Xuất hiện các nốt ở phổi có phải mắc ung thư?
(Dân trí) - Hầu hết các nốt ở phổi là lành tính, song đó cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo của ung thư.
Các nốt phổi - khối mô nhỏ trong phổi - khá phổ biến. Chúng xuất hiện dưới dạng bóng trắng, tròn trên phim chụp X-quang phổi hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT).
Theo Mayoclinic, các nốt ở phổi thường có kích thước khoảng 5 mm đến 1,2 inch (30 mm). Một nốt phổi lớn hơn, chẳng hạn như một nốt lớn hơn 30 mm, có nhiều khả năng bị ung thư hơn là một nốt phổi nhỏ hơn.
Nếu bác sĩ phát hiện một nốt phổi trên xét nghiệm hình ảnh, sẽ rất hữu ích nếu bạn so sánh hình ảnh chụp hiện tại của bạn với lần chụp trước đó. Nếu nốt trên các hình ảnh trước đó không thay đổi về kích thước, hình dạng trong 2 năm thì có lẽ nó không phải là ung thư.
Các nốt phổi không phải ung thư thường do nhiễm trùng trước đó và thường không cần điều trị. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị chụp ảnh ngực hàng năm để xem liệu nốt phổi có phát triển hoặc thay đổi theo thời gian hay không.
Nếu một nốt ở phổi là mới hoặc đã thay đổi về kích thước, hình dạng hoặc diện mạo, bác sĩ có thể khuyên bạn nên tiến hành xét nghiệm thêm - chẳng hạn như chụp CT, chụp PET, nội soi phế quản hoặc sinh thiết mô - để xác định xem đó có phải là ung thư hay không.
Nốt phổi có khả năng là ung thư ở những người lớn tuổi, có một nốt lớn hơn, từng hay vẫn còn hút thuốc lá, có các yếu tố nguy cơ mắc ung thư phổi như: tiền căn gia đình có ung thư phổi hoặc tiếp xúc với amiăng.
Ví dụ, một nốt nhỏ ở người trẻ không hút thuốc lá rất ít khả năng bị ung thư hơn so với một nốt lớn hơn ở người lớn tuổi vừa ngưng hút thuốc lá gần đây. Tuy nhiên, ngay cả người có nguy cơ cao ung thư phổi, hầu hết các nốt nhỏ đều không phải là ung thư phổi.