Cụ ông 82 tuổi suýt mất 3,7 triệu đô la vì bị lừa qua điện thoại
(Dân trí) - Một cụ ông 82 tuổi người Singapore đã suýt mất 3,7 triệu đô la Singapore (hơn 68 tỷ đồng) vì mắc bẫy của những kẻ lừa đảo qua điện thoại.
Cụ ông 82 tuổi người gốc Trung Quốc sống tại Singapore, với danh tính không được tiết lộ, đã trở thành mục tiêu bị nhắm đến của những kẻ lừa đảo qua điện thoại. Những kẻ lừa đảo đã mạo danh người của cơ quan chức năng, thực hiện các cuộc gọi để lừa nạn nhân trong tháng 2 và tháng 3.
Các chuyên gia của Trung tâm Chống lừa đảo Singapore (ASC), ngân hàng CIMB và ngân hàng Hong Leong đã phát hiện các dấu hiệu lừa đảo vào ngày 19/3 vừa qua, khi người đàn ông 82 tuổi này thực hiện một giao dịch với số tiền lên đến 2,1 triệu đô la Singapore (tương đương 38,6 tỷ đồng).
Nhận thấy dấu hiệu giao dịch bất thường, ngân hàng CIMB đã tạm dừng tài khoản ngân hàng của cụ ông này để ngăn chặn thiệt hại, đồng thời nhân viên của ASC và CIMB đã đến tận nhà của khách hàng để tìm hiểu rõ nguồn gốc của giao dịch giá trị lớn.
Không lâu sau đó, con trai của nạn nhân đã báo cáo cho ASC biết về việc 3 tấm séc với tổng trị giá 1,2 triệu đô la Singapore (hơn 22 tỷ đồng) đã được cha của mình phát hành để cung cấp cho 3 cá nhân khác nhau. ASC sau đó đã yêu cầu phía ngân hàng giữ lại 3 tấm séc này để xác minh thêm.
Gần đây nhất, cụ ông 82 tuổi này cùng một thanh niên lạ mặt đã đến chi nhánh của ngân hàng CIMB để thực hiện lệnh chuyển tiền trị giá 1,2 triệu đô la Singapore. Nhận thấy dấu hiệu bất thường, nhân viên của ngân hàng đã thông báo sự việc với cảnh sát và ASC.
Các nhân viên của ASC và cảnh sát đã lập tức can thiệp và bắt giữ một thanh niên 20 tuổi quốc tịch Trung Quốc vì nghi ngờ liên quan đến hành vi lừa đảo. 2 chiếc điện thoại và nhiều tài liệu cũng đã bị tịch thu trong quá trình điều tra.
Thanh niên này sau đó khai nhận đã theo dõi và chủ đích nhắm vào cụ ông 82 tuổi để thực hiện hành vi lừa đảo sau khi nắm được thông tin ông có một số tiền lớn gửi ngân hàng.
Nhóm lừa đảo đã mạo danh cảnh sát Trung Quốc gọi điện trực tiếp cho cụ ông 82 tuổi và nói rằng ông có liên quan đến một đường dây tội phạm xuyên quốc gia, đồng thời yêu cầu cụ ông phải chuyển tiền để phục vụ công tác điều tra. Cụ ông đã hoảng sợ làm theo.
Mở rộng điều tra, cảnh sát phát hiện thanh niên 20 tuổi này có liên quan đến các vụ lừa đảo qua điện thoại khác tại Singapore vào tháng 2 và tháng 3.
Cho đến thời điểm sự việc được phát hiện, cụ ông đã chuyển đi số tiền 4,5 triệu đô la Singapore (tương đương 82,8 tỷ đồng), nhưng nhờ sự can thiệp kịp thời của nhân viên ngân hàng và ASC, các giao dịch đã kịp thời được ngăn chặn. Tuy nhiên, trong số đó có 800.000 đô la Singapore (14,7 tỷ đồng) đã bị chuyển ra nước ngoài nên không thể thu hồi được.
Như vậy, cơ quan chức năng đã giúp cụ ông tránh bị mất số tiền 3,7 triệu đô la Singapore (hơn 68 tỷ đồng).
"Cảnh sát sẽ xử lý nghiêm bất kỳ ai có liên quan đến các hành vi lừa đảo, dù vô tình hay cố ý. Bất kỳ ai bị phát hiện tham gia vào các vụ lừa đảo đều sẽ chịu hình phạt thích đáng", đại diện cảnh sát Singapore cho biết.
Cảnh sát Singapore cũng khuyến cáo người dân nên đề cao cảnh giác khi nhận được cuộc gọi từ người lạ, nhất là các cuộc gọi từ số điện thoại ở nước ngoài. Cảnh sát khẳng định rằng không có cơ quan chính phủ nào yêu cầu người dùng phải nộp tiền thông qua cuộc gọi trên điện thoại hoặc tin nhắn trên mạng xã hội.
Cảnh sát Singapore cũng khuyến cáo người dân không cung cấp các thông tin cá nhân, mật khẩu đăng nhập tài khoản ngân hàng… cho người lạ thông qua các cuộc gọi điện thoại hoặc tin nhắn trên mạng xã hội.
Trong trường hợp người nước ngoài đang sống và làm việc tại Singapore, nếu nhận được cuộc gọi từ những người tự xưng là cảnh sát hoặc nhân viên chính phủ tại quê nhà, hãy lập tức gọi điện đến đại sứ quán tại Singapore để xác minh thông tin.
Cảnh sát cũng khuyến cáo người dân nên kể lại những cuộc gọi điện này cho bạn bè, người thân hoặc liên hệ trực tiếp với cảnh sát để được tư vấn trước khi quyết định chuyển tiền.
Không chỉ ở Singapore, hình thức mạo danh lực lượng cảnh sát, cơ quan chức năng để gọi điện, liên hệ qua Zalo đến người dân cũng rất phổ biến tại Việt Nam. Những kẻ lừa đảo sẽ yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân, chụp ảnh thẻ căn cước công dân hoặc thậm chí lừa nạn nhân cài đặt mã độc lên smartphone để chiếm đoạt tài sản.
Do vậy, mọi người cần cảnh giác với những cuộc gọi điện thoại từ người lạ và tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, không làm theo yêu cầu của những người này, dù cho họ có tự xưng chức danh gì đi chăng nữa.
Theo YN/SoMag