Bphone: Cuộc chơi mới chỉ bắt đầu!

(Dân trí) - Bkav cuối cùng cũng đã trình làng chiếc điện thoại “đầu tay” Bphone sau nỗ lực 4 năm nghiên cứu và đầu tư với hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, sự thành công của Bphone vẫn là một ẩn số phía trước và một điều rõ ràng rằng Bkav sẽ phải đối mặt với muôn trùng khó khăn.

Cuộc chơi bắt đầu từ xây dựng niềm tin

Sự kiện ra mắt điện thoại Bphone đã trở thành tâm điểm chú ý của giới công nghệ, người tiêu dùng Việt trong ngày hôm qua. Nếu nói rằng Bkav đã thành công mĩ mãn với màn trình diễn đã được mong chờ từ lâu là điều hoàn toàn không đúng. Còn đâu đó những lỗi đáng tiếc trên sân khấu của sự kiện, còn đâu đó bóng dáng của những “tượng đài” đi trước trên thế giới, như Steve Jobs và Apple, trong vai trò của người thổi hồn vào chiếc điện thoại Bphone của Việt Nam là CEO Nguyễn Tử Quảng. Dù vậy, nhìn vào những nỗ lực của Bkav trong thời gian qua có thể thấy “tay ngang” trên thị trường di động đã thực sự lựa chọn hướng đi cho mình, không chỉ là người chuyên đi diệt virus, không chỉ là công ty sản xuất thiết bị nhà thông minh nữa mà Bkav đang muốn bước vào thị trường đầy tiềm năng với những cuộc cạnh tranh khốc liệt đến từ các ông lớn trên thế giới, như Apple, Samsung…

Chắc hẳn Bkav đã nhìn thấy trước những muôn trùng khó khăn sẽ phải đối mặt, nhưng không như các thương hiệu Việt khác khi lựa chọn giải pháp thuê ngoài OEM rồi gắn thương hiệu của riêng mình để còn đường lùi nếu thất bại thì Bkav tỏ ra “liều lĩnh” khi tự sản xuất một chiếc điện thoại hoàn toàn tại Việt Nam.

Chính sự liều lĩnh cộng với một chút “hung hăng” trong các tuyên bố của Bkav trước khi Bphone ra mắt, và ngay cả trên sân khấu của sự kiện với hàng loạt các câu nói có phần thái quá khi khen “Bphone là siêu phẩm hàng đầu thế giới”, “Thật không thể tin được”, “Thật là tuyệt vời”… đã tạo ra đủ thứ dư luận và tình cảm trên báo chí, trên Facebook.

Sóng gió đến với Bkav và Bphone cũng bởi vì những mĩ từ mà CEO Nguyễn Tử Quảng và các đồng sự dành tặng cho smartphone đầu tay của mình. Đối với giới truyền thông, không khó để biết rằng đây là phong cách của Bkav, của những người thích “nói lớn” về những sản phẩm, dịch vụ của mình. Tuy nhiên, với người dùng thì họ mong chờ và cần được trải nghiệm thực tế sản phẩm và những đánh giá của họ mới là điều dẫn tới quyết định có sẵn sàng để mua hay không.

Những lời nói hoa mĩ về Bphone đã gây ra phản ứng trái chiều.

Những lời nói hoa mĩ về Bphone đã gây ra phản ứng trái chiều. (Ảnh: Đức Trung)

Do vậy, cuộc chơi của Bphone mới chỉ bắt đầu, bắt đầu đi tìm niềm tin của người tiêu dùng thay vì bằng những lời hoa mĩ. Để làm được điều này, Bkav sẽ còn một chặng đường dài phía trước, đặc biệt khi nhà sản xuất đã lựa chọn kênh bán hàng online thay vì kênh bán lẻ tới người tiêu dùng như truyền thống.

Giới công nghệ cho rằng, dù các thương hiệu Trung Quốc, như Xiaomi, OnePlus đã thành công với kênh bán hàng trực tuyến, nhưng tại Việt Nam, cách làm này là một trở ngại đối với Bkav và với cả Xiaomi, OnePlus nếu muốn vào thị trường này.

Mua hàng trực tuyến vẫn chưa được xem là kênh mua hàng chủ yếu của người dùng. Hơn nữa mặt hàng giá trị lớn lại cần có sự trải nghiệm. Mặc dù Bkav có chính sách đổi trả Bphone trong 14 ngày mua sản phẩm, nhưng đối với những sản phẩm đổi do không ưng ý thì sẽ phải chịu mức phí 5% giá trị sản phẩm. Chính điều này cũng sẽ làm khách hàng buộc phải suy nghĩ trước khi quyết định mua.

