giờ đây cũng có thể chụp ảnh vô cùng tiện lợi, nhanh chóng, và đáp ứng đủ tốt cho nhu cầu của họ.
Bên cạnh những ưu thế mà máy ảnh không có như tính cơ động, dễ dàng xem ảnh, chỉnh sửa ảnh, chia sẻ ảnh, thì chất lượng cảm biến, tốc độ xử lý của camera trên smartphone cũng liên tục được cải thiện theo thời gian.
Năm 2010, liên tiếp những khoản thua lỗ "tấn công" Olympus, khiến hãng buộc lòng ra thông báo ngừng kế hoạch phát triển máy ảnh DSLR phổ thông, và hướng mục tiêu khá ảm đạm vào những hệ thống máy ảnh PEN (định dạng 4/3”) dành cho người tầm trung và cao cấp. Hãng cũng bỏ ngỏ khả năng phát triển một dòng máy ảnh compact với cảm biến ảnh nhỏ hơn 4/3” một chút.
Hệ quả tất yếu là mặc dù đã nỗ lực ra mắt thêm nhiều sản phẩm mới, nhưng thị trường máy ảnh điện tử rõ ràng không còn đem lại lợi nhuận cho Olympus. "Vị thần" nay lạc lõng giữa miếng vụn bánh quá nhỏ bị cắt xẻ tứ tung, chứ không còn dạo chơi trên vùng "đất thánh" hàng chục năm về trước.
Tuy nhiên, "trách người cũng phải trách ta", chính bởi quan điểm bảo thủ, không thay đổi của Olympus đã khiến hãng đối mặt với những khó khăn về mặt doanh số, chịu thua lỗ suốt cả thập kỷ.
Nhiều lần, Olympus từng cho rằng, nếu nhiếp ảnh gia biết sử dụng thiết bị, họ vẫn có thể chụp được những tấm ảnh đẹp mà không cần phần mềm và cảm biến quang học quá "xịn". Tuy nhiên, điều này lại không áp dụng với tất cả mọi người - và thực tế cũng chứng minh không phải ai cũng là nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp.
Để rồi những mẫu máy ảnh mới của Olympus như dòng OM-D EM-1 Mark III ra mắt đầu năm 2020 vẫn sử dụng cảm biến 20.1 MP - vốn đã không được nâng cấp trong nhiều năm với khả năng kém trong xử lý ánh sáng yếu, dẫn đến sự thụt lùi trong cuộc đua công nghệ với các hãng máy ảnh khác.
Năm 2019, hãng kỷ niệm 100 năm thành lập công ty trong sinh nhật buồn. Slogan "Endeavor for Better" (tạm dịch: nỗ lực để làm tốt hơn) cho thấy Olympus giờ đây chỉ là một "vị thần" luôn trong tâm thế đi tìm hào quang của chính mình trong quá khứ.
Thế rồi chuyện gì tới cũng đã tới. Ngày 25/6/2020, chặng đường 84 năm phát triển máy ảnh của Olympus chính thức khép lại, khi hãng tuyên bố bản toàn bộ mảng này cho Japan Industrial Partners (JIP), công ty đã từng mua lại bộ phận máy tính Vaio của Sony.
Những ai yêu mến thương hiệu máy ảnh Olympus giờ đây chỉ còn mong đợi JIP sẽ quản lý tốt hơn, và mang đến một đội ngũ tài năng để làm sống lại những "quyền năng" vốn có của "vị thần".
Nhưng sẽ thật bi kịch nếu như Olympus đi vào con đường của Pentax - vốn thuộc sở hữu của Ricoh, một thương hiệu có di sản đáng tự hào nhưng nay chỉ tồn tại về mặt danh nghĩa, và gắn liền với ống kính hơn là máy ảnh.
Nguyễn Nguyễn