Không ngắt điện bình nóng lạnh, liệu có bị giật khi đang tắm?
(Dân trí) - Sử dụng bình nóng lạnh không đúng cách có thể dẫn đến những sự cố hỏng hóc đáng tiếc, hay thậm chí xảy ra hậu quả khôn lường.
Các tỉnh miền Bắc đang bước vào mùa đông với không khí lạnh tăng cường. Cùng với đó là nhu cầu tăng cao về các thiết bị làm ấm, thiết bị sưởi, đun nước,... và bình nóng lạnh gần như trở thành món đồ không thể thiếu trong các hộ gia đình từ miền quê tới thành phố.
Theo thống kê, hằng năm, có khoảng gần 1 triệu sản phẩm bình nước nóng được bán ra và con số này dự kiến sẽ tăng lên 2 triệu vào năm 2020. Rất nhiều bình nóng lạnh đã tới tay người dùng, tuy nhiên theo khảo sát thì kiến thức của người dân về việc sử dụng thiết bị này sao cho an toàn và hiệu quả, lại chưa thực sự đầy đủ.
Anh Toản, một chủ tiệm cắt tóc tại quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết tại cửa hàng của anh có lắp bình nước nóng, nhưng từ lâu đã chẳng hề quan tâm tới việc ngắt/bật thiết bị này. Theo đó, bình nóng lạnh luôn được bật ở chế độ mở để phục vụ khách. Chiều tối khi tan làm, anh cùng vợ và các con cũng tắm rửa, sử dụng nước nóng một cách bình thường mỗi ngày.
Khi được đặt câu hỏi về sự an toàn do từng xảy ra một số vụ tai nạn liên quan tới điện giật, do không ngắt bình nước nóng, anh Toản nói rằng gia đình anh đã dùng bình nước nóng nhiều năm, nhưng chưa hề gặp vấn đề nào về rò rỉ điện. Ngoài ra, do thiết kế của bình nóng lạnh có đi kèm bộ phận aptomat tự động ngắt, nên anh càng yên tâm sử dụng.
Chị Lan, một hộ gia đình kế bên, cũng cho biết gia đình chị không mấy quan tâm tới việc tắt bật bình nóng lạnh khi sử dụng, vì chủ yếu chỉ có nhu cầu trong vài tháng vào mùa lạnh, nên tiền điện cũng không tốn quá nhiều.
Trong khi đó, sự tiện lợi khi lúc nào cũng có nước nóng để sử dụng - đặc biệt là với những hộ gia đình có trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh, là điều không thể bàn cãi.
Thói quen không tốt này khiến người dùng bị hiểu sai, khi một số cửa hàng, siêu thị điện máy cho biết rằng người dùng không cần phải ngắt bình nóng lạnh vì đã có hệ thống aptomat tự động, giúp đảm bảo an toàn tuyệt đối khỏi việc rò điện.
Tuy nhiên, theo bác Hồng - một thợ sửa chữa đồ điện tử lâu năm tại phố Bà Triệu, Hà Nội, chia sẻ rằng đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. "Dẫu bình nóng lạnh ngày nay đều được thiết kế hệ thống chống ngắt điện tự động khi nước đã đủ nhiệt, tuy nhiên điều này không ngăn được việc điện rò vào nước", bác Hồng cho biết.
Theo đó, có rất nhiều nguyên nhân xảy ra tình trạng nêu trên. Một phần do bình nóng lạnh sau một thời gian sử dụng, các bộ phận, chi tiết bên trong đã cũ và không thể hoạt động hiệu quả như lúc mới. Cũng có thể do bộ phận aptomat chống giật bị hỏng và người dùng không phát hiện ra điều này.
Một thợ điện khác tại phố Thái Thịnh cũng chia sẻ rằng mặc dù aptomat được làm ra để chống chập điện, chống giật, nhưng trên một số bình nóng lạnh - đặc biệt là những sản phẩm có nguồn gốc không rõ ràng, sản phẩm cũ đã qua sử dụng, thì bộ phận chống giật đó chỉ "lắp cho có" mà thôi.
Hệ quả từ đó là điện có thể rò vào nước bất cứ lúc nào mà bạn không thể biết trước. Nếu trong khi tắm bạn vẫn để điện bình nước nóng, thì có thể xảy ra tình trạng bị giật, khi điện rò vào nước. Lúc này nguy cơ tử vong là rất cao.
Cũng có trường hợp aptomat sẽ chỉ ngắt khi có dòng điện lớn, nhưng nhiều khi lượng điện rò rỉ ở mức thấp, khiến người dùng thấy "tê tê", thì lại không hoạt động. "Cứ tin vào chính mình bằng cách ngắt điện cung cấp cho bình, nhỡ aptomat có vấn đề thì tính mạng coi như xong", thợ điện này chia sẻ.
Có thể thấy rằng để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bản thân và gia đình, người dùng vẫn được khuyến cáo rằng nên bật bình nóng lạnh đến khi đủ nhiệt, sau đó ngắt hẳn điện, rồi mới sử dụng nước để tắm.
Ngoài ra, cũng có một số lưu ý khác mà người dùng cần lưu ý để hạn chế hỏng hóc thiết bị, hoặc gây ra những hậu quả đáng tiếc, đó là lưu ý vệ sinh bảo dưỡng bình nóng lạnh định kỳ, chú ý đến cọc tiếp đất, hạn chế mua bình nước nóng cũ, hoặc không rõ xuất xứ.
Nguyễn Nguyễn