Chơi BlackBerry - chơi đồ “độc”

Có nhiều nguyên nhân để giải thích về phong trào chơi BlackBerry, có người vì thích kiểu dáng “hầm hố”, có người thích tính thực tế của các tính năng, nhưng có người chỉ chơi vì nó “lạ”.

Có người đã thắc mắc, ở Việt Nam, hạ tầng cơ sở chưa đủ để hỗ trợ những tính năng như e-mail, lướt web... của BlackBerry mà sao lại có nhiều người hâm mộ thiết bị này đến vậy.

 

Thương hiệu lạ, hình thức lạ

 

BlackBerry là một thương hiệu nổi tiếng ở Bắc Mỹ, nhưng ở Việt Nam, thương hiệu này còn khá mới lạ. Nhiều người đến với BlackBerry cũng chỉ vì thấy thiết bị này khá hầm hố. Những người khác thì muốn thay đổi “khẩu vị” khi Nokia, Samsung hay Palm đã trở nên nhàm chán.

 

Không những lạ về thương hiệu, BlackBerry còn là thiết bị có tính năng và cách sử dụng khá phức tạp. Với những người mới sử dụng, không thể ngày một ngày hai là sử dụng thành thạo chiếc máy này. Anh Thanh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chơi BlackBerry được gần nửa năm nay, nhớ lại ngày đầu khi bạn bè rủ đi gặp mặt trao đổi về thiết bị này, anh thấy lạ. Tập dùng một thời gian rồi thành quen, rồi anh sinh “nghiền” nó. Giờ thấy bản ROM nào mới hay phần mềm nào hay, anh cố tìm bằng được về cài đặt.

 

Thiết kế tiện dụng

 

BlackBerry có thiết kế đặc trưng riêng, không lẫn lộn với bất cứ điện thoại nào khác. Bàn phím Qwerty đầy đủ, trackball (với các máy cũ là trackwheel) rất tiện dụng, truy xuất nhanh chóng. Loa của loại máy này tiếng rất lớn, nghe rõ hơn rất nhiều điện thoại khác. Ngoài ra, màn hình lớn và sáng, các icon hiển thị chi tiết.

 

Một smart phone thực tế

 

Nói như nhiều người chơi, đây là một chiếc điện thoại có tính thực tế, không hoa mỹ, màu mè. Pin BlackBerry tốt, hầu hết các dòng máy có thời gian sử dụng ít nhất 3 ngày, lâu có thể đến 1 tuần.

 

Sóng điện thoại của BlackBerry cực ổn. Với tất cả các mạng GSM, lúc nào cột sóng cũng báo đầy 5 vạch. Không những thế, BlackBerry còn cho phép người dùng tuỳ biến giao diện, thay đổi bố trí các icon theo ý thích.

 

Nhiều người sử dụng BlackBerry cùng có nhận định phần mềm của máy thông minh và ổn định. Anh Thắng (Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội), một người sử dụng BlackBerry khá lâu, tâm đắc rằng nếu sử dụng hết các chức năng và phím tắt của máy thì người dùng sẽ thấy cực kỳ thú vị. Ngay cả một chức năng đơn giản là đọc và gửi tin nhắn, bạn cũng sẽ thấy sự khác biệt với các điện thoại khác.

 

BlackBerry còn là chiếc điện thoại dường như không bao giờ bị “treo”, kết nối mạng và kết nối với máy tính nhanh. Tìm kiếm trong BlackBerry nhanh hơn bất cứ điện thoại nào, không đến 3 giây là bạn có thể tìm kiếm được số điện thoại cần gọi. Ngoài ra, các chức năng khác như lịch, tin nhắn, ghi chép không thua kém một PDA nào khác.

 

Chơi BlackBerry

 

Anh Hiệp (quận Tân Phú, TPHCM), một dân chơi BlackBerry “thứ thiệt” và là admin của diễn đàn Tinhte.com. Hai năm trước, anh bắt đầu dùng BlackBerry, đến nay đã sử dụng nhiều model khác nhau như 7100t, 8700g... Tuy nhiên, anh vẫn chưa có ý định đổi sang dòng điện thoại khác. Tất cả các máy đã dùng, anh đều giữ lại làm kỷ niệm.

 

Anh Hiệp cho biết, BlackBerry không phải là một chiếc điện thoại nhiều tính năng giải trí, đó chỉ là một chiếc máy ổn định, thao tác nhanh, pin tốt. Anh cũng sử dụng điện thoại chỉ để nhắn tin, nghe gọi và các ghi chép, nhắc nhở khác. Vì thế với một người bận rộn, lại thường xuyên đi lại như Hiệp, BlackBerry là chiếc điện thoại khó có thể rời mình. Chiếc máy này cũng là cái cớ để để anh gặp gỡ, giao lưu cùng bạn bè.

 

Sắm BlackBerry cũng khá đơn giản, không tốn kém, chỉ cần 600.000 đồng là bạn có thể mua được chiếc 6710 cũ đời 2004. Xịn hơn thì có thể dùng 8300 (7,7 triệu đồng), 8100 (4 triệu đồng), 8707 (3,4 triệu đồng) hay 8700 (3.6 triệu đồng)...

 

Một số dòng BlackBerry mà dân chơi hiện đang dùng nhiều như: 6710, 7100, 7290, 7230, 8700, 8100.... Tuy nhiên, nhãn hiệu này vẫn chưa có nhà phân phối chính thức tại Việt Nam nên hầu hết các điện thoại BlackBerry đều là hàng xách tay từ Mỹ, Singapore và Trung Quốc. Tại Hà Nội, bạn có thể tìm thấy ở những cửa hàng điện thoại trên phố Bạch Mai, Lê Trọng Tấn, Hoàng Hoa Thám...

 

Theo Huy Nguyễn

Số hóa