TPHCM: Hàng chục quý ông vô sinh nhiễm vi khuẩn gây bệnh đường tình dục
(Dân trí) - Theo dõi những bệnh nhân nam điều trị vô sinh trong thời gian 2 năm, các bác sĩ một bệnh viện ở TPHCM phát hiện hàng chục trường hợp nhiễm vi khuẩn gây bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Mới đây, nhóm bác sĩ ở Bệnh viện Bình Dân (TPHCM) đã công bố khảo sát tỷ lệ nhiễm các tác nhân lây truyền qua đường tình dục của bệnh nhân vô sinh điều trị tại đây, trong khoảng thời gian 2 năm.
Theo đó, nghiên cứu được thực hiện trên bệnh nhân nam vô sinh, đến khám tại khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân, từ tháng 9/2020 đến tháng 10/2022. Các bệnh nhân được thực hiện xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục bằng phương pháp PCR và xét nghiệm tinh dịch đồ.
Kết quả, có 6 tác nhân lây truyền qua đường tình dục được ghi nhận trên tổng số 93 bệnh nhân (hầu hết từ 25-40 tuổi), bao gồm các vi khuẩn: G. vaginalis, U. parvum, U. urealyticum, C. trachomatis, M. hominis, N. gonorrhoeae (hay khuẩn lậu cầu). Cụ thể, hơn 47% bệnh nhân có xét nghiệm dương tính. Trong đó, tỷ lệ đồng nhiễm 1 và 2 tác nhân lần lượt là gần 25%%, hơn 19%. Có hơn 3% quý ông đồng nhiễm đến 3 tác nhân.
Nhóm bác sĩ cho biết, các tác nhân lây truyền qua đường tình dục (sexually transmitted infections - STI) ở nam giới gây tổn thương đường sinh dục, nhiễm trùng tinh dịch, viêm tiền liệt tuyến, viêm niệu đạo, viêm mào tinh và viêm tinh hoàn.
STI có khả năng bám dính vào tinh trùng, tế bào sinh tinh trùng, tế bào sertoli (tế bào sinh dưỡng trong ống sinh tinh) và gây tổn thương DNA tinh trùng. Do đó, STI được xem là một trong những yếu tố tiềm năng có ảnh hưởng tới vô sinh nam.
Trong 21 mẫu đồng nhiễm, tác nhân vi khuẩn G. vaginalis xuất hiện trong hầu hết các trường hợp với tỷ lệ hơn 95%. Trong đó, đồng nhiễm giữa G. vaginalis và nhóm vi khuẩn Ureaplasma chiếm tỷ lệ cao nhất (gần 81%).
Bác sĩ Đinh Nguyễn Tấn Hòa, người chịu trách nhiệm chính của nghiên cứu cùng cộng sự chia sẻ, G. vaginalis (GV) là một trong những vi khuẩn khu trú ở âm đạo người phụ nữ, có thể gây viêm âm đạo và dẫn đến vô sinh ở nữ. Sự lây nhiễm GV đường niệu sinh dục nam giới thường được cho là kết quả của việc tiếp xúc với bạn tình nữ. Tuy nhiên, GV cũng được ghi nhận ở nam giới có quan hệ đồng tính.
Trong một nghiên cứu của Fernando Tadeu Andrade-Rocha (năm 2007) khảo sát trên 108 bệnh nhân vô sinh nam, ghi nhận có 22,2% trường hợp nhiễm GV. Một nghiên cứu khác ghi nhận GV có mối liên hệ với việc tăng độ nhớt của tinh dịch, tỷ lệ đồng nhiễm của GV với một số vi khuẩn khác cũng được ghi nhận ở mức cao.
Còn nhóm Ureaplasma (bao gồm U. parvum - UP và U. urealyticum - UU) là các vi khuẩn hội sinh khu trú ở đường niệu nam và lây nhiễm vào tinh dịch trong quá trình xuất tinh. Những vi sinh vật này có khả năng gây nhiễm trùng niệu sinh dục và vô sinh nam.
Các chuyên gia cho rằng, nhóm vi khuẩn Ureaplasma bám trực tiếp vào tinh trùng làm khả năng giảm di động, tạo ra các sản phẩm độc hại làm hỏng màng tinh trùng và gây phân mảnh DNA tinh trùng, làm giảm khả năng xâm nhập của tinh trùng vào trứng… từ đó khiến nam giới có khả năng vô sinh.
"Mặc dù nhiều nghiên cứu đã chỉ ra tỷ lệ nhiễm UU ở nam giới vô sinh cao hơn so với nhóm khỏe mạnh, tuy nhiên vai trò và ảnh hưởng lên chất lượng tinh trùng nói riêng và các cơ chế vô sinh nói chung vẫn còn nhiều tranh cãi" - các bác sĩ nhận định.
Ngoài ra, nghiên cứu tại Bệnh viện Bình Dân cũng chưa xem xét các tiêu chí loại trừ cần thiết, như các triệu chứng nhiễm trùng đường niệu sinh dục, bất thường về cơ quan sinh sản và bất thường về nội tiết tố nam.