DMagazine

Sharp: Từ tượng đài công nghệ đến kẻ núp bóng thương hiệu Nhật Bản

(Dân trí) - Từng là "tượng đài" cho ngành công nghiệp điện tử của Nhật Bản, nhưng hàng loạt sai lầm trong quản lý và khủng hoảng tài chính đã đẩy Sharp đến bờ vực thẳm.

Hành trình ban đầu của người khai phá

***

Sharp: Từ tượng đài công nghệ đến kẻ núp bóng thương hiệu Nhật Bản - 1

Sharp được thành lập vào năm 1912 do ông Tokuji Hayakawa sáng lập, với tiền thân ban đầu là một xưởng chế tác kim loại ở thành phố Tokyo.

Tên gọi Sharp mà chúng ta quen thuộc kỳ thực được lấy từ một trong những phát minh đầu tiên của ông Tokuji, đó là chiếc bút máy Sharp Pencil.

Sau thảm hoạ động đất Kanto năm 1923 cướp đi sinh mạng 140.000 người, Tokuji nhìn thấy tương lai trong lĩnh vực phát thanh, truyền thông. Vào tháng 4/1925, ông và các cộng sự đã làm nên lịch sử khi lắp ráp thành công máy thu vô tuyến tinh thể đầu tiên của Nhật Bản.

Đây là một máy phát thanh đơn giản và rất thông dụng trong những ngày đầu tiên của ngành vô tuyến. Thiết bị hoàn toàn không cần pin hoặc ổ cắm điện, mà dùng năng lượng từ sóng vô tuyến thông qua một dây ăng-ten.

Sharp: Từ tượng đài công nghệ đến kẻ núp bóng thương hiệu Nhật Bản - 2

Máy thu vô tuyến tinh thể đầu tiên của Nhật Bản do Sharp chế tạo.

Những tài liệu để lại cho thấy Sharp bắt đầu nghiên cứu vô tuyến truyền hình từ năm 1931, thời điểm radio mới chỉ bắt đầu xuất hiện ở Nhật Bản. Nhờ công nghệ sóng cực ngắn thu được từ nghiên cứu trong và sau Thế chiến thứ II, Sharp đã có thể chế tạo nguyên mẫu TV đầu tiên của Nhật Bản vào năm 1951.

Dẫu vậy, thời đại của vô tuyến truyền hình tại Nhật Bản mới chỉ thực sự bắt đầu vào năm 1953, khi Sharp trở thành công ty Nhật đầu tiên đưa ra dây chuyền sản xuất TV hàng loạt tới tay người tiêu dùng.

Sharp: Từ tượng đài công nghệ đến kẻ núp bóng thương hiệu Nhật Bản - 3

TV đầu tiên của Sharp - mẫu TV3-14T, có giá 175.000 yên, tương đương 38,6 triệu VNĐ theo quy đổi mệnh giá tại thời điểm hiện nay. Con số này gấp khoảng 32 lần so với mức thu nhập trung bình mỗi tháng của một nhân công sau khi tốt nghiệp cấp 3 lúc bấy giờ.

Kể từ đó tới những năm của thập niên 60, Sharp đã dẫn đầu toàn ngành, đi trước cả Sony, Toshiba,... trong việc cắt giảm chi phí sản xuất để vô tuyến điện có thể phù hợp với nhiều người nhất có thể.

Đến năm 1960, Sharp bắt đầu sản xuất TV màu, đồng thời mở rộng sản xuất sang các sản phẩm điện gia dụng như lò vi sóng, pin năng lượng mặt trời, máy lạnh, lò nướng, máy giặt, tủ lạnh,… Trong đó có rất nhiều sản phẩm đã tạo được tiếng vang như R-10, lò vi sóng đầu tiên tại Nhật Bản; CS-10A, máy tính điện tử đầu tiên sử dụng điốt bóng bán dẫn.

Sharp: Từ tượng đài công nghệ đến kẻ núp bóng thương hiệu Nhật Bản - 4

Máy tính điện tử đầu tiên sử dụng toàn bộ điốt bằng bóng bán dẫn với tên gọi CS-10A. Giá của chiếc máy này vào lúc bấy giờ là 535.000 yên, tương đương với một chiếc ô tô dung tích 1300cc.

Sang tới những năm 1970, Sharp tiếp tục trình làng những phát kiến sáng tạo, đột phá điển hình như TV màu đầu tiên có thể “chia đôi” màn hình, giúp người dùng xem cùng một lúc nhiều nội dung trên các kênh khác nhau.

