Không tổ chức đấu giá tần số 3800-3900 MHz vì thiếu doanh nghiệp

Sáng 14/3, Công ty Đấu giá Hợp danh số 5 Quốc gia đã ra thông báo không tổ chức đấu giá tần số 3800-3900 MHz vì không đủ số lượng doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia đấu giá tối thiểu theo quy định.

Không tổ chức đấu giá tần số 3800-3900 MHz vì thiếu doanh nghiệp - 1

Công ty Đấu giá Hợp danh số 5 Quốc gia đã ra thông báo không tổ chức đấu giá tần số 3800-3900 MHz vì không đủ số lượng doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia (Ảnh: TK).

Không tổ chức đấu giá tần số 3800-3900 MHz

Công ty Đấu giá Hợp danh số 5 Quốc gia đã thông báo danh sách doanh nghiệp không đủ điệu kiện tham gia đấu giá và không tổ chức cuộc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần C3 (3800-3900 MHz). 

Trước đó, ngày 20/2, Công ty Đấu giá hợp danh số 5 Quốc gia phát hành thông báo mời tham gia đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần C3 (3800-3900 MHz) dự kiến tổ chức vào hồi 14h00' ngày 14/3.

Tuy nhiên, căn cứ kết quả tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá và kết quả thu khoản tiền đặt trước, Công ty Đấu giá Hợp danh số 5 Quốc gia thông báo danh sách doanh nghiệp không đủ điệu kiện tham gia đấu giá không nộp tiền đặt trước. Vì vậy, cuộc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần C3 (3800-3900 MHz) không được tổ chức vì thiếu số lượng doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia đấu giá tối thiểu theo quy định.

Công ty Đấu giá Hợp danh số 5 Quốc gia sẽ trả lại tiền mua hồ sơ, tiền đặt trước, chậm nhất là 2 ngày làm việc kể từ ngày dự kiến tổ chức cuộc đấu giá, cho doanh nghiệp đã mua hồ sơ và nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá hợp lệ.

Giá khởi điểm của khối băng tần từ 3800 MHz đến 3900 MHz cho 15 năm sử dụng là hơn 1.956 tỷ đồng. Doanh nghiệp phải cam kết triển khai tối thiểu 3.000 trạm phát sóng 5G, và chính thức cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất sử dụng băng tần 3700-3800 MHz hoặc băng tần 3800-3900 MHz muộn nhất 12 tháng kể từ ngày được cấp phép sử dụng băng tần trúng đấu giá tương ứng.

Tại thời điểm chính thức cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất sử dụng băng tần 3700-3800 MHz hoặc băng tần 3800-3900 MHz, doanh nghiệp phải triển khai tối thiểu 30% số lượng trạm phát sóng vô tuyến điện đã cam kết triển khai trong 2 năm đầu tiên kể từ ngày được cấp phép sử dụng băng tần trúng đấu giá tương ứng.

Trước đó, ngày 8/3, phiên đấu giá băng tần B1 2500 - 2600 MHz được tổ chức, đánh dấu dấu mốc lịch sử mới cho Việt Nam khi chuyển từ cấp phát, thi tuyển sang đấu giá để có được tần số.

Sau 24 vòng đấu giá, Viettel là doanh nghiệp trúng đấu giá quyền sử dụng tần số 2500MHz - 2600MHz. Với việc đã trúng khối băng tần B1 2500 - 2600 MHz, Viettel sẽ không còn quyền tham gia cuộc đấu giá tiếp theo. Trong lần đấu giá băng tần 2500 - 2600 MHz, Vietnamobile không tham gia và cũng không đưa ra lý do chính thức. 

Băng tần 5G cho các nhà mạng có gì khác biệt?

Các chuyên gia cho rằng, băng tần mạng 5G tại Việt Nam cho 3 nhà mạng theo quy hoạch là 2500-2600 MHz, 3700-3800 MHz và 3800 - 3900 MHz đều có số lượng thiết bị đầu cuối tương thích tương đương nhau vì các băng tần này đều là băng tần phổ biến cho mạng 5G trên thế giới.

