Đánh giá smartphone phổ thông Microsoft Lumia 640
(Dân trí) - Sau chiếc Lumia 640 XL có mặt tại thị trường Việt, chiếc Lumia 640 đã lên kệ thị trường dành cho người dùng trong nước với mức giá 3,69 triệu đồng. Đây là bộ đôi smartphone tầm trung được Microsoft ra mắt tại MWC 2015.
Thiết kế
Được Microsoft hướng tới phân khúc tầm trung và giá rẻ, Lumia 640 vẫn có mặt của thiết kế nhựa với lớp vỏ phía sau đầy màu sắc và có thể thay thế được giống như các mẫu Lumia ngang tầm mới ra mắt gần đây. Nhìn toàn cảnh Lumia 640 có thể liên tưởng ngay đến chiếc Lumia 630 với kiểu dáng vuông vức và đường bo tròn nhẹ phần góc nam tính.
Với kích thước 141.3 x 72.2 x 8.8 mm và nặng 145 gram, máy cho cảm giác cầm nắm khá nhẹ nhàng, chắc chắn, cứng cáp và rất vừa tay, không bị ọp ẹp như các mẫu điện thoại vỏ nhựa ngang tầm khác. Có thể nói Microsoft đã khá chăm chút cho chi tiết này nhiều hơn các sản phẩm giá rẻ trước đây. Tuy nhiên, phần cạnh viền của máy có thiết kế khá vuông khiến việc cầm một tay bị cấn khá khó chịu.
So với các mẫu cũ, như Lumia 535, Microsoft đã hoàn thiện khá nhiều chi tiết về thiết kế như mép viền màn hình mỏng hơn, loa thoại gọn gàng hơn, bố cục mặt trước máy cũng dễ nhìn hơn khá nhiều.
Thế nhưng, cụm phím điều hướng vẫn được tích hợp vào bên trong màn hình máy. Đây có thể xem là khuyết điểm chưa được khắc phục bởi nó không chỉ làm chiếm một phần diện tích của màn hình hiển thị mà còn dễ bị bấm nhầm khi thao tác, dù đã tự động ẩn.
Vỏ sau của máy dù vẫn có thiết kế ôm trọn mặt trước nhưng trên Lumia 640 cho cảm giác chặt hơn, khít hơn. Microsoft vẫn cho phép người dùng tùy chọn bộ vỏ nhựa đầy màu sắc trẻ trung bao gồm đen, trắng, xanh da trời và cam.
Trừ màu đen (có thể là không nhận ra), các vỏ màu còn lại đều được nhà sản xuất sơn hai lớp với màu phía dưới và lớp phủ trong suốt phía trên. Trải nghiệm lớp vỏ này cho thấy rằng, nó hạn chế các vết xước nhỏ khá tốt, máy cũng trông bóng bẩy hơn khi nhìn. Tuy nhiên, nhược điểm là rất dễ dính mồ hôi và dấu vân tay.
Trên Lumia 640, máy vẫn thấy các bố trí quen thuộc với cạnh trái là phím tăng/giảm âm lượng nhưng không còn phím chụp ảnh như với các dòng smartphone Windows Phone khác. Trong khi đó, đỉnh máy là jack cắm tai nghe, đuôi máy có jack microSD. Mặt sau máy vẫn có bố cục với camera kèm đèn Flash và logo Microsoft.
Màn hình
Lumia 640 được trang bị tấm nền IPS 5 inch độ phân giải HD đi kèm công nghệ hiển thị ClearBlack. Sự kết hợp này trên thực tế đã khiến người khác có cái nhìn thiện cảm hơn về màn hình smartphone giá rẻ khi tiếp xúc với Lumia 640: hình ảnh đẹp, màu sắc khá rực và góc hiển thị khá rộng. Tuy nhiên nếu nhìn kĩ, vẫn thấy răng cưa trên các icon Live Tile.
Thử nghiệm với điều kiện ánh sáng ngoài trời với độ sáng ở mức cao, kết quả cũng khá khả quan khi hình ảnh hiển thị tốt, các chi tiết khá rõ ràng, màu sắc đẹp. Ở mức trung bình và mức thấp, người dùng phải che tay mới có thể nhìn được.
