TS Hoàng Đức Thảo: “Tôi cần cố gắng nhiều hơn để xứng tầm với Giải thưởng”

(Dân trí) - Trao đổi với <i> Dân trí </i> ngay sau khi nhận Giải thưởng Nhân tài Đất Việt ở lĩnh vực Khoa học Công nghệ, TS Hoàng Đức Thảo chia sẻ: “Tôi cảm thấy mình cần cố gắng nhiều hơn nữa, để xứng tầm với giá trị động viên, khen thưởng của giải”


Ảnh Lê Trường up để làm trực tuyến (chưa có ảnh)

TS Hoàng Đức Thảo nhận Giải thưởng Nhân tài Đất Việt ở lĩnh vực Khoa học Công nghệ

Thưa TS Hoàng Đức Thảo, cảm giác của anh vào thời điểm này khi mình được vinh dự nhận giải thưởng Nhân tài Đất Việt ở lĩnh vực khoa học?

TS Hoàng Đức Thảo: Tôi rất vui mừng, trân trọng và cảm kích khi được liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật; hội Khuyến học; báo Dân trí, hội đồng Khoa học và Ban tổ chức giải đã bình chọn và trao giải cho tôi. Nhân đây cho phép tôi xin chân thành cám ơn các tổ chức, cá nhân đã làm nên giải thưởng Nhân tài đất Việt rất có uy tín như hiện nay.

Được biết, anh tốt nghiệp ở một trường không liên quan nhiều đến lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Vậy xuất phát từ đâu anh lại bắt tay vào nghiên cứu đề tài Hào kỹ thuật đúc sẵn?

Tôi từng học thợ và làm người thợ, tôi đã học hết chương trình học đại học Kiến trúc của trường đại học Kiến trúc Hà Nội, nhưng chưa làm đồ án tốt nghiệp, chưa có bằng và dĩ nhiên không phải là một Kiến trúc sư. Việc nghiên cứu đề tài Hào kỹ thuật xuất phát từ thành quả công nghệ chế tạo các loại thiết bị bê tông cốt thép thành mỏng đúc sẵn dùng trong lĩnh vực xây dựng Hạ tầng kỹ thuật đô thị, Nông thôn và bảo vệ Môi trường, chống biến đổi khí hậu trong đó có sản phẩm Hào kỹ thuật. Đồng thời, việc nghiên cứu sản phẩm Hào kỹ thuật xuất phát từ thẩm mỹ cảnh quan đô thị, từ đòi hỏi bức xúc về đồng bộ hạ tầng kỹ thuật đô thị, về hiệu quả chi phí đầu tư và vận hành, về cải cách thủ tục hành chính trong xây dựng...

Việc tiếp cận với lĩnh vực khoa học kỹ thuật chắc hẳn anh sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Anh có thể chia sẻ đôi chút về những khó khăn mình đã gặp và đã giải quyết vấn đề như thế nào?

Khó khăn lớn nhất vẫn là đầu ra của sản phẩm. Chúng tôi không thuộc đối tượng ngân sách đầu tư cho nghiên cứu khoa học vì vậy phải tự chủ và tự lực, phải lấy thu bù chi, tự cân đối thu chi, để giải quyết vấn đề này tất cả các nghiên cứu phải tính đến khả năng ứng dụng và chỉ có thể được người tiêu dùng sử dụng mới bù đắp chi phí mới có khả năng tái đầu tư, cho nên khi nghiên cứu phải xuất phát từ những đòi hỏi của thực tiễn và giải quyết được những bức xúc của thực tiễn tức là phải có ứng dụng thì mới có trang trải chi phí và tiếp tục nghiên cứu ứng dụng.

Hiện nay, nhiều bạn trẻ rất ngại đi theo con đường nghiên cứu về khoa học, thậm chí là cả lĩnh vực khoa học ứng dụng. Theo anh nguyên nhân là do đâu? Làm thế nào để tìm thấy sự đam mê để đi theo con đường này?

Nguyên nhân cản trở con đường nghiên cứu về khoa học thì rất nhiều, nhưng tôi cho rằng 1 trong những nguyên nhân thiết yếu là sự thiếu mạnh dạn, tự tin vào chính mình và sự đam mê nghiên cứu khoa học chưa đạt đến độ vượt qua chính mình, bởi khi đã đam mê là luôn bị cuốn hút không thể cưỡng lại, đó cũng là cái nghiệp và đặt cho mình một sứ mệnh mình phải làm, song hành cùng nghiên cứu khoa học đó là sự hy sinh và cống hiến.

Kỳ vọng của anh trong tương lai đối với đề tài nghiên cứu của mình?

Hào kỹ thuật đã được bộ Khoa học Công nghệ nâng cấp từ tiêu chuẩn cơ sở thành tiêu chuẩn quốc gia, đã được bộ Xây dựng cấp giấy chứng nhận giải pháp kỹ thuật phù hợp và tôi tin rằng trong 1 tương lai gần sẽ được ứng dụng rộng khắp trên toàn quốc góp phần xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị Việt Nam.

Xin cảm ơn anh!

Nguyễn Hùng (thực hiện)