1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Huawei khuyến cáo nhà mạng Việt Nam thận trọng khi triển khai 4G

(Dân trí) - Chia sẻ với báo giới về kinh nghiệm triển khai 4G, ông Qiu Heng, Phó Chủ tịch các Mạng TDD của Huawei cho rằng, các nhà mạng cần cân đối giá cung cấp dịch vụ trước khi triển khai.

4G sẽ góp phấn thúc đẩy GDP

Trong Hội thảo quốc tế 4G LTE tiểu vùng sông Mekong lần thứ nhất vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Qiu Heng, Phó Chủ tịch các Mạng TDD của Huawei đã chia sẻ với các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam về những lợi ích và những đóng góp mà công nghệ 4G mang lại.

Ông Qiu Heng, Phó Chủ tịch các Mạng TDD của Huawei

Ông Qiu Heng, Phó Chủ tịch các Mạng TDD của Huawei

Công nghệ di động 4G/LTE đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ trên thị trường toàn cầu. Theo số liệu của Hiệp hội các nhà cung cấp di động toàn cầu (GSA), tính đến cuối năm 2014 thế giới có 360 mạng LTE đã được thương mại hóa tại 124 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Còn theo số liệu của Informa, số người sử dụng LTE trên toàn cầu hiện đạt 400 triệu và dự kiến sẽ đạt 1 tỉ người dùng vào năm 2017.

Theo ông Qiu Heng, triển khai 4G sẽ có lợi cho nền kinh tế của các quốc gia. Nếu mật độ băng rộng tăng 10% thì GDP có thể tăng 1%, và như vậy 4G sẽ có lợi cho nền kịnh tế, cho nhà khai thác, và cho người sử dụng.

Tuy vậy kinh nghiệm triển khai 4G của Huawei cho thấy các mạng di động không nên đặt giá 4G quá cao so với 3G.

Mô hình đem lại thành công từ các nước đã triển khai
Các nhà mạng cần cân đối giá cung cấp 4G ở mức người tiêu dùng có thể chấp nhận được

Các nhà mạng cần cân đối giá cung cấp 4G ở mức người tiêu dùng có thể chấp nhận được.

“Chúng ta nên để giá ví dụ trên nền 3G giá 1GB là 3 USD thì với 4G giá 2GB là 4 USD. Như vậy tổng giá 4G cao hơn nhưng giá mỗi bit lại rẻ hơn. Đó là một mô hình có thể đem lại thành công”.

Với cách tính giá cước 4G này, ở các nước như Mỹ, Nhật, Trung Quốc…đều thành công. Thứ mà các mạng cạnh tranh nhau chính là tốc độ 4G của mình.

Khác biệt lớn nhất giữa 3G và 4G là chi phí trên 1 bit dữ liệu. Theo nghiên cứu của hãng về 4G tại Nhật Bản, nhu cầu dùng dữ liệu ngày càng tăng cao trong khi người sử dụng không muốn trả thêm tiền.

Do vậy nhà cung cấp phải có những giải pháp cung cấp tốc độ cao hơn nhưng không tăng chi phí. Và 4G chính là câu trả lời này. Với 4G, chi phí trên mỗi bit sẽ rẻ hơn hẳn. Từ quan điểm nhà khai thác, họ sẽ muốn dùng 4G để cung cấp dữ liệu nhưng người dùng phụ thuộc vào hai yếu tố: thiết bị đầu cuối có hỗ trợ 4G hay không và giá 4G ở mức nào.

 Do vậy đến đầu năm 2016, khi được cấp phép 4G các nhà mạng cần cân đối giá cung cấp và giá người tiêu dùng có thể chấp nhận được.

4G có mâu thuẫn với 3G và internet băng rộng?

Nếu 4G được triển khai, công nghệ WTTX (wireless fiber to the X) được đưa vào áp dụng có thể cung cấp dịch vụ đến từng nhà, tuy vậy dịch vụ này không thể thay thế được cáp quang FTTx (fiber to the X).

WTTX sẽ là giải pháp giải quyết vấn đề đường truyền trong vòng 5-10 năm, khi mà cáp quang chưa thể phổ biến ngay. Có thể trong 5-10 năm tới mật độ cáp quang là 20% hoặc hơn. Và trong thời gian đó, giải pháp WTTX sẽ là hữu ích nhất.

Nếu so giá 4G với giá internet băng rộng ở những quốc gia đã triển khai, nếu mật độ cáp quang nhỏ hơn 20% thì 4G WTTx sẽ rẻ hơn.

Nếu có 4G, với việc nhà mạng kinh doanh cả 2G, 3G, 4G, theo ông Qui Heng đấy là việc định vị từng hệ thống. 2G sẽ dành cho dịch vụ thoại, 3G sẽ dành cho dịch vụ dữ liệu cơ bản và 4G dành cho dịch vụ tốc độ cao.

Do vậy 4G và 3G không mâu thuẫn với nhau, vấn đề nằm ở cách khai thác của từng mạng.

Công nghệ 4G (Fourth Generation) là công nghệ truyền thông không dây thứ tư, cho phép truyền tải dữ liệu với tốc độ tối đa trong điều kiện lý tưởng lên tới 1-1,5 Gbps, gấp hơn 40 lần tốc độ băng thông cao nhất của dịch vụ 3G.
Hiện trên thế giới đã có hơn 300 nhà mạng triển khai công nghệ này và phần lớn các mẫu smartphone cao cấp hiện đã tích hợp công nghệ 4G.




Bảo Trung