Sự sáng tạo của Sharp được “nhào nặn sau một quá trình khảo sát hàng chục ngàn hộ gia đình tại Nhật Bản. Tới khi sản phẩm được ra mắt, chúng được đón nhận không chỉ tại thị trường nội địa, mà còn trên cả thế giới, tiêu biểu như mẫu SJ-3300X là tủ lạnh đầu tiên có 3 cánh với từng chức năng riêng để làm ngăn rau, ngăn đá, và ngăn thông thường.

Một thí dụ khác là vào năm 1973, Sharp trở thành công ty đầu tiên thành công sản xuất máy tính bỏ túi với màn hình LCD, kích thước nhỏ gọn, tiện lợi khi sử dụng.

Sharp: Từ tượng đài công nghệ đến kẻ núp bóng thương hiệu Nhật Bản - 5

Định hình thương hiệu Hàng Nhật chất lượng cao

***

Bước sang những năm 1980, Sharp vẫn duy trì được sự nổi tiếng với nhiều máy tính, đầu băng video, máy chiếu, máy nghe nhạc cầm tay. Các hoạt động này đã giúp họ “ăn nên làm ra” trong một thời gian dài.

Sharp: Từ tượng đài công nghệ đến kẻ núp bóng thương hiệu Nhật Bản - 6

Nỗ lực trong mảng R&D giúp Sharp lần đầu tiên thành công trong sản xuất màn hình LCD 14-inch, đóng vai trò quan trọng đối với ngành công nghệ LCD. Phát minh này cũng đoạt Giải thưởng Công nghệ Eduard Rhein - được coi là Giải thưởng Nobel trong thế giới nghe nhìn.

Trong suốt giai đoạn ấy, khái niệm hàng Nhật chất lượng cao, TV Nhật dùng 20 năm không hỏng,... đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người tiêu dùng, như một lời khẳng định cho sự thống trị của thị trường nơi Sharp đóng vai trò "người khai phá".

Tới thập niên 2000, Sharp gặt hái nhiều thành công rực rỡ khi ngành tivi trở nên thịnh hành với các mẫu màn hình phẳng.

Đây là trái ngọt mà họ xứng đáng được nhận sau những nỗ lực từ nhiều thập kỷ trong nghiên cứu và phát triển.

Từ năm 2002 đến năm 2007, lợi nhuận của Sharp tăng gấp 9 lần. Sharp gần như thống trị thị trường TV Nhật trong những năm bùng nổ và trở thành biểu tượng của chất lượng không hãng nào sánh kịp. Sharp tiếp tục mở rộng sản xuất với nhà máy sản xuất màn hình LCD bằng việc xây dựng khu liên hợp 5 tỷ USD tại miền Tây nước Nhật năm 2009.

Thời kỳ kinh doanh tốt đẹp của Sharp chấm dứt khi khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến đồng yên Nhật giảm mạnh, nhu cầu của người dân “tuột dốc không phanh, còn chính phủ thì ngừng chương trình kích thích tiêu dùng. Hàng tồn kho của Sharp chất đống.

Sự sụp đổ của một thương hiệu

***

Sharp từ vị thế của một “gã khổng lồ” trị giá tỷ đô tại Nhật, bỗng chốc hứng chịu hậu quả nặng nề từ hàng loạt phi vụ đầu tư không sinh lời.

Trong suốt nhiều năm, công ty đã thiết lập hàng trăm nhà máy dọc khắp nước Nhật để sản xuất màn hình TV, với niềm tin chủ yếu dựa vào tốc độ tăng trưởng bền vững của mảng kinh doanh máy thu hình và của các đối tác khách hàng mua tấm nền LCD của Sharp.

Sharp: Từ tượng đài công nghệ đến kẻ núp bóng thương hiệu Nhật Bản - 7

Nhưng khi nhu cầu của thị trường bắt đầu giảm, Sharp gặp “cú sốc” với lượng hàng tồn đọng khổng lồ và đây cũng là lúc hoá đơn tiền nợ của hãng tăng dần đều.

Ông Takeshi Okuda, Chủ tịch Sharp lên thừa nhận nước đi sai lầm của công ty, điều gián tiếp khiến Sharp đứng trên bờ vực phá sản suốt nhiều năm. Các ngân hàng từng hai lần phải cứu trợ công ty này.

“Sharp đã dồn quá nhiều tiền vào các động lực tăng trưởng mà nay lại trở thành gánh nặng, ông Nobuo Kurahashi, chuyên gia phân tích tại công ty chứng khoán Mizuho Investors Securities nhận xét.