Với các thử nghiệm vuốt, chạm, có vẻ như Microsoft đã khắc phục một số vấn đề về màn hình nhưng thao tác vẫn chưa được hài lòng. Màn hình khá rít (dù được trang bị kính cường lực Gorilla Glass) và thao tác khi nhập liệu vẫn dễ bị dính chữ, sai chữ, nhất là ở chế độ nằm dọc khá khó chịu. Các thao tác chạm đôi khi vẫn không như ý muốn và điều này là khá bực mình.
Phần mềm và hiệu năng
Lumia 640 có mặt của phần cứng khá ổn với bộ vi xử lý Qualcomm Snapdragon 400 tốc độ 1.2 GHz, RAM 1 GB, bộ nhớ trong 8 GB có thể mở rộng... Với cấu hình này cộng thêm hệ điều hành Windows Phone 8.1, trải nghiệm thực tế cho cảm giác hài lòng khi máy khá mượt mà và ổn định ở các thao tác chạm, lướt, chuyển đổi ứng dụng....
Với khả năng chơi game, máy đáp ứng khá tốt các trò chơi đòi hỏi cấu hình cao. Tuy nhiên, việc chơi chúng không được lâu do máy nóng lên khá nhanh. Người đánh giá đã thử trò Asphalt 8, khi mở lên chơi được tầm 30 – 50 phút là máy nóng bừng, hiện tượng giật, lag xảy ra, đôi khi nó còn tự thoát ứng dụng.
Riêng với nền tảng Windows Phone 8.1, nó cũng vẫn chỉ có các tính năng trước đây đã được đề cập khá nhiều. Tuy nhiên, có một điểm đáng chú ý là màn hình máy có thêm chế độ cho phép nhìn đồng hồ khi khóa máy và có thể gõ đúp lên màn hình để mở khóa.
Camera
So với “đàn anh” Lumia 640 XL, Lumia 640 không được trang bị ống kính Zeiss, do đó khả năng chụp ảnh cũng bị hạn chế hơn. Với cảm biến 8 MP chất lượng hình ảnh chụp được trên thực tế chỉ ở mức tạm chấp nhận. Ở điều kiện ánh sáng tốt, Lumia 640 cho hình ảnh sắc nét, độ tương phải cao nhưng khi ở điều kiện thiếu sáng, dù đã có hỗ trợ đèn Flash nhưng ảnh vẫn nhiễu khá nhiều.
Trên Lumia 640 có mặt của các ứng dụng chụp ảnh nổi tiếng như Lumia Camera, và nếu người dùng có thể tận dụng được sức mạnh của ứng dụng này thì sẽ có thể cho ra các hình ảnh với chất lượng hơn hẳn các thiết bị ngang tầm giá.
Lumia 640 vẫn có mặt của camera trước nhưng bộ phận này chỉ để “cho có” khi với độ phân giải 1 MP, và người dùng không thể đòi hỏi nhiều chất lượng hình ảnh của camera trước.
Pin
Lumia 640 được trang bị viên pin 2.500 mAh nhưng thời lượng sử dụng thực tế khá ấn tượng. Người trải nghiệm đã thử dùng với tần suất bình thường: mỗi ngày gọi điện tầm 30 phút, nhắn tin 1 giờ, chơi game nhỏ tầm 30 phút, lướt web và mạng xã hội tầm 30 phút thì thời gian sử dụng pin từ 100% xuống còn 45% trong hơn 2 ngày.
Còn nếu tấn suất tăng lên, kết hợp nhiều yếu tố trên đồng thời thì thời gian sử dụng cũng từ 10 – 13 giờ. Nếu xem phim liên tục tầm 5 giờ, chơi game 3D tầm 3,5 – 4 giờ.
Kết luận
Lumia 640 là thiết bị tốt ở phân khúc giá rẻ nhờ thiết kế hoàn thiện, khả năng tùy biến, phần mềm và đặc biệt là thời lượng pin tốt. Tuy nhiên, nó vẫn tồn tại những hạn chế như máy nhanh nóng, camera chưa tốt và chạy dụng nặng gây nóng máy, không ổn định.
Ưu điểm
- Thiết kế hoàn thiện
- Màn hình sáng, rõ
- Cấu hình ổn
- Thời lượng pin cao
Nhược điểm
- Thao tác trên màn hình cảm ứng chưa tốt
- Lớp vỏ sau dễ bám vân tay
- Camera trước độ phân giải thấp
- Máy nhanh nóng
Phan Tuấn