Các triệu chứng ung thư phổi giai đoạn cuối

Hà An

(Dân trí) - Hầu hết các bệnh ung thư phổi không gây ra các triệu chứng cho đến khi bệnh đã tiến triển, một phần là do phổi có ít đầu dây thần kinh.

Ung thư phổi là bệnh lý ác tính ở phổi. Khoảng 85%-90% các trường hợp có liên quan đến tình trạng hút thuốc lá (chủ động hay thụ động). Theo thống kê, mỗi năm trên thế giới có khoảng 2,09 triệu người mắc mới và 1,76 triệu người tử vong do ung thư phổi.

Giống như nhiều loại ung thư khác, ung thư phổi cũng có thể gây ra các triệu chứng toàn thân, như chán ăn hoặc mệt mỏi nói chung. Hầu hết các bệnh ung thư phổi không gây ra các triệu chứng cho đến khi bệnh đã tiến triển, một phần là do phổi có ít đầu dây thần kinh.

Các triệu chứng ung thư phổi giai đoạn cuối - 1

Các giai đoạn tiến triển của ung thư phổi thường được đặc trưng bởi sự lây lan của ung thư đến các vị trí xa trong cơ thể. Điều này có thể ảnh hưởng đến xương, gan hoặc não. Khi các bộ phận khác của cơ thể bị ảnh hưởng, các triệu chứng ung thư phổi mới có thể phát triển, bao gồm:

- Đau xương.

- Sưng mặt, cánh tay hoặc cổ.

- Nhức đầu, chóng mặt hoặc chân tay trở nên yếu hoặc tê liệt.

- Vàng da.

- Khối u ở cổ hoặc vùng xương đòn.

Theo BS Nguyễn Nhật Linh - Khoa Nội 1, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, các nhà khoa học đã phát hiện ra chỉ có dưới 10% bệnh ung thư phát sinh do các rối loạn từ bên trong cơ thể thường không thay đổi được. Ngược lại, có đến hơn 80% bệnh ung thư phát sinh có liên quan đến yếu tố có thể thay đổi được.

Cụ thể bao gồm:

- Thuốc lá: hút thuốc lá, kể cả thụ động là một trong những nguy cơ hàng đầu gây bệnh ung thư phổi. Nhiều nghiên cứu khảo sát bệnh nhân mắc ung thư phổi đã chỉ ra, 90% người mắc có liên quan đến hút thuốc lá, 24% người mắc bắt nguồn từ hút thuốc thụ động.

- Chế độ ăn uống không lành mạnh.

- Ô nhiễm môi trường, chất thải từ động cơ, khói bụi, các chất phóng xạ…

- Các bệnh lý mãn tính có sẵn ở phổi: lao phổi, các nốt vôi hóa, tổn thương sẹo cũ ở phổi, các viêm phổi mạn có dị sản.

Ung thư phổi cũng được xếp vào nhóm khó phát hiện sớm. Vì thế, dự phòng bệnh được coi là chiến lược quan trọng nhất. Theo đó, người dân không hút thuốc lá, tránh xa khói thuốc, cải thiện vệ sinh công nghiệp và tránh tiếp xúc với khói bụi, đi khám sức khỏe định kỳ.

Với những người ngoài 50, bác sĩ khuyến cáo cần tầm soát ung thư phổi 6 tháng - 1 năm/lần. Đặc biệt với người hay hút thuốc lá, thuốc lào nhiều nên đi tầm soát sớm hơn.