Tháng 11/2012, lần đầu tiên trong lịch sử 100 năm của mình, Sharp đã phải đưa ra tuyên bố đầy hoài nghi về sự tồn tại của chính tập đoàn này. Trước đó, hãng điện tử Nhật công bố mức thua lỗ 3,12 tỉ USD của quý 3/2012, kèm dự đoán về năm thứ hai liên tiếp làm ăn thất bại với tổng giá trị thua lỗ lên đến hơn 10 tỉ USD.

Khủng hoảng chưa hết, cả ba “đại gia điện tử lớn tại Nhật là Sharp, Sony, Panasonic đã liên tiếp phải đối mặt với những đối thủ khó chịu tới từ Hàn Quốc là Samsung, LG trong lĩnh vực sản xuất TV.

Người Nhật thất bại ngay từ trong tư tưởng, khi cho rằng khách hàng của họ sẽ mãi gắn bó với sản phẩm của mình vì chất lượng tốt, đảm bảo. Tuy nhiên trái lại, một thị trường bùng nổ luôn cần những cái mới, và những đột phá sáng tạo thì luôn được đánh giá cao.

Sharp: Từ tượng đài công nghệ đến kẻ núp bóng thương hiệu Nhật Bản - 8

CEO Sharp Kozo Takahashi cúi đầu trong buổi họp báo tháng 2/2016.

Những năm tiếp theo, các ông lớn tại Nhật Bản tiếp tục cay đắng chứng kiến Samsung và LG vươn lên bá chủ thị trường TV. Khoảng cách chất lượng giữa TV Nhật và TV Hàn Quốc cũng dần dần bị xóa nhòa, chất lượng sản phẩm trở nên đồng đều, tỉ lệ gặp lỗi ít hơn.

Trong đó, Sharp gặp nhiều khó khăn nhất vì vừa không có được nhiều thương hiệu nổi bật như Sony hay Panasonic, lại không thể theo kịp tiến bộ công nghệ của Hàn Quốc với nhiều tính năng mới trên sản phẩm.

Tới năm 2015, Sharp thông báo lỗ nặng và cắt giảm khoảng 5.000 lao động trên toàn cầu. Đây có thể là một con số không lớn với doanh nghiệp tại các quốc gia khác. Tuy nhiên, theo Keith Henry - nhà sáng lập Asia Strategy tại Tokyo, 5.000 là một con số rất lớn tại một đất nước như Nhật Bản - nơi các công ty có truyền thống “duy trì hoạt động để nhân viên không thất nghiệp.

Bán mình để tiếp tục sống sót

***

Sharp: Từ tượng đài công nghệ đến kẻ núp bóng thương hiệu Nhật Bản - 9

Đầu năm 2016, Sharp đưa ra quyết định gây sốc khi đồng ý bán cổ phần cho tập đoàn Foxconn (Đài Loan, Trung Quốc) sau nhiều năm vật lộn với nợ nần và thua lỗ. Tới tháng 8/2016, Foxconn hoàn tất thương vụ mua 66% cổ phần của Sharp với giá 3,5 tỷ USD.

Đây là thương vụ đầu tiên một công ty nước ngoài mua hãng điện tử lớn của Nhật Bản, đánh dấu bước ngoặt với ngành điện tử tiêu dùng của Nhật Bản, từng thống trị thế giới.

Thương vụ Foxconn thâu tóm Sharp đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc chơi, trong đó người được lợi bất ngờ là Sharp khi họ chứng kiến giai đoạn hồi sinh ngay trong những quý đầu của năm 2017 nhờ nỗ lực cắt giảm chi phí. Đồng thời, doanh thu cũng tăng trưởng liên tục trong 10 quý tính đến tháng 6/2019.

Đây cũng chính là “chiếc vé thông hành mà Sharp thèm muốn từ lâu để tiến ra thị trường toàn cầu. Họ đã bước đầu lên kế hoạch thiết lập lại vị thế của mình tại thị trường Mỹ sau khi có được giấy phép bán hàng. Mục tiêu của họ không gì khác đó là tìm kiếm cơ hội nhằm vực dậy người khổng lồ trong lĩnh vực điện tử thế giới một thời.

Tuy nhiên, điều không thể thay đổi đó là Sharp giờ đây chỉ còn là một tập đoàn Trung Quốc núp bóng dưới quá khứ thành công của một thương hiệu Nhật Bản. Sau tất cả, những gì mà người ta nhắc đến Sharp chỉ là một quá khứ huy hoàng, nơi họ được biết đến như tượng đài công nghệ “không thể thay thế và luôn biết cách để tạo ra bản sắc cho riêng mình.

Nguyễn Nguyễn