Giải Nhất sản phẩm CNTT ứng dụng thành công:

“Vượt qua chính mình tại Nhân tài Đất Việt 2014, chúng tôi sẽ chạy rất nhanh”

(Dân trí) - Đón nhận niềm vui trọn vẹn với giải thưởng cao nhất tại cuộc thi Nhân tài Đất Việt năm nay, “thăng hạng” so với giải nhì đã đạt được trong mùa giải 4 năm trước, trưởng nhóm ICDREC - ThS.Ngô Đức Hoàng đã dành cho Dân trí cuộc trò chuyện ngay sau lễ đăng quang.

“Vượt qua chính mình tại Nhân tài Đất Việt 2014, chúng tôi sẽ chạy rất nhanh”
TS Nguyễn Quân - Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ xướng tên Sản phẩm “Chip vi điều khiển 8-bit thương mại của Việt Nam SG8V1” đạt giải Nhất Sản phẩm CNTT Thành công

Xin được chúc mừng anh và các thành viên trong Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế Vi mạch (ICDREC) - Đại học Quốc gia Tp.HCM với giải thưởng cao nhất trong cuộc thi Nhân tài Đất Việt năm nay. Đây là lần đầu tiên một sản phẩm được vinh danh tuyệt đối ở hạng mục sản phẩm CNTT đã ứng dụng thành công trong suốt 10 mùa giải qua. Được biết sản phẩm này được nhóm ICDREC nộp dự thi ngay tại buổi lễ phát động Nhân tài Đất Việt 2014 tại TPHCM nửa năm trước. Hành trình nửa năm “đấu” với hàng trăm sản phẩm dự thi khác của chip vi điều khiển SG8V1 để lại ấn tượng gì với anh?

Chúng tôi vừa gửi sản phẩm dự thi vừa triển khai các hoạt động thương mại đối với con chip SG8V1. Trong khoảng thời gian đó, chúng tôi đã tạo nên nhiều sản phẩm với con chip, cho ra đời và bán rộng rãi trên thị trường. Đó cũng là những bước triển khai hiện thực để khẳng định giá trị của sản phẩm. Tôi tin đó cũng là một căn cứ để thuyết phục được về thành công của sản phẩm.

SG8V1 “chinh chiến” ở Nhân tài Đất Việt năm nay với lợi thế kế thừa danh tiếng, nền tảng của Vi mạch điều khiển Vn08-01- sản phẩm đã đoạt giải nhì (không có giải nhất) cho sản phẩm có tiềm năng ứng dụng tại cuộc thi Nhân tài đất Việt năm 2009. ICDREC gửi gắm thông điệp gì trong con chip 8 bit lần này?

Năm 2009, với sản phẩm vi mạch điều khiển, chúng tôi đã đạt giải nhì (không có giải nhất) giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm đó cho sản phẩm có tiềm năng ứng dụng. Năm đó chúng tôi đã khẳng định có khả năng làm được vi mạch và xâm nhập được vào lĩnh vực được coi là rất khó này, đối với cả thế giới. Giờ với giải thưởng năm nay, chúng tôi không những khẳng định làm được mà còn thể hiện việc mình làm được như thế nào để có một sản phẩm cạnh tranh được với thị trường cả về mặt chất lượng cũng như giá cả. Đây là một tín hiệu rất mừng, mở đầu cho một giai đoạn sản xuất các chip mạng sẽ mang thương hiệu Việt và mang giá trị gia tăng rất cao cho xã hội.

Đến giờ, chúng tôi có thể nói là ngưởi Việt không chỉ nắm được về công nghệ mà còn làm chủ công nghệ, tạo ra sản phẩm có thể cạnh tranh sòng phẳng với nước ngoài. Với sản phẩm này, chúng tôi đã tạo ra được nhiều thiết bị, đã đấu thầu được nhiều hợp đồng mang lại những nguồn doanh thu lớn.


Dù được đánh giá rất cao tại giải thưởng năm nay vì những thành công trên thực tế khi các sản phẩm từ chip 8 bit SG8V1 đã bung ra thị trường, thậm chí xuất khẩu lớn sang Lào, Campuchia nhưng thực tế, thế giới đã phát triển đến chip 16 bit, 32 bit, thậm chí 64 bit. Dừng ở mức độ chip 8 bit, các anh có thể tự tin khẳng định trí tuệ Việt không hề thua kém thế giới?

Thực ra, nói về mặt doanh số, năm 2014 các sản phẩm sử dụng loại chip 8 bit đem lại khoảng 4 tỷ USD trên toàn thế giới. Chip 16 bit cũng có doanh số tương tự và chip 32 bit là 8 tỷ USD. Như vậy tính chung các loại thì chip 8 bit vẫn chiếm 25% thị phần toàn cầu. Nên lưu ý là thị phần 25% đó đáng để chúng ta làm, đẩy mạnh khai thác vì đó là con số rất lớn.

Thực ra chúng tôi cũng đã thử nghiệm, làm ra chip 32 bit, chỉ còn chờ một công đoạn nữa là có thể cho ra một sản phẩm hoàn chỉnh. Tuy nhiên, như đã nói, vì hiện nay các đơn vị sản xuất ở Việt Nam vẫn còn rất yếu nên chúng tôi chọn chip 8 bit như một sự đột phá vào thị trường.

Đừng mơ mộng chip ta làm có thể vào được những sản phẩm như điện thoại di động, smartphone như những đại gia như HTC, HP… mà chúng ta nên chọn những khúc thị trường được coi là tiềm năng, thị phần có thể đạt đến hàng trăm triệu USD mà lại ít sức cạnh tranh hơn.

