Vụ “nhân bản” xét nghiệm: Giám định viên bảo hiểm bị qua mặt?
(Dân trí) - Đại đa số bệnh nhân bị “nhân bản” kết quả xét nghiệm, trả trùng kết quả xét nghiệm đều là bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Dư luận đặt câu hỏi, trước những xét nghiệm với tỉ lệ trùng nhau rất cao như vậy, giám định viên BHYT có phát hiện?
1.000 phiếu xét nghiệm trùng qua mặt giám định viên?
Trước đó, tại BV Đa khoa Hoài Đức, chỉ trong thời gian ngắn (từ tháng 7-2012 đến tháng 5-2013) khoa xét nghiệm Bệnh viện Hoài Đức đã cấp phát 2.237 phiếu xét nghiệm cho bệnh nhân, trong đó có 1.149 phiếu xét nghiệm huyết học trùng nhau. Tuy nhiên, hơn 1.000 phiếu xét nghiệm bất thường này đều qua mắt các giám định viên bảo hiểm. “Nếu cơ quan điều tra chưa vào cuộc, chúng tôi kiểm tra và cũng sẽ kết luận đây là vụ việc “khống” kết quả xét nghiệm để trục lợi quỹ BHYT và sẽ từ chối thanh toán”, ông Sơn cho biết.
Trước sự việc tại BV Hoài Đức được phát giác, ông Nguyễn Đức Hòa - Phó Giám đốc BHXH Hà Nội, cho biết hệ thống giám định viên BHXH Hà Nội có trình độ bác sĩ rất ít. Tại huyện Hoài Đức, 2 giám định viên không phải là bác sĩ mà chỉ là 1 y sĩ và 1 kế toán, do đó trình độ năng lực để giám định sau vào chuyên môn còn nhiều hạn chế.
Về vấn đề này, ông Sơn cũng cho rằng, công tác khám chữa bệnh với khối lượng công việc khổng lồ, trong khi lượng giám định viên BHYT lại mỏng. Trong cả nước, hồ sơ bệnh án thực chất được giám định chỉ nằm khong khoảng 50 – 80%. Sự thiếu sót này là khó khắc phục, nếu không muốn nói là không thể khắc phục ngay.
Ông Sơn nhận định, mục đích của việc viết khống kết quả xét nghiệm này là rút ruột BHYT. “Chúng tôi cũng hi vọng, việc làm này thiên về hướng nhân khống xét nghiệm lên trong khi thực tế là không có bệnh nhân. Như vậy, sự tổn thất chỉ mang tính kinh tế. Nếu không phát hiện, cơ quan BHXH sẽ phải thanh toán một số tiền nhất định. Điều lo ngại hơn, hi vọng không xảy ra đó là lượng bệnh nhân khám là thực có nhưng lại không được làm các xét nghiệm cơ bản đó. Nếu bác sĩ điều trị căn cứ vào các chỉ số đó để điều trị cho bệnh nhân thì hậu quả khôn lường, đặc biệt với người già, trẻ sơ sinh bởi chỉ định đó sai hẳn với chuyên môn”, ông Sơn nói.
Trước vụ việc này, BHXH VN ráo riết yêu cầu BHXH HN kiểm tra, báo cáo về vụ việc và yêu cầu BHXH HN tổ chức kiểm điểm rõ vai trò trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan (BHXH Hoài Đức, cán bộ giám định được phân công địa phương này) và phải báo cáo kết quả sớm về BHXH VN trước ngày 15/8.
Các hành vi lạm dụng quỹ BHYT vẫn xảy ra, từ việc lạm dụng chỉ định xét nghiệm, kê khống thuốc, kê khống xét nghiệm… nhưng đây là lần đầu tiên xảy ra sự việc hàng nghìn phiếu xét nghiệm bị kê khống.
“Sau sự việc này, cơ quan BHXH cũng cần nhìn lại quá trình giám sát của mình. Hiện tại, BHXH VN đã quyết định tăng cường từ 3 đoàn kiểm tra thành 10 đoàn kiểm tra việc chi trả bảo hiểm y tế (BHYT) tại các cơ sở, nhất là những địa phương có nhiều dấu hiệu bất thường. BHXH Việt Nam cũng đã có công văn gửi các cơ sở y tế cả nước chuẩn bị báo cáo cơ cấu chi phí, lập lại chế độ giám sát”, ông Sơn nói.
Liên quan đến vụ “nhân bản” kết quả xét nghiệm tại BV Đa khoa Hoài Đức, phòng tái khám cho những người bệnh bị trả trùng kết quả cũng đã được lập tại BV này. Được biết, trong ngày hôm nay đã có khá nhiều bệnh nhân đến viện xét nghiệm lại máu. Ngày mai (14/8) Sở Y tế Hà Nội cũng sẽ họp rút kinh nghiệm toàn ngành để chấn chỉnh công tác chuyên môn sau vụ “nhân bản” xét nghiệm tại BVĐK Hoài Đức.
Hồng Hải