Vụ BV Hoài Đức: “Sở Y tế Hà Nội khen thưởng theo kiểu phủi trách nhiệm"”
(Dân trí) - “Với sự việc xảy ra tại Bệnh viện Hoài Đức, không thể chỉ đến đó bắt tay, khen thưởng rồi chúc mừng, tặng 320 nghìn đồng hoặc đình chỉ công tác ai đó thì coi như xong. Nếu như thế, cũng phần nào là phủi tay trách nhiệm, che chắn sai sót của mình”.
Thưa ông, dư luận đang “lên cơn sốt” với mức thưởng 320 nghìn đồng mà Sở Y tế Hà Nội dành cho 3 phụ nữ dũng cảm đấu tranh, phanh phui vụ nhân bản giấy xét nghiệm máu tại Bệnh viện Hoài Đức. Theo ông, vấn đề đó có thực sự đáng để bàn luận nhiều như thế hay không bởi ngay lãnh đạo Sở này cũng đã khẳng định “tiền không quan trọng” và thưởng 320 nghìn là đúng quy định?
Đó là biểu hiện cho thấy cái tệ làm việc theo kiểu máy móc như robot, bấm nút là làm. Họ cứ tra sổ, mức khen này thì thưởng bao nhiêu, huân chương lao động thì thưởng bao nhiêu... Đó là mức thưởng theo kiểu khen thường niên, thông lệ. Trong khi đó, sự việc xảy ra tại Bệnh viện Hoài Đức có dấu hiệu tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn. Hành động chống tiêu cực của 3 phụ nữ trên là góp phần chống tội phạm, không phải chỉ là vấn đề y đức. Hậu quả xảy ra là sức khoẻ thậm chí tính mạng của hàng ngàn người bị đe doạ.
Trong hoạt động đấu tranh chống tội phạm, Nhà nước đã có quy định về mức khen thưởng rồi nên đừng ai nên viện lý do này, nghị định kia để bao biện rồi đặt ra vấn đề phải sửa luật. Sau một chuyên án chống buôn lậu đạt hiệu quả lớn, đơn vị, cá nhân tham gia được được khen thưởng tính theo phần trăm con số thiệt hại. Vậy tại sao không đánh giá thiệt hại trong vụ việc là bao nhiêu để từ đó trích “phần trăm” để thưởng cho người ta.
Vậy phải nói sao về buổi lễ trao bằng khen “có một không hai” mà Sở Y tế Hà Nội tổ chức nhằm tôn vinh 3 cá nhân dũng cảm đó, thưa ông?
Việc tổ chức khen thưởng kiểu vội vàng như thế nghĩa là họ phủi tay trách nhiệm chứ đâu phải tuyên dương mấy người đó. Đáng lý ra, họ phải đứng ra ôm trách nhiệm đó vào mình, hay nói cách khác, họ phải nghiêm khắc tự xử họ, xin lỗi nhân dân hay thậm chí từ chức. Người giữ vai trò quản lý để xảy ra những bầy hầy như vậy, tại sao chỉ khen thưởng người tố cáo là xong?
Ở đây, tôi không đặt vấn đề số tiền lớn hay không lớn. Quan trọng hơn là những người giữ cương vị lãnh đạo, từ cấp sở đến cấp thành phố và phụ trách ngành phải cắt nghĩa ra cho được, tại sao lại để những tiêu cực cứ liên tục bị phanh phui tại nơi này nơi khác, ngành này ngành kia để người dân phải bần thần...
Những dấu hiệu đó báo hiệu rất nhiều lo ngại, buộc chúng ta phải nhìn thẳng nói thật. Không thể đến đó bắt tay, khen thưởng rồi chúc mừng, tặng 320 nghìn đồng hoặc đình chỉ công tác ai đó thì coi như xong. Không, không thể như thế. Nếu như thế, cũng phần nào là phủi tay trách nhiệm, che chắn sai sót của mình. Biết sai mà không chịu nhận lỗi, không kiên quyết sửa chữa cũng là tội ác.
Ông đang nói tới cơ chế người đứng đầu phải chịu trách nhiệm?
Không chỉ lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội mà lãnh đạo TP Hà Nội và Bộ Y tế cũng phải có lời nhận trách nhiệm với nhân dân và họ có trách nhiệm trình bày phương hướng giải quyết để những chuyện như vậy không tái diễn. Không thể bằng cách này hay cách khác phủi tay trách nhiệm.
Dân gian có câu "đấu tranh, tránh đâu" và có lẽ không phải vô cớ mà nhiều nhà báo đã phải lo ngại và đặt câu hỏi với lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội: “Ai sẽ phải chịu trách nhiệm nếu những người đứng ra tố cáo bị trù úm”...
Tôi cũng biết chuyện ông Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đã hứa: chắc chắn sẽ không có chuyện bị trù úm hay ngược đãi các cá nhân chống tiêu cực tại Bệnh viện Hoài Đức. Nhưng như tôi vừa nói, chính bản thân những người giữ cương vị lãnh đạo cũng phải thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm của mình, họ phải coi lại, vì lý do gì để xảy ra tình trạng như thế.
Đó là câu hỏi cần đặt ra. Sự việc xảy ra như vậy cho thấy cơ chế kiểm soát hiện nay có vấn đề, để có những vùng nằm ngoài kiểm soát. Thoát khỏi sự kiểm soát thì tạo ra sự hư hỏng. Câu hỏi ngược lại: Cơ chế nào đã không thể tự phát hiện, kiểm soát mà lại để những người đó đứng ra tố cáo?
Nhưng có thể nhiều người suy nghĩ rằng, sự việc này chỉ mang tính cá biệt, do bộc phát của cá nhân nên trách nhiệm của cơ quan quản lý chỉ là xử lý những đối tượng liên quan qua đó tạo hiệu ứng răn đe?
Vậy phải hỏi lại họ: Tại sao trên thế giới, một vụ sập cầu, một vụ tai nạn tàu hoả nghiêm trọng thì ông Bộ trưởng phụ trách ngành giao thông phải từ chức? Đâu thể nói như thế được. Cái cá biệt có thể nhân lên thành phổ biến. Và người giữ cương vị quản lý phải nghiêm túc nhìn nhận: Đã kiểm soát hết tất cả chưa mà nói rằng đó là cá biệt.
Có thể họ tặng cho những cá nhân dũng cảm kia, không phải là 320 nghìn mà là 5 triệu, 10 triệu hoặc nhiều hơn thế nữa, nhưng vấn đề quan trọng hơn không phải là số tiền lớn hay nhỏ. Liệu những người giữ cương vị quản lý có dũng cảm nhìn ra nguyên nhân tận gốc vấn đề là do cơ chế kiểm soát lỏng lẻo mới sinh ra những nỗi đau như vậy?
Phải đặt ra câu hỏi tại sao, nguồn cơn nào để những sự việc những tội ác lớn như vậy lại xảy ra? Phải có cơ chế tốt chứ không thể yêu cầu bà Bộ trưởng Y tế hay Chủ tịch UBND TP Hà Nội đến từng bệnh viện để kiểm tra kiểm soát.
Như ông vừa nói, thưởng gấp 10 lần, 30 lần hay 100 lần lương tối thiểu cũng chưa đủ làm nên sự quả cảm cho những người chống tham nhũng. Thứ mà những người chống tham nhũng thực sự cần không phải là tiền thưởng mà là một niềm tin chắc chắn rằng: họ thực sự được bảo vệ bằng những hành động cụ thể của những người lãnh đạo trong chính cơ quan của họ?
Chống tham nhũng chính là chống những người có chức có quyền nhưng sa đoạ về đạo đức. Không thể chỉ chống bằng “phê và tự phê”, không thể chống tham nhũng theo kiểu đóng cửa hô hào. Cần đồng thời tiến hành quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ khác mới mong có kết quả tích cực.
Ít nhất, họ cần một môi trường minh bạch?
Đúng, phải tạo ra một môi trường minh bạch. Môi trường sinh ra ruồi muỗi mà nếu cứ chạy theo diệt từng con thì bao giờ cho sạch? Phải làm sạch môi trường, một môi trường sạch, cơ chế thông minh, công khai thì tự khắc ruồi muỗi không thể tồn tại.
Cơ chế hiện nay đang tạo kẽ hở cho tham nhũng, vơ vét tiền của của Nhà nước. Nhưng cái mà chúng ta mất lớn nhất lại không phải là mất tiền, mất của, dù số tiền đó là hàng chục tỉ, hàng trăm tỉ. Cái lớn nhất bị mất, đó là đạo đức. Chúng ta sống trong một xã hội mà chúng ta phải tự nói dối với nhau để sống. Nói dối hằng ngày nên thành thói quen. Thói quen đó lặp lại nhiều lần thành "đạo đức", mà cái "đạo đức" đó là rất mất đạo đức. Đấy là một cái nguy, nhưng tôi thấy ít người quan tâm, chỉ chăm chăm vào vụ tham nhũng này, vụ tham nhũng kia.
Khi mà sợi dây thần kinh xấu hổ bị đứt ở không chỉ một người mà nhiều người thì rất nguy hại và đã gian dối thì có thể gây bất kỳ tội ác nào với nhân dân, dân tộc.
Cụ thể cơ chế phải thay đổi như thế nào, theo ông?
Muốn đánh "giặc" tham nhũng, chúng ta phải sử dụng lực lượng, vũ khí, cách đánh riêng. Lực lượng đó chính là nhân dân, vũ khí là công luận, là sự công khai minh bạch, cả những sai lầm, khuyết điểm. Nói cách khác, muốn chống tham nhũng phải dũng cảm dựa vào dân, đứng về phía nhân dân.
Thời gian qua, hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng vẫn chưa được như mong đợi.
Theo tôi, cái thiếu lớn nhất trong việc chống tham nhũng là tính độc lập của tư pháp và sự can dự tích cực của cơ quan công luận. Nếu công cuộc chống tham nhũng không được làm tới nơi tới chốn, có thể người dân sẽ đi từ sự tin tưởng công cuộc phòng chống tham nhũng của Đảng tới sự hụt hẫng, tới mất niềm tin.
Phúc Hưng (thực hiện)