Người dùng: Nên ủng hộ hay chỉ là “có đáng không”?

Từ phản ứng của người dùng đối với Bphone có thể thấy người Việt đã đặt kỳ vọng rất lớn đối với một sản phẩm đúng nghĩa sản phẩm Việt. Tuy vậy, ở đâu đó vẫn còn tiềm thức “thường thôi”, “Làm có thế thôi mà cũng nổ quá chừng”, và tâm lý đám đông ảnh hưởng tới suy nghĩ của nhiều người.

Bphone có thật sự tốt hay không, cần thời gian để chứng minh điều này và cần có sự trải nghiệm để nói lên được bản chất của sản phẩm. Dẫu vậy, nhìn lại nỗ lực của Bkav để thấy một doanh nghiệp tư nhân, không có bất kỳ ngân sách tài trợ, không có sự hậu thuẫn từ các tổ chức tài chính nhưng sản phẩm đầu tay trong lĩnh vực di động vốn không phải là thế mạnh của mình đã ít nhiều đạt được mong đợi của người dùng.

Những lời nói hoa mĩ về Bphone đã gây ra phản ứng trái chiều.

Với mức giá trên 11 triệu đồng (sau VAT) thì quyết định lựa chọn Bphone sẽ còn phụ thuộc vào phần mềm, khả năng hoạt động chứ không còn vì thiết kế. (Ảnh: Đức Trung)

Những điều mà Bkav đã làm được đến thời điểm này được xem là một thành công, từ cách họ làm truyền thông, lôi kéo người dùng và đưa ra một sản phẩm thực tế mà họ đã làm trong suốt 4 năm qua. Những điều này đáng để trân trọng. Tại sự kiện ra mắt BPhone, CEO Nguyễn Tử Quảng đã nói: “Chúng tôi tin rằng, ngày hôm nay sẽ làm nên lịch sử của ngành công nghệ Việt Nam”.

Ở góc độ khách quan, ngành công nghệ Việt Nam cần lắm những doanh nghiệp dám nghĩ, dám nói và dám làm. Thành công hay không còn phụ thuộc vào năng lực và thực tế của những điều mà họ tạo ra. Đối với Bphone, một sản phẩm Việt đúng nghĩa, với đẩy đủ chất xám của người Việt thì liệu chúng ta có nên ủng hộ? Câu hỏi này cũng đã gây tranh cãi bởi chúng ta sẽ mù quáng ủng hộ một sản phẩm chỉ bởi vì nó mang thương hiệu Việt, hay chúng ta nên ủng hộ một sản phẩm đúng với giá trị mà chúng ta bỏ ra?

Nhìn sang các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc có thể sẽ là một bài học quan trọng đối với Bkav hay bất kỳ doanh nghiệp Việt nào muốn chiếm lĩnh được người dùng nội địa. Mặc dù các sản phẩm của Apple vẫn được ưa chuộng tại các nước này nhưng các sản phẩm nội địa lại thống lĩnh thị trường.

Nói riêng về Hàn Quốc, văn hoá của người dân nước này dành sự ưu ái với sản phẩm nội địa. Theo giới phân tích, sức mạnh của các doanh nghiệp nội địa để vượt qua các “đại gia” đến từ ngoại quốc đó là sự thấu hiểu và khả năng liên kết với người tiêu dùng.

Điển hình như câu chuyện, thói quen mua điện thoại của người Hàn Quốc là muốn có thêm dây sạc nối với máy tính bên cạnh bộ sạc thông thường. Với sự hiểu biết về thị hiếu này, Samsung luôn bán cả gói phụ kiện cho người dùng, trong khi đó, các thương hiệu khác, như HTC, Motorola không làm được điều đó. “Người dân Hàn Quốc họ muốn có một sản phẩm, dịch vụ “tốt nhất của tốt nhất”. 

Trong khi đó, tại Nhật, dù Sharp đã “thất thế” trong con mắt của người dùng thế giới thì tại xứ sở hoa anh đào, thương hiệu này vẫn là một thế lực mạnh mẽ trên thị trường TV Nhật. Samsung và LG gần như đã không còn ý định tấn công thị trường này.

Những điều trên đủ để cho thấy rằng người tiêu dùng Việt nên dành những ưu ái với thương hiệu nội địa, với cái nhìn bao dung hơn là những lời soi mói, đả kích trước những nỗ lực, cố gắng của doanh nghiệp Việt. Đó sẽ là động lực để họ tiến lên và hoàn thiện mình. Dẫu vậy, chất lượng dịch vụ, sản phẩm vẫn là yếu tố lớn quyết định việc chi tiêu của người dùng, và đường dài của Bphone vẫn còn ở phía trước!

Khôi Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm