Bộ TT&TT ra mắt nền tảng chính phủ số xây dựng trên mã nguồn mở
(Dân trí) - Gồm nhiều thành phần quan trọng như dịch vụ công trực tuyến, quản lý dữ liệu, bản đồ số..., nền tảng Flex Digital sẽ giải quyết được bài toán khi áp dụng và triển khai chính phủ số tại Việt Nam.
Ngày 4/12, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Lễ ra mắt Nền tảng phát triển Chính phủ số Flex Digital. Đây là chương trình nằm trong chuỗi sự kiện giới thiệu các nền tảng số Make in Vietnam, nhằm thực hiện "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Phát biểu tại lễ ra mắt, ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh việc xây dựng, phát triển chính phủ số là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Bộ trong 5 năm tới. Trong đó, không thể không kể đến sự đóng góp của những giải pháp dựa trên nền tảng mở.
"Trước đây, chúng ta đầu tư thành các dự án riêng lẻ. Điều này khiến việc triển khai gặp các vấn đề liên kết tích hợp, chia sẻ thông tin khó khăn", Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nêu rõ, đồng thời khẳng định công nghệ mở giúp DN hạn chế chi phí bản quyền, giúp phát triển năng lực chủ động, giúp các hệ thống an toàn hơn.
Nền tảng phát triển Chính phủ số Flex Digital được Công ty Cổ phần Phát triển Nguồn mở và Dịch vụ FDS xây dựng dựa trên chuẩn mở và công nghệ mở, cung cấp các giải pháp nhằm phát triển chính phủ số.
Đáng chú ý, có thể kể đến một số thành phần của Flex Digital như OpenCPS - nền dịch vụ công trực tuyến, FlexMobile - nền tảng phát triển các ứng dụng di động, FlexData - nền tảng quản lý tích hợp và chia sẻ dữ liệu, FlexMap - nền tảng dịch vụ dữ liệu bản đồ số dùng để quản lý cơ sở hạ tầng dữ liệu không gian,...
Nền tảng phát triển Chính phủ số Flex Digital hiện đã được triển khai hiệu quả tại 11 Bộ, Ngành, cùng 5 tỉnh thành tại Việt Nam, và 2 tổ chức quốc tế. Trong thời gian tới, giải pháp sẽ tiếp tục hoàn thiện, sử dụng để xây dựng thêm các sản phẩm, phần mềm cụ thể phục vụ quá trình chuyển đổi số tại các bộ ngành, địa phương.
Thực tế cho thấy phát triển và làm chủ công nghệ số dựa trên nền tảng mở từ lâu đã là định hướng, là chiến lược được Việt Nam hướng đến. Ngày 18/11, tại Diễn đàn công nghệ mở Việt Nam 2020 (Vietnam Open Summit 2020), Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh "công nghệ mở ngày nay không chỉ là mã nguồn mở, mà còn là kiến trúc mở và chuẩn mở".
Trong đợt dịch Covid-19, các ứng dụng như Bluezone, CoMeet,.. đều được phát triển trên mã nguồn mở, và mở mã nguồn để chia sẻ với cộng đồng quốc tế. Sắp tới đây, mạng 5G Việt Nam cũng sẽ được dùng chuẩn mở Open RAN.