Thị phần với chip 32 bit khá khó, như Nokia cũng còn rất mệt mỏi trong cuộc canh tranh. Vậy nên chúng tôi đã xác định chọn lựa để đi bước đi thật vững chắc. Thực sự chúng tôi vẫn coi trọng sản phẩm chip 8 bit để phát triển về mặt thị trường hơn là chip 32 bit. Trong khi chip 32 bit chỉ có 2 mảng sản phẩm có thể len chân vào được là set-box, camera mà so với các ứng dụng của chip 8 bit để làm điện kế điện tử, làm đồng hồ nước, thiết bị giám sát hành trình… thì cửa rộng rãi hơn nhiều. Ví dụ, toàn bộ điện kế điện tử tại Việt Nam, tôi tạm tính, nhu cầu khoảng 20 triệu chiếc cần loại chip này và chúng ta có thể cung cấp được mà không cần mua của Trung Quốc hay nước thứ 3 nào.

Được biết, trong thời gian ICDREC đang nghiên cứu phát triển từ sản phẩm vi mạch điều khiển Vn08-01 lên chip SG8V1 thì ở TPHCM xảy ra vụ việc hàng trăm nghìn điện kế điện tử kém chất lượng được Cty điện lực thành phố mua về với giá đắt. Và việc này vừa trở thành động lực, vừa là cơ hội cho các anh quyết tâm xây dựng cho được con chip thực sự của Việt Nam?

Đúng thế. Khi đó chúng tôi xác định, lưới điện của cả nước chắc chắn rồi phải chuyển qua dùng điện kế điện tử, không thể xài điện kế cơ mãi. Thủ tướng Chính phủ cũng đã duyệt lộ trình thiết kế lưới điện thông minh. TPHCM đang nhờ tư vấn nước ngoài tham gia tư vấn, thiết kế lưới điện của thành phố. Bài toán đưa ra là nếu mua điện kế từ các nước G7 thì rất tốn kém, mua của Trung Quốc thì giá rẻ hơn nhưng có nhiều vấn đề cần tính như việc với thiết bị đó, bên ngoài có thể điều khiển cả hệ thống điện của ta. Ngoài ra, với cả hệ thống nhập ngoại, khi cần thêm một tính năng nào đó phải bổ sung cho lưới điện, ta sẽ phải trả thêm giá rất cao cho phần đó. Vậy thì tại sao không thể chọn giải pháp an toàn, đơn giản hơn là sử dụng chính con chip chúng ta làm ra.

Vượt qua được chính mình sau 5 năm trở lại với Nhân tài Đất Việt, điều đó mang lại ý nghĩa thế nào với anh và các thành viên ICDREC trên con đường nghiên cứu, sáng tạo khoa học của mình?

Đúng như bạn nói, với Trung tâm của chúng tôi, việc vượt qua được mốc này đã tạo ra nền tảng mới rất cơ bản. Cách đây 5 năm, đơn vị chúng tôi mới chỉ có khoảng 40 người thì nay đã lên tới 78 người, đã có nhiều kinh nghiệm hơn. Và chúng tôi tin rằng, sau khi mất 5 năm để có thể chuyển hoá một vi mạch điều khiển lên thành chip 8 bit thì từ chip 8 bit lên 32 bit sẽ chỉ mất 2 năm. Khi vượt qua được ngưỡng cụ thể đó, mình sẽ… chạy rất nhanh.

Với thành công của con chip 8 bit SG8V1 này, với hứa hẹn không xa cho sản phẩm chip 32 bit, Nhân tài Đất Việt 2015 hẳn sẽ “rộng cửa” với ICDREC?

Chúng tôi có 2 hướng phát triển, thứ nhất là tập trung làm ra những thiết bị chuyên dụng cho ngành điện lực, nước từ chip 8 bit để làm sao giảm giá thành hơn nữa. Hướng thứ 2 là chúng tôi phát triển ra chip 32 bit. Thực tế chúng tôi đã làm gần xong chip này nhưng hiện chưa thoả mãn một số điểm, đang chỉnh sửa lại. Nếu có tham gia Nhân tài Đất Việt 2015 thì sẽ ở mảng sản phẩm triển vọng vì chắc phải mất 1 năm nữa chip 32 bit hoàn thiện  mới có thể ra đời.

Một câu hỏi cuối với cá nhân trưởng nhóm, anh có vẻ là người lớn tuổi nhất so với các gương mặt trẻ măng trong nhóm. Đứng đầu một nhóm người trẻ, hoạt động trong một lĩnh vực rất trẻ, rất mới mẻ, có áp lực gì với anh?

Tuổi đời trung bình của các thành viên trong Trung tâm ICDREC là 28, trong khi tôi đã 49 tuổi. Đúng là có độ lệch khá tương đối nhưng tôi làm việc với các em không chỉ với tư cách “sếp” với “quân” mà còn là một người thầy với các học trò, các em đều gọi tôi là thầy. Trên cơ sở tình thầy trò như thế, chúng tôi đã chia sẻ được hoàn toàn những tâm huyết của mình. Sống giữa môi trường đó, tôi cũng thấy mình được đón nhận bầu sinh khí mới, học hỏi được nhiều và thực sự tự hào vì đến giờ thấy các em thực sự giỏi hơn mình. Trước đây tôi làm việc với đối tác nước ngoài còn hay bị khớp chứ giờ các em làm việc với tư thế rất sòng phẳng, tự tin vì kiến thức của các em tốt hơn mình ngày xưa.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện và xin một lần nữa chúc mừng chiến thắng của ICDREC tại Nhân tài đất Việt năm nay!

P.Thảo (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm