Khảo sát sản phẩm Chung khảo Nhân tài Đất Việt 2014:
Giám khảo gợi mở hướng phát triển cho các nhóm thí sinh
(Dân trí) - Khảo sát thực tế sản phẩm lọt vào Chung khảo Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2014, đại diện Ban Giám khảo đưa ra những đánh giá, tư vấn bổ ích để nhóm tác giả chuẩn bị tốt hơn cho những ngày đấu trí căng thẳng sắp tới.
Ông Phùng Văn Ôn - đại diện Ban Giám khảo Nhân tài Đất Việt 2014 cho biết, giám khảo đi đánh giá thực tiễn để thấy rõ hiệu quả các sản phẩm như thế nào, qua đó cũng đóng góp cho thí sinh những thông tin bổ ích. “Nhiều khi có những thí sinh rất giỏi, làm rất tốt nhưng không nói được hết ý nghĩa, vai trò của sẩn phẩm. Cũng có những cái trong hồ sơ không thể hiện được hết mà phải qua thực tiễn chúng tôi mới thấy kết quả thực chất của sản phẩm”, giám khảo Phùng Văn Ôn nói rõ.
Về phần mềm iBOM v3.0 - phầm mềm điều hành doanh nghiệp và quản lý thi công công trình, báo cáo với giám khảo tác giả Hòa Thanh Hải cho biết, phần mềm này được thiết kế tổng thể theo mô hình của một phần mềm ERP thu nhỏ, thuần Việt, hoàn toàn phù hợp với môi trường Việt Nam. iBom tập trung chuyên sâu vào các chức năng hỗ trợ quản trị, điều hành doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư và thi công công trình.
Tại buổi khảo sát, giám khảo Phùng Văn Ôn đã yêu cầu tác giả Hòa Thanh Hải làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến sản phẩm iBOM. Đặc biệt, ông Phùng Văn Ôn còn đề nghị công ty ứng dụng sản phẩn này tự đánh giá những ưu, nhược điểm và vướng mắc từ khi ứng dụng iBOM.
Bà Lê Thị Quỳnh Hoa - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần ECOBA Việt Nam cho biết, trước khi ứng dụng phần mềm này, ban lãnh đạo công ty cũng cân nhắc rất kỹ giữa việc lựa chọn phầm mềm của nước ngoài hay trong nước. Qua quá trình khảo sát, nghiên cứu công ty này đã quyết định lựa chọn phần mềm iBOM để điều hành và quản lý thi công công trình. Lý do đơn vị này lựa chọn iBOM được bà Hoa giải thích vì nó đáp ứng được yêu cầu cách thức quản lý công ty đưa ra và việc sử dụng nó cũng không quá phức tạp… Quá trình sử dụng, đơn vị này đánh giá cao tính năng và lợi ích mà phần mềm iBOM đem lại.
Qua báo cáo, giám khảo Phùng Văn Ôn đánh giá cao sự phối hợp giữa đơn vị viết phầm mềm và đơn vị trực tiếp sử dụng đã tạo ra một môi trường ứng dụng tốt để đi đến đích cuối cùng đạt hiệu quả cao trong công việc. Ngoài ra, giám khảo còn cho biết, về nghiệp vụ về cơ bản phần mềm này cũng giống như một số phần mềm khác, nhưng điều khác biệt khi triển khai cụ thể như thế nào lại phụ thuộc vào đặc thù, yêu cầu của bên ứng dụng. “Căn bản thì giống nhau về nghiệp vụ nhưng còn quy trình đơn vị có thể yêu cầu thiết lập khác nhau”, giám khảo Phùng Văn Ôn đánh giá.
Mạng giáo dục Việt Nam - VNEDU, của Công ty phần mềm và truyền thông VASC và VNPT Thanh Hóa. Sản phẩm này, được hiểu như một hệ sinh thái ứng dụng cho ngành giáo dục. Hệ sinh thái này bao gồm: Quản lý thông tin nhà trường, Quản lý cơ sở dữ liệu đề thi, Quản lý cổng thông tin điện tử của Trường học, Phòng, Sở... VnEdu xây dựng trên cơ sở nghiên cứu, khảo sát thực tế một cách kỹ lưỡng, bám sát các văn bản, quy định mới nhất của Bộ Giáo dục ban hành. Đây là sản phẩm có nhiều đột phá cho việc triển khai ứng dụng CNTT trong ngành giáo dục.
Với sản phẩm có ứng dụng rộng như trên, các giám khảo đặc biệt quan tâm đến năng lực xử lý - đáp ứng truy cập của hệ thống vào những ngày cuối năm học giáo viên và học sinh, cũng như phụ huynh truy cập rất nhiều. Vấn đề an ninh, bảo vệ hệ thống khi triển khai đến tận từng trường lớp cũng được giám khảo đặt ra cho nhóm tác giả viết sản phẩm. Giám khảo lưu ý rằng, nhu cầu của các sở, ngành có thể khác nhau trong cách quản lý, tuy vậy sản phẩm phải có một quy chuẩn để thống nhất giữa các đơn vị.
Kiểm chứng thực tế hiệu quả của sản phẩm, giám khảo Phùng Văn Ôn yêu cầu tác giả Nguyễn Thành Bôn truy cập vào từng kho dữ liệu các trường đã đưa lên. Tác giả Bôn cho biết, hiện có 45 tỉnh (dùng nhiều) triển khai sản phẩm, trong đó có 7600 trường quản lý hơn 1 triệu học sinh. Những tỉnh ứng dụng sản phẩm nhiều nhất là Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Giang, Nghệ An, Đồng Nai, Hải Phòng…
“Tôi thấy sản phẩm ngày càng hoàn thiện hơn, tính thực tiễn đã tốt hơn, mở rộng hơn rất nhiều. Phương án bảo đảm an toàn - an ninh cho hệ thống cũng đã được quan tâm. Qua đây chúng tôi có thêm nhiều thông tin hơn về sản phẩm giúp Hội đồng Chung khảo phân tích trong những ngày tới đây”, giám khảo Phùng Văn Ôn nói.
Ứng dụng quản lý tài chính cá nhân trên di động MONEY LOVER của một nhóm tác giả trong đó trưởng nhóm là Ngô Xuân Huy. Ứng dụng Money Lover là ứng dụng tiện ích cho cuộc sống hiện đại, mọi khoản thu chi được ghi chú lại một cách nhanh chóng và tự động cập nhật cho người dùng biết những phân tích thói quan tiêu dùng của mình, từ ăn uống, học hành, mua sắm, du lịch... Money Lover không yêu cầu thông tin thẻ tín dụng hay tài khoản của người dùng, do đó đảm bảo tính bảo mật thông tin thẻ tín dụng hay tài khoản của người dùng.
“Độ tiện dụng các hình thức quản lý tài chính ngắn hạn, dài hạn đã có như ghi vào sổ hoặc tạo một file excel trên máy tính là không cao bằng việc phát triển ứng dụng trên điện thoại di động. Đó là lý do tại sao chúng tôi bắt tay vào làm ứng dụng MONEY LOVER”, Ngô Xuân Huy giải thích.
Ngô Xuân Huy cho biết, điểm mạnh của MONEY LOVER hiện nay là rất nhiều người ở khắp nơi trên thế giới sử dụng. Dù chưa đi vào giai đoạn thương mại hóa nhưng bình quân mỗi tháng hiện nay sản phẩm cho doanh thu từ khoảng 7000 - 10.000 đô la (đỉnh cao là 12.000 đô la/tháng). Trong đó, doanh thu chủ yếu từ việc bán ứng dụng cho người dùng ở nước ngoài, còn quảng cáo theo ứng dụng chỉ chiếm khoảng 10%.
Ngay sau phần trình bày của Huy, Tiến sỹ Nguyễn Long - Tổng Thư ký Hội tin học Việt Nam, đại diện ban giám khảo cho biết, đôi khi các tác giả bày ra cho sản phẩm của mình rất nhiều màu sắc, thế nhưng nội dung thực tế lại không có gì. Giám khảo đưa ra ví dụ điển hình như Google hay Facebook rất đơn giản nhưng bên trong lại có đủ thứ cho người dùng. Chính vì vậy, Tiến sỹ Nguyễn Long yêu cầu tác giả làm rõ vì sao sản phẩm của mình có nhiều người thích đến vậy.
Ngô Xuân Huy cho biết, lý do ứng dụng thành công là chỉ quan tâm đến trải nghiệm của người dùng mà không quá nặng về công nghệ. “Chúng tôi tối ưu nhiều về trải nghiệm, làm sao nhanh nhất, tiện nhất để người dùng cảm thấy thích nhất”, Ngô Xuân Huy nói.
Hệ thống điều khiển bảo vệ tích hợp trạm biến áp @STATION tm của Công ty TNHH Hệ thống Kỹ thuật Ứng dụng. Với mục đích nâng cao độ tin cậy, an toàn trong việc vận hành Trạm biến áp điện để đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng và mong muốn tạo ra các sản phẩm nội địa do Việt Nam sản xuất có chất lượng cao nhưng giá cả cạnh tranh, Công ty TNHH Hệ thống Kỹ thuật Ứng dụng - ATS đã nghiên cứ chế tạo thành công Hệ thống điều khiển bảo vệ tích hợp Trạm biến áp @Station tm , từng bước thay thế các sản phẩm nhập khẩu tương đương như PACiS của Areva/Alstom, WinCC Siemens, MicroSCADA của ABB.
Sau khi đi khảo sát, Tiến sỹ Nguyễn Long cho biết, đây là sản phẩm rất có ý nghĩa khi chúng ta đang nỗ lực giảm nhập khẩu, phụ thuộc công nghệ của nước ngoài, từng bước tự chủ công nghệ của Việt Nam. Vấn đề đặt ra là người bên ngoài khó đánh giá hệ thống điều khiển bảo vệ tích hợp trạm biến áp @STATION tm , do vậy tác giả phải trình bày làm sao để nhận thấy sự thành công của sản phẩm.
Sản phẩm Giải pháp quản lý bán hàng trực tuyến trên nền tảng điện toán đám mây OPENWAYPOS của Công ty TNHH Con Đường mở. Lấy sự phát triển của mạng Internet làm nền tảng, Công ty TNHH OPENWAY đã phát triển thành công Giải pháp quản lý bán hàng online trên điện toán đám mây. OPENWAYPOS ra đời sau 8 năm phát triển, dựa trên hơn 800 khách hàng tiêu biểu cho các lĩnh vực ngành nghề từ cafe, quần áo, mỹ phẩm, giày dép, siêu thị, nhà hàng.... Tính năng được phát triển dựa trên quy trình làm việc trực tiếp và gián tiếp với khách hàng tiểu thương.
Tuy được đánh giá cao trong việc cập nhật công nghệ mới nhất nhưng Tiến sĩ Nguyễn Long cho rằng, để đạt được giải cao, nhóm tác giả OPENWAYPOS cần nêu bật được những thế mạnh, nổi trội của sản phẩm, tính ứng dụng... Tiến sỹ Long cũng lưu ý tới vấn đề bản quyền sản phẩm.
Quang Phong