Việt Nam phải nhập khẩu hoàn toàn thuốc trị tay chân miệng làm từ máu người
(Dân trí) - Do điều chế trực tiếp từ máu người, loại thuốc điều trị tay chân miệng nhập khẩu hoàn toàn này chỉ được sử dụng khi có giấy chứng nhận do Viện Kiểm định Quốc gia Vaccine và Sinh phẩm y tế cấp.
Cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã chủ trì cuộc họp trực tuyến về công tác phòng chống tay chân miệng (TCM) với 20 tỉnh thành khu vực phía Nam.
Theo báo cáo của Viện Pasteur TPHCM, trong tuần 24, toàn miền Nam ghi nhận hơn 2.000 ca mắc TCM, tăng hơn 23% so với tuần trước đó. Đến nay, đã có tổng cộng hơn 11.000 ca mắc bệnh, 5 trường hợp tử vong xác định do EV71, 2 trường hợp tử vong chưa có kết quả xét nghiệm.
Dựa trên phân bố số ca bệnh, các tỉnh An Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Kiên Giang, Cần Thơ, TPHCM là những tỉnh thành có tỷ lệ ca nặng cao so với các tỉnh khác.
Nhập khẩu hoàn toàn loại thuốc làm từ máu người
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), Phó Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện cho biết, so sánh với các năm dịch trước đây, 6 tháng đầu năm 2023 số lượng bệnh nhân TCM nhập viện không nhiều (hơn 430 trẻ), nhưng tỷ lệ nặng so với tổng số bệnh tăng gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, bác sĩ Hùng cho biết, từ sau dịch Covid-19, nguồn cung thuốc Gamma Globulin (hay Immunoglobulin) điều trị TCM trên toàn cầu không có, gây khó khăn trong việc nhập khẩu. Nếu sử dụng liên tục khi tình hình dịch tăng đột biến, chỉ vài tuần là nơi này cạn kiệt Gamma Globulin.
Theo Sở Y tế TPHCM, Enterovirus 71 (EV71) xuất hiện trở lại tại nhiều tỉnh, thành phía Nam, với nhiều trường hợp trẻ em mắc bệnh TCM nặng cần chỉ định Immunoglobulin tiêm tĩnh mạch (IVIG).
Trong khi đó, nhiều địa phương không chủ động được nguồn thuốc IVIG. Đây là thách thức không nhỏ đối với hệ thống y tế Việt Nam.
Cụ thể, IVIG là một trong những thuốc điều trị hỗ trợ hiệu quả những trường hợp TCM nặng, giảm tỷ lệ chuyển độ và biến chứng nặng của bệnh ở trẻ em.
IVIG được tổng hợp từ người hiến máu khỏe mạnh, chứa các kháng thể trung hòa chống lại các enterovirus khác nhau.
IVIG tạo miễn dịch thụ động, nhờ tác dụng làm tăng kháng thể và tăng khả năng phản ứng kháng thể - kháng nguyên.
Khác với các loại thuốc khác, IVIG được điều chế trực tiếp từ huyết tương người, nên việc sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung cấp huyết tương thông qua hiến máu.
Do đó, việc tăng đột biến nhu cầu về số lượng thuốc sẽ gây khó khăn về cung ứng hơn so với các loại thuốc khác.
Tại Việt Nam, đến nay chế phẩm IVIG chưa được sản xuất trong nước mà phải nhập khẩu hoàn toàn từ nước ngoài. Trong 2 năm qua, nguồn cung ứng huyết tương trên toàn cầu bị sụt giảm nghiêm trọng, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Cần nghiên cứu tự sản xuất IVIG
Cũng vì điều chế trực tiếp từ huyết tương người, IVIG chỉ được phép đưa ra lưu hành, sử dụng sau khi có giấy chứng nhận chất lượng do Viện Kiểm định Quốc gia Vaccine và Sinh phẩm y tế cấp, xác nhận lô sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, bảo đảm an toàn, hiệu quả.
Ngày 23/6 vừa qua, cơ quan chức năng đã cấp giấy chứng nhận xuất xưởng cho 6.000 lọ thuốc IVIG do một công ty dược trong nước nhập khẩu. Các bệnh viện chuyên khoa Nhi của TPHCM đang khẩn trương thực hiện các thủ tục để mua sắm lô thuốc trên, để không bị gián đoạn nguồn cung ứng cho công tác điều trị.
Sở Y tế TPHCM nhận định, TCM là dịch bệnh lưu hành và sẽ còn tiếp tục diễn biến trong nhiều năm tới, do đó cần sớm có những giải pháp căn cơ và chủ động hơn về cung ứng thuốc IVIG cho công tác phòng chống dịch.
Cụ thể, Bộ Y tế có thể triển khai mua sắm tập trung các thuốc hiếm nói chung, đảm bảo cung ứng thuốc cho nhóm bệnh dịch bệnh lưu hành (như sốt xuất huyết, TCM) và một số bệnh nguy hiểm, ít gặp khác.
Với TPHCM, địa phương cần có chính sách khuyến khích và thu hút các doanh nghiệp Dược trong nước nghiên cứu sản xuất IVIG từ nguồn cung ứng huyết tương sẵn có tại chỗ thông qua hoạt động hiến máu thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn thuốc nhập khẩu.
Điều này cũng phù hợp với định hướng phát triển nền công nghiệp Dược tại TPHCM trong thời gian tới.
Theo Viện Pasteur TPHCM, bệnh TCM chưa có biện pháp điều trị và phòng chống đặc hiệu. Bệnh tập trung ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi (đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi), thường lây nhanh qua đường tiêu hóa.
Có đến 80% người lớn mắc TCM không có biểu hiện lâm sàng, lây cho con, cháu. Mặt khác, mật độ dân số cao, sống chật chội, điều kiện vệ sinh kém, thiếu nước sạch phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày, tạo điều kiện cho bệnh lây lan.
Ngoài ra, khí hậu nóng ẩm của miền Nam, bối cảnh giao lưu đi lại dễ dàng, biến động dân số mạnh trong điều kiện mầm bệnh luôn có sẵn, khiến bệnh TCM dễ dàng lây lan.
Hiện nay, bệnh TCM chưa có vaccine. Cách phòng bệnh hiệu quả và đơn giản là đảm bảo 3 sạch, bao gồm "ăn uống sạch", "ở sạch", "bàn tay và đồ chơi sạch" cho cả trẻ em, người lớn và người chăm sóc trẻ.