1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Vợ 6 năm uống thuốc, khổ cực đi "cầu con" rồi phát hiện chồng... vô sinh

Hoàng Lê

(Dân trí) - Tưởng bị vô sinh như chị ruột, người phụ nữ đi hàng loạt bệnh viện và uống thuốc đông y nhiều năm nhưng không có tác dụng. Mãi đến khi đi thụ tinh nhân tạo, chị mới biết vì sao không có con.

Chị L. (30 tuổi, quê Bình Phước) kết hôn vào năm 22 tuổi. Dù 2 năm quan hệ vợ chồng không dùng biện pháp tránh thai nhưng họ vẫn không có tin vui. Cùng thời điểm đó, chị gái của người vợ phát hiện vô sinh do bệnh lý lạc nội mạc tử cung, ứ dịch vòi trứng.

Lúc này, chị L. bị nhiều người suy diễn mình cũng vô sinh như chị gái, nên quyết định lên TPHCM khám. Kết quả cho thấy, mọi chức năng sinh sản của chị đều bình thường.

Nghe nói có một số trường hợp vô sinh không rõ nguyên nhân, người vợ trẻ lại nghĩ bản thân thuộc nhóm này. L. quyết định về nhà điều trị bằng thuốc đông y, với hy vọng sẽ có con tự nhiên.

Sau nhiều năm uống thuốc bắc, thuốc nam không thấy hiệu quả, chị Loan đi khám thêm ở 2 bệnh viện lớn, và kết quả vẫn bình thường như trước. Sợ tiếp tục trì hoãn sẽ lớn tuổi, sinh nở gặp nhiều khó khăn hơn, người vợ thuyết phục chồng đi làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

Tại một Trung tâm Hỗ trợ sinh sản trên địa bàn TPHCM, khi theo dõi các kết quả khám, xét nghiệm cũ của chị L., bác sĩ nghi ngờ nguyên nhân vô sinh không đến từ người vợ.

Vợ 6 năm uống thuốc, khổ cực đi cầu con rồi phát hiện chồng... vô sinh - 1

Kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ cho thấy chính người chồng mới bị vô sinh (Ảnh minh họa: BV).

Sau khi tư vấn, giải thích kỹ tình hình, người chồng được chỉ định xét nghiệm tinh dịch đồ. Kết quả khiến cả hai vợ chồng chị L. ngỡ ngàng, khi phát hiện không có tinh trùng trong tinh dịch. Trước đó, họ vẫn nghĩ vấn đề vô sinh xuất phát từ người vợ.

Chồng chị L. tiếp tục được phẫu thuật kiểm tra ống dẫn tinh và mào tinh, cho kết quả bị bất sản ống dẫn tinh bẩm sinh. Ngay trong cuộc mổ đó, kỹ thuật vi phẫu trích tinh trùng từ mào tinh (MESA) cũng được thực hiện.

Vì số lượng tinh trùng thu được sau cuộc mổ quá ít nên ekip điều trị tiến hành nối tiếp kỹ thuật micro-TESE để thu thêm tinh trùng. Sau đó, tất cả các mẫu tinh trùng được mang đi trữ lạnh, giúp bệnh nhân tránh được các cuộc mổ về sau và tăng tỷ lệ thành công khi thực hiện IVF.

Về phía người vợ, các bác sĩ thực hiện kích trứng chỉ một lần đã thành công thu được 16 trứng. Sau đó, chị L. được chuẩn bị nội mạc tử cung. Sau 2 lần chuyển phôi, chị thành công mang thai và hiện em bé trong bụng đã phát triển khỏe mạnh đến tuần thứ 22.

Vợ 6 năm uống thuốc, khổ cực đi cầu con rồi phát hiện chồng... vô sinh - 2

Bác sĩ thực hiện phẫu thuật trích tinh trùng cho một bệnh nhân (Ảnh: BV).

Chia sẻ với bác sĩ, thai phụ L. tâm sự, vì chị gái ruột không may bị hiếm muộn nên nhiều người đồn em cũng bị di truyền, chê cô "trứng lép", khiến bệnh nhân rất buồn và mặc cảm.

Thời gian dài, bản thân bệnh nhân cũng hoài nghi mình vô sinh, dù đi khám sức khỏe hoàn toàn bình thường. Đến khi người chồng được xác định vô sinh và khi chị mang thai thì những lời đàm tiếu mới chấm dứt.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Vũ Nhật Khang, người trực tiếp điều trị cho vợ chồng chị L. chia sẻ, bất sản ống dẫn tinh là dạng vô tinh bế tắc, dẫn đến vô sinh hiếm muộn ở nam giới. Ở những trường hợp này, người đàn ông khi quan hệ vợ chồng chỉ xuất ra dịch, không có tinh trùng, đồng thời ống dẫn tinh rất nhỏ.

Hiện nay, chưa có kỹ thuật nào sửa chữa được khiếm khuyết trên, nên nếu muốn có con, các cặp vợ chồng phải làm IVF.

Cũng theo bác sĩ Khang, nghiên cứu cho thấy có 40% trường hợp vô sinh hiếm muộn đến từ phụ nữ, 40% từ nam giới và 20% chưa rõ nguyên nhân. Ở trường hợp này, các kết quả thăm khám hầu như chỉ chú ý tới người vợ (vì có tiền sử người thân bị hiếm muộn), dẫn đến mất quá nhiều thời gian mới có con.

Do đó, bác sĩ khuyến cáo các cặp vợ chồng nếu nghi ngờ vô sinh nên khám toàn diện của cả vợ lẫn chồng, để xác định nguyên nhân chính xác và có phác đồ điều trị hiệu quả nhất.