Lãnh đạo Bộ Y tế nói gì về vụ “nhân bản” xét nghiệm?

(Dân trí) - Vụ “nhân bản” xét nghiệm xảy ra tại BV Đa khoa Hoài Đức gây rúng động dư luận xã hội. Hàng nghìn phiếu xét nghiệm đã được lập khống và 10 bị can đã bị khởi tố.

Hàng nghìn phiếu xét nghiệm đã bị nhân bản để trục lợi tại BV Đa khoa Hoài Đức. Ảnh: H.Hải

Hàng nghìn phiếu xét nghiệm đã bị "nhân bản" để trục lợi tại BV Đa khoa Hoài Đức. Ảnh: H.Hải
 
Bộ trưởng Bộ Y tế thừa nhận: “Công tác thanh kiểm tra bệnh viện còn yếu nên để vụ việc sai phạm của bệnh viện Đa khoa Hoài Đức diễn ra lâu như vậy”.  Đây là lần đầu tiên nữ Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến lên tiếng về sự việc rúng động tại BV Đa khoa Hoài Đức.
Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2013 diễn ra hôm ngày 20/8, nói về vụ việc “nhân bản”, Bà Tiến cho rằng, để xảy ra sai sót trong suốt cả một thời gian dài như vậy, trách nhiệm đầu tiên thuộc về Trưởng phòng xét nghiệm và Giám đốc bệnh viện.

“Chúng ta có hết quy trình lấy mẫu và tiêu chuẩn phòng xét nghiệm, nơi nào không làm như thế là không được và giám đốc bệnh viện, trưởng khoa xét nghiệm phải chịu trách nhiệm. Về vụ việc tại bệnh viện Hoài Đức, xử lý cụ thể thế nào thì cần phải chờ kết luận của công an. Nhưng phải nói rằng, trách nhiệm trực tiếp là Trưởng phòng xét nghiệm và Giám đốc bệnh viện. Nhưng để sự việc sai sót như vậy trong cả một thời gian dài thu tiền như thế, làm giả phiếu xét nghiệm như thế mà lại không biết gì thì chúng ta cũng phải nói trách nhiệm phải rõ ràng như thế, trưởng phòng xét nghiệm, Giám đốc bệnh viện Hoài Đức phải chịu trách nhiệm đầu tiên”, Bà Tiến nói.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng: “Sự việc xảy ra tại BV Đa khoa Hoài Đức là một sự việc rất đáng tiếc. Có những sự việc chúng tôi không thể ngờ là lại xảy ra như thế. Dù ngành y tế đã nỗ lực rất nhiều, tuy nhiên một số trường hợp không may, đáng tiếc xảy ra cũng là những sự việc rất đau lòng của ngành y tế”.

Theo bà Tiến, việc xử lý vụ việc của Thành ủy, UBND, Sở Y tế Hà Nội như vậy là rất đúng. Trách nhiệm của Bộ y tế là ban hành văn bản pháp luật, chủ trương chính sách, đốc thúc để xây dựng các quy trình, văn bản nhưng theo phân cấp hành chính, việc triển khai thực thi là của chính quyền. UBND có trách nhiệm phê duyệt, bổ nhiệm các vị trí cán bộ, phân cấp tiền bạc, việc giám sát, kiểm tra việc thực thi các cơ sở y tế là do hệ thống thanh tra Sở và chính quyền địa phương nơi đó tiến hành.

Để xảy ra những sự việc đau lòng trong ngành, theo người đứng đầu ngành y tế, đó là công tác thanh kiểm tra còn yếu.

Bà Tiến cũng đánh giá, hiện nay lực lượng thanh tra giám sát cũng rất mỏng. Mỗi Sở Y tế chỉ có 5-7 thanh tra, có tỉnh chỉ có 3 thanh tra, trong khi công việc cần thanh tra lại rất nhiều như y, dược, hành nghề tư nhân nên không thể bao quát hết được. Ngoài ra, thanh tra xử lý vi phạm chỉ được một thời gian, cơ sở lại tái phạm, là bài toán rất khó xử lý.

Ông Tuấn cũng thừa nhận: “Trong thời gian qua, có những đơn vị và địa phương chưa quan tâm đầy đủ đến công tác kiểm tra. Và thái độ của ngành y tế là hết sức kiên quyết trước những sai phạm và phải xử lý nghiêm, khuyến khích những nơi có nhiều tích cực trong công tác chăm sóc sức khỏe. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh yêu cầu chỉ đạo các sở y tế và các sở ban ngành tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra giám sát để làm sao những chủ trương chính xác được thực hiện tốt hơn, trong đó có cả vấn đề xã hội hóa”.

Xử lý nghiêm lạm dụng xét nghiệm!

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, vấn đề xã hội hóa y tế trong thời gian đem lại nhiều kết quả, như tăng cường thêm các trang thiết bị rất hiện đại, đắt tiền trong khi chúng ta chưa có điều kiện để đầu tư, phục vụ người bệnh tốt hơn và có điều kiện để phát triển kỹ thuật. Nhưng bên cạnh đó, việc không tự kiểm tra thường xuyên, kiểm tra của cấp trên dẫn, hoặc việc tuân thủ chưa đầy đủ quy trình của Bộ Y tế, Bộ Tài chính dẫn đến một số sai xót, vi phạm không đáng có.

“Những hành vi lạm dụng thường gặp ở tình trạng cho các xét nghiệm không phù hợp. Và để chẩn đoán một trường hợp lạm dụng chúng tôi phải thành lập hội đồng. Khi phát hiện sự lạm dụng, cố tình vi phạm sẽ phải xử lý kiên quyết, kiểm điểm, thậm chí cả thuyên chuyển công tác. Thực tế, đã có những cá nhân vì lạm dụng các xét nghiệm trong máy xã hội hóa mà phải kiểm điểm, chuyển công tác”, ông Tuấn khẳng định.

Cũng theo ông Tuấn, thực hiện xã hội hóa, việc công khai, minh bạch giá với người dân là vô cùng quan trọng và theo nghị định, giá phải được dán công khai. Thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục yêu cầu rà soát các trang thiết bị xã hội hóa.

Tú Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm