Công ty của Elon Musk âm thầm cấy chip não vào bệnh nhân thứ 2

T.Thủy

(Dân trí) - Neuralink, công ty phát triển chip sinh học do Elon Musk thành lập, đã âm thầm thực hiện ca phẫu thuật để cấy ghép chip vào não bệnh nhân thứ 2.

Thông tin trên mới được đích thân Elon Musk tiết lộ trong một bài trả lời phỏng vấn với nhà khoa học máy tính Lex Fridman.

"Tôi không muốn nói trước, nhưng có vẻ như ca cấy ghép thứ hai đã diễn ra cực kỳ tốt đẹp", Elon Musk tiết lộ. "Có rất nhiều tín hiệu, rất nhiều điện cực. Nó đang hoạt động rất tốt".

Musk chia sẻ rằng bệnh nhân thứ 2 được cấy ghép chip não của Neuralink cũng bị tổn thương tủy sống tương tự như bệnh nhân đầu tiên. Chấn thương này khiến bệnh nhân bị liệt toàn thân.

Con chip do Neuralink cấy ghép vào não của bệnh nhân thứ 2 có 400 điện cực, tức chỉ bằng 1/3 so với 1.204 điện cực trên con chip đã cấy ghép vào não của bệnh nhân đầu tiên.

Công ty của Elon Musk âm thầm cấy chip não vào bệnh nhân thứ 2 - 1

Chip cấy não của Neuralink có khả năng chuyển đổi tín hiệu thần kinh thành tín hiệu số để điều khiển các thiết bị bên ngoài (Ảnh: Neuralink).

Cách đây một tháng, Neuralink đã lên kế hoạch thực hiện ca phẫu thuật cấy ghép chip não lên bệnh nhân thứ 2, nhưng kế hoạch đã bị hủy bỏ do các vấn đề về y tế. Ca phẫu thuật sau đó đã diễn ra âm thầm và chỉ được biết đến khi Elon Musk tiết lộ trong bài phỏng vấn.

Một vấn đề gặp phải với những con chip sau khi cấy ghép vào não người đó là các điện cực truyền tín hiệu não bị ngưng hoạt động sau một thời gian. Musk cho biết trong trường hợp bệnh nhân đầu tiên được cấy ghép chip não, hiện chỉ còn khoảng 10 đến 15% số điện cực trên con chip đang hoạt động.

Tuy nhiên, Elon Musk khẳng định số điện cực còn lại trên con chip não vẫn đủ giúp bệnh nhân có thể điều khiển con trỏ chuột và chơi game trên máy tính bằng suy nghĩ.

Tham gia buổi phỏng vấn với Elon Musk còn có Matthew MacDougall, bác sĩ phẫu thuật thần kinh trưởng của Neuralink. Bác sĩ này cho biết ca phẫu thuật cấy ghép chip não của Neuralink được thực hiện bằng robot tự động, giúp mở ra kỷ nguyên robot có thể tiến hành phẫu thuật cho con người.

"Chúng ta đang ở bình minh của kỷ nguyên AI, nơi robot có thể được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực", MacDougall chia sẻ. Tuy nhiên, vị bác sĩ này cũng thừa nhận robot của Neuralink vẫn chưa thể đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn để có thể hoạt động tốt như một bác sĩ phẫu thuật thực thụ.

Ngày 30/1 vừa qua, Nolan Arbaugh, 29 tuổi, đã trở thành người đầu tiên trên thế giới được cấy chip của Neuralink vào não. Nolan đã bị liệt toàn thân sau một vụ tai nạn nghiêm trọng cách đây 8 năm. Trước khi được cấy ghép chip não của Neuralink, Nolan chỉ có thể cử động phần đầu và cổ.

Thiết bị được Neuralink cấy ghép vào não của Nolan có tên gọi là Link, có chức năng ghi lại các tín hiệu thần kinh bằng cách sử dụng 1.204 điện cực trên 64 dây truyền tín hiệu mảnh hơn cả sợi tóc người.

Link sẽ chuyển các tín hiệu của não thành các tín hiệu được số hóa và truyền tín hiệu không dây ra bên ngoài để điều khiển các thiết bị khác.

Sau khi Nolan được cấy ghép con chip do Neuralink phát triển vào não, cuộc đời của anh đã thay đổi và Nolan đã thực hiện được những điều mà tưởng chừng anh sẽ không bao giờ làm được ở hoàn cảnh hiện tại, bao gồm khả năng điều khiển con trỏ chuột, chơi game trên máy tính hay đăng bài lên mạng xã hội… tất cả đều được thực hiện chỉ bằng ý nghĩ của anh.

Neuralink là công ty công nghệ thần kinh học được Elon Musk thành lập vào năm 2016, với tham vọng giúp chữa các chứng bệnh về thần kinh và sẽ giúp con người trở nên thông minh hơn.

Sau những thành quả đạt được bước đầu với Nolan Arbaugh, Elon Musk đặt ra mục tiêu cho thế hệ chip tiếp theo của Neuralink đó là giúp chữa chứng mù lòa cho những người bị khiếm thị, chữa bệnh tâm thần phân liệt…

Elon Musk tiết lộ sẽ có thêm 8 bệnh nhân khác được cấy ghép chip não của Neuralink ngay trong năm nay.

Theo UL/PCMag