Chuyển đổi số là thời của "cá nhanh nuốt cá chậm"

Nguyễn Nguyễn

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt thời cơ, thực hiện công cuộc chuyển đổi số nhanh hơn nữa.

"Nếu như trước đây, quy luật cạnh tranh là cá lớn nuốt cá bé, thì nay là cá nhanh nuốt cá chậm", Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại sự kiện Ngày Internet Việt Nam, do Hiệp hội Internet Việt Nam tổ chức, diễn ra sáng nay (16/12) tại Hà Nội.

Chuyển đổi số là thời của cá nhanh nuốt cá chậm - 1

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho rằng Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt thời cơ, thực hiện công cuộc chuyển đổi số nhanh hơn nữa.

Tại sự kiện, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng khẳng định Việt Nam cần đặt nhiệm vụ làm chủ hạ tầng số, làm chủ không gian mạng, và bảo vệ chủ quyền số quốc gia như một ưu tiên hàng đầu.

"Nếu như trước đây, chúng ta chú trọng vào mua sắm thiết bị phần cứng, rồi đến phần mềm thì nay, chúng ta chú trọng vào làm chủ dữ liệu và phân tích dữ liệu", Thứ trưởng cho biết.

Nói đến dữ liệu - ai cũng biết trong chuyển đổi số, đây là yếu tố cực kỳ quan trọng và được ví như 'dầu mỏ' trong cuộc Cách mạng 4.0. Các số liệu của thế giới cho biết trung bình mỗi người tạo ra tới 1,7 GB dữ liệu 1 ngày. Đó là nguồn dữ liệu vô cùng lớn, nhưng cũng như dầu thô, dữ liệu thô không có giá trị. Quan trọng là phải thu thập, phân tích và xử lý nó như thế nào.

Ông Lê Hồng Minh - Chủ tịch kiêm CEO VNG, cho rằng để xây dựng một hạ tầng phát triển kinh tế dữ liệu thành công tại Việt Nam, người dân trước hết cần phải có được sự tin tưởng là dữ liệu cá nhân của mình được tôn trọng và bảo vệ.

"Mỗi người có quyền được biết dữ liệu của mình do ai thu thập, vì mục đích gì và có quyền đồng ý hoặc từ chối không cho thu thập", CEO VNG khẳng định. Theo đó, ông nhận định Việt Nam rất cần xây dựng một Luật bảo vệ dữ liệu quyền riêng tư, để tạo tiền đề cho thúc đẩy kinh tế số.

Chuyển đổi số là thời của cá nhanh nuốt cá chậm - 2

CEO VNG Lê Hồng Minh nhấn mạnh việc bảo vệ dữ liệu, quyền riêng tư, sẽ tạo tiền đề cho thúc đẩy kinh tế số. 

Để thấy rõ được 'bức tranh' chuyển đổi số tại Việt Nam, ông Nguyễn Trọng Đường, Phó cục trưởng Cục Tin học hóa - Bộ TT&TT đã trình bày báo cáo EGDI của Liên hợp quốc, cho biết Việt Nam hiện xếp thứ 86, tăng 2 bậc so với năm 2018 về phát triển Chính phủ điện tử, và có mức tăng trưởng cao hơn mức trung bình thế giới.

Tuy nhiên tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam chỉ xếp thứ 6 về chỉ số phát triển chính phủ điện tử, đứng sau Philippines, Brunei, Thái Lan, Malaysia và Singapore.

Về chỉ số hạ tầng viễn thông, trong năm qua Việt Nam đã tăng 31 bậc, đứng thứ 69 thế giới. Với chỉ số xếp hạng nguồn nhân lực, Việt Nam tăng 3 bậc và xếp hạng 117. Ở chỉ số dịch vụ trực tuyến, Việt Nam bị tụt 22 bậc trên bảng xếp hạng.

Trong đó, Covid-19 mặc dù là tác nhân gây khó khăn cho nền kinh tế, nhưng cũng là cú hích để doanh nghiệp đẩy nhanh và tạo bước ngoặt về chuyển đổi số. "Rất nhiều thói quen thông thường đã bị thay đổi và chuyển đổi số đã trở thành gần như bắt buộc với nhiều cơ quan, tổ chức", ông Đường nhấn mạnh.

Chuyển đổi số là thời của cá nhanh nuốt cá chậm - 3

Ông Nguyễn Trọng Đường, Phó cục trưởng Cục Tin học hóa - Bộ TT&TT.

Ông Nguyễn Lâm Thanh - Giám đốc Chính Sách của TikTok Việt Nam cũng đồng quan điểm rằng trong bối cảnh bình thường mới, chuyển đổi số đã và đang trở thành vấn đề quan trọng đối với các quốc gia, tổ chức và doanh nghiệp.

Chia sẻ kinh nghiệp thực tế, ông Thanh cho biết ở TikTok thậm chí có nguyên một đội ngũ kiểm duyệt nội dung người Việt luôn có mặt 24/24 để đáp ứng nhu cầu kiểm duyệt nội dung theo Tiêu chuẩn Cộng đồng. Ông khẳng định ngoài việc tiếp cận các công nghệ mới, doanh nghiệp cần chủ động nâng cao chất lượng dịch vụ để mang tới những trải nghiệm tối ưu nhất cho người dùng Internet.

Về Internet, Việt Nam hiện được đánh giá là 1 trong 20 nước có tỷ lệ sử dụng hệ thống thông tin này nhiều nhất thế giới với 68,17 triệu người dùng (chiếm 70% dân số).

Việt Nam cũng ghi nhận số lượng người dùng mới tại các dịch vụ số tăng trưởng 41% - cao nhất trong khu vực, và 94% người dùng Việt Nam sử dụng Internet thường xuyên với thời gian sử dụng trung bình lên tới 6 tiếng mỗi ngày.

Theo báo cáo e-Conomy của Google, tổng doanh thu của nền kinh tế Internet Việt Nam trong năm 2020 đạt hơn 14 tỷ USD. Trong đó, thương mại điện tử chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm khoảng 7 tỷ USD, tiếp đó là truyền thông trực tuyến (3,3 tỷ USD), vận tải và thực phẩm (1,6 tỷ USD).

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm