CEO ByteDance bị gọi là “kẻ phản bội” vì bán TikTok cho Mỹ
(Dân trí) - Nhiều cư dân mạng tại Trung Quốc đã phẫn nộ và gọi CEO ByteDance, “cha đẻ” của TikTok, là “kẻ phản bội” khi có ý định bán mạng xã hội này cho Microsoft của Mỹ.
Để không bị “cấm cửa” tại Mỹ, ByteDance đang phải đàm phán để bán mạng xã hội TikTok cho một công ty tại Mỹ. Thương vụ giữa Microsoft và ByteDance để mua lại TikTok là tâm điểm chú ý của giới công nghệ trong những ngày vừa qua.
Tuy nhiên, với nhiều người Trung Quốc, việc để một mạng xã hội do Trung Quốc xây dựng, phát triển và tạo được tên tuổi trên toàn cầu nhưng cuối cùng lại bị một công ty của Mỹ thâu tóm là điều khó có thể chấp nhận được.
Nhiều cư dân mạng tại Trung Quốc đã bày tỏ sự phẫn nộ của mình trên nền tảng mạng xã hội Weibo khi ByteDance xác nhận đang đàm phán với Microsoft để bán TikTok. Thậm chí nhiều người còn gọi Trương Nhất Minh, nhà sáng lập và CEO ByteDance, là một kẻ phản bội, hèn nhát vì đã sẵn sàng bán đi “đứa con cưng” của mình chỉ để làm hài lòng chính phủ Mỹ.
“Trương Nhất Minh đã từng ca ngợi Mỹ là nơi cho phép tự do ngôn luận, không giống như ở Trung Quốc chỉ có tiếng nói một chiều. Giờ đây, hắn ta đang tự vả vào mặt mình. Vì sao hắn không tranh luận với phía Mỹ để giành quyền hoạt động cho TikTok?”, một cư dân mạng bình luận.
“Trương là một kẻ phản bội, một gã hèn nhát vì không dám đấu tranh mà chỉ muốn thỏa hiệp”, một cư dân mạng khác nhận xét.
Hiện tài khoản Weibo của Trương Nhất Minh đã phải tạm khóa vì hứng chịu nhiều sự chỉ trích và bình luận tiêu cực từ phía cư dân mạng Trung Quốc.
Hiện cả ByteDance và Microsoft đều đang tích cực đàm phán về thương vụ chuyển giao TikTok, khi tổng thống Trump tuyên bố cho thời hạn đến ngày 15/9, nếu TikTok không chuyển thành một công ty Mỹ sẽ bị cấm sử dụng tại quốc gia này.
ByteDance rơi vào tình huống “tiến thoái lưỡng nan” trong thương vụ TikTok
ByteDance buộc phải bán TikTok cho một công ty của Mỹ nếu muốn tiếp tục hoạt động tại thị trường này, nhưng điều đó cũng sẽ khiến nhiều người Trung Quốc phẫn nộ và thậm chí có thể dẫn đến một làn sóng tẩy chay TikTok ngay tại quê nhà.
Trong bối cảnh quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng căng thẳng, nhiều người Trung Quốc đã xem việc sử dụng các sản phẩm của nước nhà là một hành động yêu nước, đồng thời kêu gọi phản đối và tẩy chay các sản phẩm của Mỹ. Do vậy, không quá ngạc nhiên khi nhiều người gọi Trương Nhất Minh là kẻ phản bội khi muốn bán TikTok cho một công ty của Mỹ.
Trên thực tế, ByteDance sẽ không bán toàn bộ TikTok cho Microsoft, mà chỉ bán quyền quản lý của mạng xã hội này tại một số quốc gia như Mỹ, Canada, Úc… cho phép Microsoft quản lý và lưu trữ dữ liệu của người dùng tại các quốc gia này, trong khi đó, Douyin, phiên bản TikTok dành riêng cho thị trường Trung Quốc, vẫn hoạt động bình thường và không hề bị ảnh hưởng bởi thương vụ.
Tuy nhiên, nhiều người dùng Trung Quốc không quan tâm đến việc ByteDance bán toàn bộ hay một phần TikTok cho Microsoft, mà đối với họ, nếu thương vụ được diễn ra, TikTok mặc nhiên được xem như là một công của Mỹ, chứ không còn do Trung Quốc sở hữu.
Có thể nói, ByteDance đang rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” trong thương vụ TikTok. Việc bị người dùng trong nước tẩy chay có thể khiến TikTok gặp khó khăn ngay tại quê nhà.
ByteDance có lẽ trái ngược với trường hợp của Huawei, khi mà hãng công nghệ Trung Quốc càng bị chính phủ Mỹ “cấm vận” và gây nhiều khó khăn lại càng được người dùng trong nước ủng hộ, xem đây như một động thái để thể hiện lòng yêu nước và ủng hộ nước nhà trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.