Vụ “nhân bản” kết quả xét nghiệm: Hơn cả sự liều lĩnh, nhẫn tâm
Như chúng tôi đã đề cập, một kết quả xét nghiệm huyết học được “nhân bản” để dùng cho nhiều bệnh nhân. Nhưng sự liều lĩnh, nhẫn tâm không chỉ dừng ở đây.
Bệnh nhân vẫn đến xét nghiệm máu rất đông ở BV Đa khoa Hoài Đức (chụp chiều 5/8).
Một số kỹ thuật viên (KTV) phòng xét nghiệm không có chứng chỉ, bằng cấp về làm xét nghiệm hóa sinh máu, nước tiểu, HIV... nhưng vẫn vô tư làm. Thậm chí vô tư ký cả vào vị trí chỉ có người có trách nhiệm mới được ký để trả kết quả cho bệnh nhân. Ngoài ra, còn có dấu hiệu khuất tất trong sử dụng các máy xét nghiệm.
Bệnh viện không rõ đúng - sai(?!)
Theo cuốn “chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn khoa xét nghiệm” do Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức (Hà Nội) ban hành năm 2012, chỉ có Chủ nhiệm khoa Xét nghiệm Vương Kim Thành và 2 cử nhân xét nghiệm là Hoàng Thị Nguyệt, Nguyễn Thị Hồng Nhung là được ký kết quả xét nghiệm trả cho bệnh nhân. Tuy nhiên, một số KTV dù không được quyền ký vẫn vô tư ký và ký rất nhiều phiếu xét nghiệm. Thậm chí, một số KTV làm hợp đồng dù chỉ có chứng chỉ định hướng chuyên khoa huyết học (học 6 tháng), nhưng thực tế vẫn được phân làm xét nghiệm cả những lĩnh vực chưa được học bao giờ như hóa sinh máu, nước tiểu, HIV, viêm gan B...
Về nguyên nhân của hiện tượng này, Giám đốc BV Nguyễn Trí Liêm cho rằng, trách nhiệm phân việc là của trưởng, phó khoa. Nhưng khi nói về những KTV chỉ có chứng chỉ định hướng xét nghiệm nhưng làm cả xét nghiệm sinh hóa, nước tiểu... đúng hay sai, thì ông Liêm nói: BV không rõ bởi nó liên quan đến các quy định, do đó, phải chờ các cơ quan chức năng xem xét!
Việc các vị lãnh đạo ở đây cho rằng, các trường hợp ký vào bản xét nghiệm chủ yếu là ngoài giờ hành chính vì thiếu biên chế, chúng tôi đưa ra câu hỏi, tại sao lại có tới 3 KTV có tay nghề, làm lâu năm lại “ngồi chơi xơi nước” ở bộ phận nội viện (Khoa Xét nghiệm có 2 bộ phận: Nội viện và ngoại viện), trong khi bộ phận ngoại viện (có 7 người, trong đó có 4 hợp đồng) chủ yếu là KTV mới, làm hợp đồng thì công việc lại chiếm hơn 90%? Trong đó có 2 trường hợp làm hợp đồng mới có chứng chỉ xét nghiệm huyết học (tháng 7 và 9/2012) nhưng lại được phân làm tất cả các loại xét nghiệm huyết học, sinh học, nước tiểu... như một KTV chính.
Bằng chứng “lại quả” của Cty Cổ phần dược phẩm Hà Tây. Ảnh: Đăng Hải - V.H
Về nội dung này, ông Liêm cho rằng, đây là việc phân công của khoa. Còn khoa báo cáo lại phân công như vậy là hợp lý. Tuy nhiên, ông Liêm cũng thừa nhận, theo quy định mới của bộ, chúng tôi cũng phải điều chỉnh lại cho phù hợp. Cũng về nội dung này, bà Vương Kim Thành, Chủ nhiệm khoa Xét nghiệm, thanh minh: Bộ phận ngoại viện chỉ chiếm khoảng 80% công việc, chứ không phải 90% như đơn tố cáo đâu và bộ phận này có 8, kể cả tôi, chứ không phải 7 đâu (!?).
Với nội dung những KTV hợp đồng (không được phép ký nhưng vẫn cứ ký), các vị lãnh đạo BV cho rằng chủ yếu chỉ ký ngoài giờ hành chính vì quá ít người. Chúng tôi phải đi tìm một số bệnh nhân quanh vùng để tìm câu trả lời. Theo một loạt hồ sơ họ cung cấp, chúng tôi khẳng định: Những KTV này ký rất nhiều phiếu xét nghiệm vào giờ hành chính, không chỉ những phiếu xét nghiệm huyết học, mà cả các phiếu sinh hóa, nước tiểu – những chuyên ngành mà họ chưa được học và không được phép ký. Như vậy, việc làm trái nguyên tắc của ngành là rất nghiêm trọng.
Có sự chia chác?
Theo đơn tố cáo của một số cán bộ ở bệnh viện, thời gian qua lãnh đạo ở đây đã cho “đắp chiếu” 2 máy huyết học, 1 máy sinh hóa bán tự động dù rằng những máy này chỉ hỏng những lỗi nhỏ như dây bơm, bàn phím, bóng đèn... Chính vì vậy, bệnh viện này đã phải mượn các máy này của Cty cổ phần dược Hà Tây.
Khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức. Ảnh: Hải Nguyễn
Nhưng nghịch lý là, tại sao Cty cổ phần này lại dễ dàng cho bệnh viện mượn thiết bị, lại còn phải phong bì cho cá nhân, tập thể của phòng xét nghiệm? Mặt khác, tiền mua những thiết bị này không nhiều, nhưng vì sao bệnh viện không mua?
Về vấn đề này, ông Liêm khẳng định: “Chúng tôi có kế hoạch mua những thiết bị này, nhưng Sở Y tế không duyệt. Còn chuyện phong bì, không biết ở phòng đó nhận, chia chác thế nào thì không biết, bản thân tôi (ông Liêm) không có ai đưa cả”.
Cùng về nội dung này, bà Thành thừa nhận, đúng là Cty cổ phần dược Hà Tây có đưa phong bì, nhưng đó là nhân các dịp lễ tết chứ không phải chia chác gì. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi, trong hai tháng 7 và 8/2012 họ liên tục có phong bì thì đâu phải là lễ tết. Thậm chí, trong phong bì này còn kẹp mảnh giấy ghi rõ nội dung số tiền và lý do. Với bằng chứng chúng tôi đưa ra, không vị nào có phản ứng.
Câu hỏi đặt ra là, mối quan hệ như thế nào giữa việc “nhân bản” các phiếu xét nghiệm để dùng cho nhiều bệnh nhân, cách “ưu tiên” sử dụng KTV hợp đồng, cho “đắp chiếu” một số máy và những phong bì lại quả kia của Cty cổ phần dược Hà Tây? Câu hỏi này rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng.
Theo Vương Hà
Lao động