Cấp phép 4G chậm nhất trong đầu quý 4

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm đề nghị Cục Tần số, Cục Viễn thông đẩy nhanh các thủ tục để có thể tiến hành cấp phép 4G LTE trên băng tần 1800 MHz chậm nhất là "cuối quý 3, đầu quý 4".


Thứ trưởng Phan tâm đề nghị Cục Tần số, Cục Viễn thông đẩy nhanh các thủ tục để có thể tiến hành cấp phép 4G chậm nhất vào cuối quý 3, đầu quý 4 năm nay.

Thứ trưởng Phan tâm đề nghị Cục Tần số, Cục Viễn thông đẩy nhanh các thủ tục để có thể tiến hành cấp phép 4G chậm nhất vào cuối quý 3, đầu quý 4 năm nay.

Chỉ đạo này của ông Tâm được đưa ra sau khi ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện khuyến nghị lo ngại các thủ tục cấp phép 4G LTE không được đẩy nhanh, sẽ khó kịp cấp phép trong năm 2016 như chủ trương của Chính phủ.

Phát biểu tại Hội nghị Giao ban QLNN Quý I/2016 của Bộ TT&TT sáng nay, 27/4, ông Hoan thẳng thắn: Theo chủ trương của Chính phủ và lộ trình dự kiến, VN sẽ cấp phép 4G LTE vào cuối năm 2016. Tuy nhiên hiện nay, sự triển khai "vẫn còn rất chậm". Bản thân các doanh nghiệp cũng nhiều lần gửi kiến nghị lên Bộ TT&TT để thúc giục việc này.

Giải pháp để tăng tốc cấp phép 4G, theo ông Hoan, là Bộ cần sớm cấp phép 4G LTE trên băng tần 1800 MHz để doanh nghiệp có điều kiện triển khai dịch vụ data. Hiện sở cứ và điều kiện đều đầy đủ để có thể thực hiện việc này. Riêng việc cấp phép 4G LTE trên băng tần 2600 MHz, người đứng đầu Cục Tần số cho biết đơn vị đã trình lên lãnh đạo Bộ, kiến nghị sớm thành lập Hội đồng đấu giá.

"Theo quy định, Hồ sơ đấu thầu 4G LTE phải do Hội đồng đấu giá trình chứ không phải Cục Tần số vô tuyến điện trình. Do đó, chúng ta cần sớm thành lập Hội đồng, nếu không việc xây dựng hồ sơ đấu giá sẽ bị chậm", ông Hoan nêu rõ.

Trước băn khoăn này của Cục Tần số vô tuyến điện, Thứ trưởng Phan Tâm cho biết ông đồng tình với hướng triển khai cấp phép 4G LTE trên băng tần 1800 MHz trước. Đây là băng tần doanh nghiệp đang khai thác 2G sẵn nên sở cứ pháp lý đã đầy đủ, hoàn toàn có thể triển khai sớm được. "Cục Viễn thông cần yêu cầu doanh nghiệp báo cáo kết quả thử nghiệm 4G, cũng như xây dựng văn bản hướng dẫn xây dựng hồ sơ xin cấp phép ra sao. Cố gắng theo đúng lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và xem xét cấp phép chậm nhất cuối quý 3, đầu quý 4 tới". Riêng với băng tần 2600 MHz, các đơn vị liên quan sẽ sớm họp để đề ra phương án triển khai khả thi nhất.

Thời gian qua, Viettel đã nhiều lần kiến nghị Bộ TT&TT sớm cấp phép 4G tại Việt Nam, với lý do hiện nhiều nước trong khu vực đã triển khai 4G và các nhà mạng trong nước có nguy cơ bị chậm chân, lỡ cơ hội. Đại diện VNPT cũng khẳng định, tập đoàn đã sẵn sàng về mặt hạ tầng, công nghệ để triển khai 4G, dù thừa nhận cuộc chơi 4G cần có sự tiếp cận thận trọng, tránh bị "cuốn theo các nhà sản xuất thiết bị".

Một số nhà mạng lớn cũng đã triển khai thử nghiệm 4G từ cuối năm 2015, đầu năm 2016.

Trong một lần trao đổi trước đây với VietNamNet, Thứ trưởng Phan Tâm từng nhấn mạnh rằng 2016 là năm hội tụ tương đối đầy đủ các điều kiện để VN triển khai thành công băng rộng di động 4G. Nhu cầu sử dụng các dịch vụ đòi hỏi băng thông rộng xuất hiện ngày càng nhiều; Các doanh nghiệp viễn thông đã sẵn sàng triển khai 4G. Bộ cũng đã cấp phép thử nghiệm cho một số nhà mạng từ cuối năm 2015 và tới đây, họ sẽ báo cáo kết quả thử nghiệm. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ xem xét cấp phép chính thức.

"Với tất cả những điều kiện đó, Bộ sẽ khẩn trương xem xét cấp phép 4G chính thức trong năm 2016 này", Thứ trưởng nêu rõ, đồng thời khẳng định Bộ sẽ xem xét, cân nhắc tất cả các đề xuất và kết quả thử nghiệm 4G của doanh nghiệp để đưa ra lộ trình phát triển hợp lý cho công nghệ này tại Việt Nam. "Tôi tin rằng năm 2016 sẽ là năm khởi đầu thuận lợi cho 4G còn 2017 sẽ chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ này".

Theo Vietnamnet