Vợ chồng cùng bị ung thư vì cách ăn tiết kiệm thường gặp

Minh Nhật

(Dân trí) - Ung thư đại trực tràng không có tính lây nhiễm, nhưng môi trường sống và nếp sinh hoạt giống nhau có thể góp phần gây ra bệnh.

Theo Aboluowang, một cặp vợ chồng ở Hàng Châu (Trung Quốc) đã được chẩn đoán mắc ung thư đại trực tràng giai đoạn đầu, sau khi cùng nhau đi nội soi tiêu hóa.

Cụ thể, ông Zhang và bà Sun có polyp ở đại tràng. Kết quả giải phẫu bệnh ghi nhận tổn thương mức độ cao trong biểu mô.

Nửa tháng sau đó, cặp vợ chồng này được các bác sĩ tiến hành nội soi cắt các khối polyp. Trong khi tất cả polyp của bà Sun được cắt bỏ thành công, ông Zhang lại gặp khó khăn khi chưa thể loại bỏ hoàn toàn các khối polyp.

Bác sĩ cho biết: "Cả hai đều bị ung thư đại trực tràng giai đoạn đầu nhưng đã phát hiện kịp thời". Điều này đồng nghĩa với việc thời gian sống của họ được kéo dài và chất lượng cuộc sống sau này sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.

Thủ phạm trong cách ăn tiết kiệm

Ung thư đại trực tràng không có tính lây nhiễm, nhưng môi trường sống và nếp sinh hoạt giống nhau có thể góp phần gây ra bệnh. Bác sĩ cho rằng thói quen ăn uống không lành mạnh có thể là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh của vợ chồng ông Zhang.

Họ thường tiết kiệm và không chú ý đến chế độ ăn uống, thường ăn đồ thừa từ các bữa trước.

Vợ chồng cùng bị ung thư vì cách ăn tiết kiệm thường gặp - 1

Gia đình này có thói quen để đồ ăn qua đêm (Ảnh minh họa: Getty).

"Nếu không ăn hết các món trong một bữa, họ sẽ cất đồ thừa vào tủ lạnh và tiếp tục dùng trong bữa thứ hai, có lúc ăn một món trong 3 ngày. Đôi khi họ trộn đồ cũ với rau tươi và xào lên để ăn", bác sĩ thông tin.

Theo chuyên gia, hàm lượng nitrite trong dưa chua và đồ ăn để qua đêm cao có thể kết hợp với các amin trong cơ thể tạo thành nitrosamine, một chất gây ung thư nguy hiểm.

Thay đổi lối sống lành mạnh với một chế độ ăn lành mạnh, giàu chất xơ, hạn chế ăn thịt đỏ, tăng cường vận động, không hút thuốc lá và hạn chế rượu bia... sẽ giúp làm giảm nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng.

Người dân cũng cần lên lịch kiểm tra sức khỏe và tầm soát ung thư định kỳ tùy theo độ tuổi và xem xét các nguy cơ mắc bệnh.

Đối với những người từ 45 tuổi trở lên, bác sĩ khuyến cáo nên thực hiện nội soi tiêu hóa ít nhất 1-2 năm/lần.

Với những người có nguy cơ cao mắc ung thư đại trực tràng như người có tiền sử gia đình mắc bệnh, người bị viêm đại tràng mãn tính... cần thực hiện nội soi tiêu hóa sớm hơn và thường xuyên hơn.

Ngoài ra, điều quan trọng là bạn không nên chủ quan với bất kỳ triệu chứng bất thường nào trong cơ thể và nên tìm đến các chuyên gia y tế để được kiểm tra và đánh giá nguyên nhân đằng sau.

Các triệu chứng cảnh báo ung thư đại trực tràng

Theo thống kê của Globocan, ung thư đại trực tràng là loại ung thư phổ biến thứ 3 trên thế giới với hơn 1,9 triệu ca mắc mới trong năm 2020. Tại Việt Nam, đây là loại ung thư phổ biến thứ 4 ở nam giới sau ung thư gan, phổi và dạ dày; phổ biến thứ 3 ở nữ giới sau ung thư vú và phổi.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ung thư đại trực tràng là loại ung thư phổ biến thứ ba trên toàn cầu. Nguy cơ mắc bệnh có thể giảm bớt bằng cách ăn uống lành mạnh, vận động thường xuyên, không hút thuốc lá và hạn chế uống rượu. Người trên 50 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Sự chủ quan của người bệnh là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến những hệ lụy khôn lường, thậm chí là tử vong. Trong trường hợp mắc ung thư đại trực tràng, nếu người bệnh chủ quan không đi khám sớm, khi bệnh đã ở giai đoạn muộn thì tỷ lệ sống sót còn khoảng 14% ở ung thư đại tràng và 17% ở ung thư trực tràng.

Việc phát hiện sớm và điều trị sớm là chìa khóa để chữa ung thư đại trực tràng. Tuy nhiên, các triệu chứng của bệnh này có thể dễ bị bỏ qua do tương tự với các bệnh khác.

Các triệu chứng bao gồm: Đau bụng âm ỉ, khó chịu hơn khi đại tiện; thay đổi thói quen đại tiện đột ngột, phân bất thường, có máu; sụt cân không rõ nguyên nhân, mệt mỏi; táo bón đột ngột ở người cao tuổi.