Đồng Pi có thực sự được "đào" thông qua smartphone?

Thế Anh

(Dân trí) - Theo nhận định từ chuyên gia, Pi Node mới thực sự là máy "đào" đồng Pi. Trong khi đó, việc "điểm danh" trên smartphone chỉ giúp cho hệ thống xác định được xem có bao nhiêu tài khoản đang hoạt động.

Bên cạnh Bitcoin hay Ethereum (ETH), Pi Coin hiện được xem đồng tiền điện tử nhận được nhiều sự quan tâm nhất của người dùng tại Việt Nam. Đồng Pi được quảng cáo là có thể "đào" được thông qua những chiếc smartphone bằng ứng dụng có tên Pi Network.

Tuy nhiên, có rất nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh đồng tiền này. Một bộ phận người dùng ủng hộ cho rằng đây là đồng tiền điện tử của tương lai, sẽ sớm thay thế vị trí của Bitcoin. Trong khi đó, một số khác lại bày tỏ quan ngại về tính minh bạch cũng như rủi ro của dự án này.

Rủi ro về tính minh bạch

"Đầu tiên, tôi khẳng định tôi không nói Pi Network lừa đảo. Tuy nhiên, theo góc độ nghiên cứu về học thuật và công nghệ ở thời điểm hiện tại, vấn đề lớn nhất của dự án này nằm ở tính minh bạch. Hầu hết các dự án tiền điện tử đều phải minh bạch về mã nguồn, dữ liệu sổ cái, blockchain. Tất cả giao dịch đều được ghi lại và mọi người đều có thể nhìn thấy. Trong khi đó với đồng Pi, mọi người hiện chỉ "đào" và không biết "đào" để làm gì".

Đồng Pi có thực sự được đào thông qua smartphone? - 1
Theo chuyên gia nhận định, rủi ro lớn nhất của đồng Pi nằm ở tính minh bạch.

"Giá trị của tiền ảo đến từ niềm tin, không theo giá trị vật chất cụ thể. Muốn tạo được niềm tin phải minh bạch tất cả mọi thứ để mọi người đều có thể kiểm tra được. Đây là điều khiến tôi cảm thấy chưa tin cậy ở đồng Pi", Tiến sĩ Đặng Minh Tuấn, chuyên gia Blockchain đồng thời là Trưởng Lab Blockchain thuộc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông chia sẻ tại buổi thảo luận về Pi Coin diễn ra vào chiều 5/3.

Một trong những yếu tố khiến đồng Pi trở nên hấp dẫn nằm ở việc nó có thể được "đào" thông qua việc "điểm danh" trên smartphone. Trong khi đó, so với việc "đào" Bitcoin, Ethereum hay nhiều đồng tiền điện tử khác, người dùng sẽ cần đến một hệ thống máy tính cỡ lớn, hoạt động liên tục với cường độ cao trong thời gian dài. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng khẳng định điều này là chưa chính xác.

"Về mặt kỹ thuật, trong thế giới của blockchain, "đào" là hành vi xác thực giao dịch. Việc "điểm danh" mà không làm gì cả thì không mang lại ý nghĩa cho hệ thống vì nó không tham gia vào bất cứ gì trong quá trình xác thực giao dịch. Vì thế, dùng thuật ngữ "đào" Pi là chưa chính xác, nhất là khi so sánh với Bitcoin", ông Tuấn nói.

Một câu hỏi lớn khác cũng được rất nhiều người dùng quan tâm là đồng Pi có thực sự được "đào" thông qua những chiếc smartphone?

"Hệ thống xác thực giao dịch nằm ở các Pi Node thì Pi Node mới thực sự là những máy "đào". Như vậy, hành vi "điểm danh" trên ứng dụng Pi Network hoàn toàn không có ý nghĩa gì đối với hệ thống. Quảng cáo sử dụng smartphone để "đào" Pi là chưa đúng sự thật", ông Tuấn nhấn mạnh.

Giao dịch Pi Coin có hợp pháp tại Việt Nam?

Theo Ngân hàng Nhà nước, tiền ảo là sự thể hiện giá trị dưới dạng điện tử mà giá trị này có thể giao dịch, mua bán, trao đổi bằng phương thức điện tử và có chức năng trung gian trao đổi, thước đo giá trị và tích lũy giá trị nhưng không được công nhận là tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán hợp pháp tại bất kỳ quốc gia nào.

Đồng Pi có thực sự được đào thông qua smartphone? - 2
Hiện tại, các giao dịch tiền ảo đều không hợp pháp tại Việt Nam.

Tại Việt Nam, Pi Coin hay bất cứ loại tiền ảo tương tự khác không được pháp luật công nhận là phương tiện thanh toán hợp pháp, kể từ ngày 1/1/2018. Do đó, việc phát hành, cung ứng và sử dụng đồng Pi cũng như các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.

Ngoài ra, kinh doanh tiền ảo cũng bị coi là kinh doanh trái phép và đồng nghĩa với việc không thể được cấp giấy phép kinh doanh trong lĩnh vực này.

Nếu vẫn duy trì thực hiện việc kinh doanh tiền ảo, người dân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 159 Bộ Luật hình sự năm 1999 (Luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Theo Khoản 6,7 Điều 1 Nghị định 80/2016/NĐ-CP về sửa đổi bổ sung một số điều của NĐ101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt về thanh toán không dùng tiền mặt, các loại tiền ảo không được coi là phương tiện thanh toán, việc cung ứng, phát hành và sử dụng các đồng tiền ảo là không hợp pháp.

Quy định tại Khoản 6, Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng thì các hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả Pi coin, Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính mức từ 50 - 100 triệu đồng.