1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Người tố cáo vụ “nhân bản” xét nghiệm: Nặng trĩu nỗi lòng

(Dân trí) - Vụ “nhân bản” kết quả xét nghiệm lừa dối người bệnh đã được đưa ra ánh sáng. Người phụ nữ dũng cảm dám đứng lên tố cái xấu đã nhẹ lòng hơn bởi chặng đường gian nan chị đã vượt qua…

Những ngày qua, khi vụ tiêu cực động trời tại BV Đa khoa Hoài Đức được phanh phui, chị Hoàng Thị Nguyệt, cán bộ khoa Xét nghiệm cùng những người bạn đứng ra tố cáo đã nhẹ lòng hơn khi giúp những người bệnh không còn bị lừa dối, trục lợi.
 
Thế nhưng chị Nguyệt cũng nặng trĩu nỗi lòng, vì nhiều người bị ảnh hưởng bởi chỉ đạo sai phạm của người làm lãnh đạo, nặng trĩu nỗi lòng bởi có những người đã lựa chọn sứ mạng chăm sóc sức khỏe nhân dân nhưng lại không hoàn thành sứ mạng đó, lại lừa dối chính người bệnh.
 
Chị tâm sự, chị đưa sự việc ra ánh sáng cũng bởi muốn mọi người hiểu rõ hơn về ngành y, ngoài những “con sâu làm rầu nồi canh” thì đại đa số cán bộ y tế là những người hết lòng vì người bệnh.
 
Chị Hoàng Thị Nguyệt đã dũng cảm đưa tiêu cực ra ánh sáng để bảo vệ quyền lợi
Chị Hoàng Thị Nguyệt đã dũng cảm đưa tiêu cực ra ánh sáng để bảo vệ quyền lợi
của người bệnh, bảo vệ sự trong sạch của ngành y tế. Ảnh: D.Ngọc

Không thể để trượt mãi theo bánh xe đổ!

Đấu tranh và đã mang lại kết quả, vụ việc được đã được đưa ra ánh sáng, tâm trạng của chị lúc này như thế nào?

Sự việc đưa ra ánh sáng, không chỉ tôi mà tất cả mấy trăm cán bộ bệnh viện, nhân dân Hoài Đức thấy vui. Nhưng quả thực, những ngày qua cũng là những ngày dài mệt mỏi với tôi. Những áp lực của việc tố cáo chưa kịp qua đi, giờ lại thêm những băn khoăn, lo lắng cho những người đồng nghiệp của mình. Họ có sai, nhưng tôi sợ họ bị kết tội nặng quá, nhất là những em trẻ, chỉ biết làm theo mệnh lệnh của giám đốc.

Ngay cả vị giám đốc cũng vậy. Tôi tố cáo, mong có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực để không còn sự lừa dối người bệnh, lừa dối các y bác sĩ. Nhưng giờ tôi cũng băn khoăn, liệu ông ấy có bị kết tội nặng lắm không?

Chị từng tâm sự, để dũng cảm đứng lên tố cáo, chị đã phải vượt qua rất nhiều áp lực. Điều gì đã thôi thúc chị làm điều đó?

Đầu tiên phải nói lương tâm nghề nghiệp không cho phép tôi im lặng khi nhìn thấy những hành vi sai trái đó. Quan trọng hơn, tôi thấy được những thiệt thòi của người bệnh khi đi khám bệnh. Có bệnh mới phải đến viện, nhưng họ đến viện không phải để được khám mà bị lừa dối. Các y bác sĩ cũng bị lừa dối.

Thực tế, các phiếu xét nghiệm trùng được in ra rất nhiều, từng xấp, ngày nào cũng in ra xấp mấy chục cái. Tổng số chúng tôi thu giữ được sau giờ làm việc chỉ trong vòng 10 ngày mà đã đến hơn 400 bản, đó là một con số quá lớn. Khi quyết định viết đơn tố cáo sự việc, người thân rất lo lắng, khuyên tôi dừng lại. Rồi có nhiều thông tin “bắn” đến, cho rằng tôi con kiến mà kiện củ khoai… nhưng tôi nghĩ nếu ai cũng sợ, không dám đấu tranh, sự việc cứ tiếp diễn, trượt đi mãi, sẽ ngày càng trượt dài, kéo theo sự lừa dối ngày càng khủng khiếp hơn và người bệnh là người chịu thiệt thòi nhất.

Khi gửi đơn tố cáo, chị có nhận được hồi âm tích cực từ cơ quan chức năng không?

Sau khi gửi đơn được vài ngày, Sở Y tế cũng đã về ngay bệnh viện làm việc. Thời gian này, tôi nghe rất nhiều thông tin được cố ý truyền đến mình, rằng mọi việc đã được giám đốc lo đâu vào đấy… Nhưng tôi vẫn có lòng tin, sự việc sẽ được đưa ra ánh sáng.

Chị đánh giá như thề nào về sai phạm, thái độ của các nhân viên xét nghiệm này?

