Dự án gây tranh cãi khi kết hợp tế bào não người vào chip máy tính

T.Thủy

(Dân trí) - Các nhà khoa học tại Úc đang thực hiện dự án gây tranh cãi khi kết hợp tế bào não người với chip máy tính, mà họ tin rằng điều này sẽ giúp cải thiện khả năng của các hệ thống trí tuệ nhân tạo.

Một nhóm các nhà khoa học tại Úc đang thực hiện dự án tích hợp các tế bào não người được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm với chip máy tính, để thực hiện tham vọng tạo ra một hệ thống máy tính siêu thông minh, vượt qua những hệ thống máy tính truyền thống.

Dự án có tên gọi "DishBrain" đã nhận được khoản đầu tư trị giá 400.000 USD từ Quỹ quốc phòng Úc.

Đây là dự án hợp tác giữa Cortical Labs, công ty công nghệ sinh học được thành lập vào năm 2019 tại thành phố Melbourne (Úc) và Đại học Monash, có trụ sở tại thành phố Melbourne và là một trong 100 đại học danh tiếng nhất thế giới.

Các nhà khoa học tham vọng tích hợp tế bào não người lên chip để tăng khả năng xử lý và tư duy của chip máy tính (Ảnh minh họa: Getty).

Các nhà khoa học tham vọng tích hợp tế bào não người lên chip để tăng khả năng xử lý và tư duy của chip máy tính (Ảnh minh họa: Getty).

Phó Giáo sư Adeel Razi thuộc Đại học Monash, người đứng đầu dự án, cho biết nếu dự án kết hợp giữa tế bào não người và chip máy tính được thực hiện thành công, điều này sẽ giúp Úc vươn lên trong nhiều lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (A.I) khác nhau.

"Công nghệ chip được tích hợp tế bào não người là công nghệ của tương lai, sẽ giúp vượt qua hiệu suất của các loại chip được xây dựng hoàn toàn bằng silicon như hiện nay", Phó Giáo sư Razi cho biết.

Các nhà khoa học đã sử dụng tế bào gốc của người để nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, sau đó phát triển và tích hợp khoảng 800.000 tế bào não người vào một con chip silicon, tạo nên một loại chip xử lý sinh học mô phỏng hoạt động của bộ não con người.

Nhóm các nhà khoa học cho biết hiện họ đã lập trình để con chip sinh học này có thể thực hiện một số tác vụ cơ bản, chẳng hạn như chơi các loại game đơn giản trên máy tính.

Mặc dù nghiên cứu hiện vẫn đang trong giai đoạn sơ khai, nhóm các nhà khoa học cho biết họ nhận thấy rất nhiều tiềm năng của việc tận dụng chip xử lý sinh học trong việc xây dựng và kiểm soát các hệ thống trí tuệ nhân tạo phức tạp.

Các nhà khoa học khẳng định chip sinh học DishBrain có khả năng "học tập suốt đời", là ưu điểm so với các loại chip truyền thống bị giới hạn về dung lượng bộ nhớ và khả năng xử lý.

"Chúng tôi sẽ sử dụng loại chip sinh học này để phát triển các hệ thống trí tuệ nhân tạo tốt hơn, tạo ra các mạng lưới thần kinh điện tử để mở rộng khả năng của A.I, thay thế cho các loại chip silicon truyền thống", Phó Giáo sư Razi cho biết.

Dù dự án vẫn đang giai đoạn phát triển và chưa biết chắc khả năng của loại chip sinh học này có giống như những gì các nhà khoa học tuyên bố hay không, tuy nhiên, dự án đã gây ra những lo ngại trong dư luận về tính nhân đạo khi sử dụng tế bào não người được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm.

"Thật đáng sợ khi biết được rằng những hệ thống máy tính trong tương lai lại sử dụng chính tế bào não của con người. Có cảm giác như đó là một sinh vật sống, chứ không còn đơn thuần là một chiếc máy tính thông thường. Nghĩ đến là đã cảm thấy rùng mình", một người dùng Twitter bình luận về dự án DishBrain.

Nhiều người lo ngại rằng việc sử dụng những bộ xử lý quá hiện đại và vượt trội để xây dựng hệ thống trí tuệ nhân tạo có thể giúp A.I vượt qua được tầm kiểm soát của con người, gây nên những hậu quả nghiêm trọng trong tương lai.

Theo PCMag/DTrends