Mặt khác, do yếu tố cạnh tranh và thương mại toàn cầu nên hầu hết các thiết bị đầu cuối 5G đều được các nhà cung cấp thiết kế tương thích và hỗ trợ đa băng tần để có thể thương mại hóa ở các thị trường, đặc biệt là các băng tần phổ biến ngoài các băng tần đặc thù.

Các chuyên gia chỉ ra rằng, băng tần 5G được chia làm 4 nhóm: Low bands (dưới 1GHz), Mid bands 1 (1GHz-2.6GHz), Mid bands 2 (3,5-7GHz) và High bands (24GHz - 48GHz). Theo IMT 2020, băng tần có tần số cao sẽ có băng thông lớn, tốc độ cao, độ trễ thấp và dung lượng cao, tuy nhiên, với băng tần tần số cao sẽ bị hạn chế bởi độ phủ.

Như vậy, với mỗi băng tần được cấp phép đều có các ưu điểm, nhược điểm khác nhau và khó có băng tần nào phát huy tối đa hết ưu điểm và khắc phục hết các nhược điểm do đặc thù và yếu tố về công nghệ. Băng tần thấp sẽ có ưu điểm vùng phủ rộng, nhưng tốc độ sẽ chậm hơn và băng tần cao có tốc độ cao hơn nhưng vùng phủ lại hẹp hơn.

Cụ thể, băng tần 2500-2600 MHz mà Viettel trúng đấu giá được gọi là "băng tần vàng" bởi đây là băng tần thấp hơn 3700-3800 MHz và băng tần 3800 - 3900 MHz nên có độ phủ rộng hơn. Khi nhà mạng có được băng tần này sẽ có được lợi thế về đầu tư ít hơn các nhà mạng có băng tần 3700-3800 Mhz và băng tần 3800 - 3900 Mhz.  Thêm vào đó, băng tần này còn có khả năng sử dụng cho cả mạng 4G. Giá khởi điểm để đấu giá băng tần này cũng cao hơn 2 băng tần 5G còn lại.

Băng tần 3700-3800 MHz và băng tần 3800 - 3900 MHz sẽ được đấu giá tiếp. Do không có ưu thế về vùng phủ nên sẽ buộc phải đầu tư nhiều trạm thu phát sóng hơn khiến chi phí đầu tư hạ tầng sẽ cao hơn. Tuy nhiên, băng tần này có ưu thế là tốc độ truy cập cao hơn "băng tần vàng" 2500-2600 MHz.

Tới đây, nếu Bộ TT&TT tiếp tục đưa băng tần 700 MHz vào đấu giá, băng tần này sẽ có độ phủ còn cao hơn và đem lại lợi thế đầu tư cho nhà mạng trúng đấu giá, nhưng sẽ có tốc độ chậm hơn 3 băng tần 5G mà Bộ TT&TT đấu giá lần này. 

Như vậy, việc đấu giá để có được băng tần nào là việc của các nhà mạng với tính toán riêng của mình. Nhưng đối với khách hàng, họ không quan tâm nhà mạng dùng băng tần nào, công nghệ gì mà quan trọng nhà mạng đưa đến cho họ những dịch vụ gì, chất lượng thế nào, mang lại trải nghiệm và tiện ích ra sao.

Do đó, sau cuộc đua đấu giá băng tần 5G, các nhà mạng sẽ bước vào cuộc đua mới là đem lại trải nghiệm dịch vụ, tiện ích cho khách hàng cũng như các mô hình kinh doanh 5G mới. Khi đầu tư mạng 5G, nhà mạng nào phục vụ khách hàng của mình tốt, đem lại lợi nhuận mới là yếu tố then chốt nhất quyết định thành công của họ. 

Theo vietnamnet.vn