Khi họ phát hiện ra những bản in phiếu xét nghiệm trùng bị chúng tôi giữ, họ đã dùng nhiều lời lẽ nặng nề mạt sát chúng tôi. Thế nhưng tôi không giận các em. Bởi tôi nghĩ, các em biết gì đâu, chỉ biết làm theo chỉ đạo thôi. Các em mới vào nghề, nếu không có người chỉ đạo các em không làm. Từ sắp xếp tổ chức, điều hành đều do giám đốc. Các em cũng từng nói với các nhân viên khác, giám đốc bảo cứ thế làm, phải trả kết quả sớm cho người bệnh và in một bản ra nhiều phiếu.

Trải qua những ngày tháng căng thẳng, đầy áp lực khi viết đơn tố cáo lãnh đạo, chị có sợ bị trù dập, bị mất việc không?

Khi viết đơn tố cáo, tôi nghĩ công việc mình sẽ không bị mất. Nhưng áp lực là có. Bởi ngay từ trước khi viết đơn thì giám đốc vẫn có áp lực với tôi rất nhiều chứ không riêng sau này. Không thể kể xiết những áp lực đó, nếu không can đảm, không quyết tâm thì khó trụ nổi. Tôi cũng không hề thấy hối hận. Bởi trước khi làm tôi đã xác định được là gian khó, là nguy hiểm. Tôi muốn đấu tranh mang lại công bằng cho nhân dân Hoài Đức, bảo vệ cho mấy trăm cán bộ bệnh viện, bảo vệ môi trường làm việc cho y bác sĩ bệnh viện.

Lấy máu bệnh nhân rồi bỏ đi!

Theo chị, bác sĩ cũng nhận thấy những bất thường của kết quả xét nghiệm này không? Họ có chỉ định điều trị cho người bệnh dựa trên những xét nghiệm này không?
 
Những kết quả xét nghiệm được nhân bản, trả ngẫu nhiên cho người bệnh. Ảnh: D.Ngọc.
Những kết quả xét nghiệm được "nhân bản", trả ngẫu nhiên cho người bệnh. Ảnh: D.Ngọc.

Bình thường, để trả được một kết quả xét nghiệm sinh hóa phải mất trung bình hai tiếng. Thế nhưng, nhân viên xét nghiệm ở đây làm rất nhanh. Bệnh nhân đông là thế, nhưng chỉ chừng 10 - 11 giờ đã trả hết kết quả bệnh nhân. Kết quả trùng nhiều vậy, rất khó khăn cho việc chẩn đoán của các bác sĩ. Thực tế các bác sĩ đọc kết quả, họ nghi ngờ rất nhiều, họ không tin vào kết quả đó nhưng họ không dám nói ra vì có góp ý giám đốc cũng không nghe. Vì thế, nhiều bác sĩ phải kê đơn cho người bệnh dựa vào các chẩn đoán lâm sàng.

Thêm một điểm bất bình thường nữa trong khâu lấy máu xét nghiệm. Theo quy định, để xét nghiệm sinh hóa máu, máu phải lấy từ ven mới đủ tiêu chuẩn xét nghiệm. Thế nhưng, các bệnh nhi khi đến khám đều được lấy máu đầu ngón tay (vốn chỉ phục vụ cho xét nghiệm về đông máu) để mang đi xét nghiệm đông máu. Qua quan sát, tôi thấy họ lấy máu, rồi cứ để đông đó, bỏ đi.

Trong quá trình thu thập những phiếu xét nghiệm giống hệt nhau của nhiều người bệnh, chị có phát hiện trường hợp nào bệnh nặng lên vì kết quả xét nghiệm không phản ánh đúng bệnh lý, dẫn đến chẩn đoán và điều trị sai?

Thực tế mình chỉ thu gom được những bệnh nhân giống nhau. Còn để theo dõi cái đó thì có lẽ cơ quan điều tra vào cuộc chắc chắn sẽ tìm được, nếu dò theo hồ sơ bệnh án.

Tôi tin, cơ quan điều tra vào cuộc, nhiều sai phạm trong quản lý, điều hành của giám đốc cũng sẽ bị phanh phui, từ việc yêu cầu nhân viên không được vào sổ các chỉ số huyết học, chỉ ghi tên bệnh nhân (trái quy định), đến việc thu tiền khám sức khỏe cho người bệnh nhưng không cho bệnh nhân làm các xét nghiệm theo quy định…

Tôi kiên định và cuối cùng, sai phạm cũng được chỉ ra. Người dân hoàn toàn có thể yên tâm khám bệnh, được chăm lo sức khỏe tại chính địa phương mình sinh sống.

Chị Phan Thị Đông, một trong những người kí tên vào đơn cùng tố cáo sai phạm của bệnh viện đa khoa Hoài Đức “nhân bản” kết quả xét nghiệm cho biết, khi kí đơn tố cáo, gia đình chị rất lo lắng. Nhưng khi được chị giải thích về tính tính nghiêm trọng của sự việc nên đã đồng tình với quyết định của chị. “Tôi thấy người dân bị lừa dối. Có bệnh họ mới đến viện nhưng khi làm xét nghiệm lại không nhận được kết quả xét nghiệm phản ánh đúng tình trạng sức khỏe của họ. Đó là điều đã thôi thúc tôi kí đơn cùng với chị Nguyệt, để bảo vệ quyền lợi của người dân, để làm trong sạch ngành y tế”, chị Đông nói.

 

Tú Anh - Ngọc Trang (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm