7 ca tay chân miệng tử vong, thiếu thuốc: Cảnh giác "người lành mang trùng"
(Dân trí) - Trong số 7 ca tử vong vì tay chân miệng tại khu vực phía Nam, có 5 trường hợp xác định do EV71. An Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Kiên Giang, Cần Thơ, TPHCM là những tỉnh thành có tỷ lệ ca nặng cao.
Sáng 23/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã chủ trì cuộc họp trực tuyến về công tác phòng chống sốt xuất huyết và tay chân miệng với 20 tỉnh thành khu vực phía Nam.
7 ca tử vong, có tình trạng "quên bài"
Tiến sĩ Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng, Viện Pasteur TPHCM cho biết, trong tuần 24, toàn miền Nam ghi nhận hơn 2.000 ca mắc tay chân miệng, tăng hơn 23% so với tuần trước đó. Có 5 trường hợp tử vong xác định do EV71, 2 trường hợp tử vong chưa có kết quả xét nghiệm.
Dựa trên phân bố số ca bệnh, các tỉnh An Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Kiên Giang, Cần Thơ, TPHCM là những tỉnh thành có tỷ lệ ca nặng cao so với các tỉnh khác.
Theo đại diện Viện Pasteur TPHCM, nhiều bệnh viện còn chưa phân độ rõ ràng để báo cáo dịch tay chân miệng, ảnh hưởng đến việc đánh giá tình hình và xu hướng của dịch bệnh
Ngoài ra, không có nhiều mẫu xét nghiệm được ghi nhận, có thể do sau đại dịch Covid-19, nhiều cơ sở điều trị đã "quên bài", nên việc gửi mẫu gặp khó khăn.
Các cơ sở y tế tư nhân khi tiếp nhận bệnh tay chân miệng cũng có tình trạng lờ đi những chẩn đoán đầy đủ để phát hiện sớm, phòng ngừa biến chứng và tử vong cho trẻ.
Tiến sĩ Thượng cảnh báo, nếu trẻ mắc tay chân miệng trong mùa hè thì khi đi học sẽ tạo nguy cơ lây lan cao. Một vấn đề khác là việc 50-80% người lớn nhiễm virus gây bệnh tay chân miệng không triệu chứng (người lành mang trùng), có thể lây cho trẻ em mà không hề biết.
Về dịch sốt xuất huyết, đến tuần 23 toàn phía Nam có hơn 25.000 trường hợp, giảm 39% so với cùng kỳ năm 2022, độ nặng cũng giảm. Tuy nhiên, tỷ lệ ca nặng/ca mắc là 3,5%, vẫn khá cao.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đồng Tháp cho biết, từ đầu năm đến nay, tỉnh có 902 ca tay chân miệng, 68% là trẻ dưới 3 tuổi. Một trường hợp ở huyện Hồng Ngự tử vong.
Tại Đồng Nai, đến nay có gần 1.700 bệnh nhân mắc tay chân miệng, giảm hơn 56% so với cùng kỳ 2022. Tuy nhiên từ đầu tháng 3, số ca tay chân miệng có xu hướng tăng, và tăng cao từ tuần 22. Có 106 ổ dịch đã được phát hiện.
Về sốt xuất huyết, toàn tỉnh đã có 4 ca tử vong vì sốt xuất huyết, trong đó 3 trường hợp có bệnh nền nặng.
Bác sĩ Võ Huy Danh, Phó Giám đốc CDC An Giang báo cáo, khoảng 1 tháng nay số ca mắc tay chân miệng tăng cao, vượt ngưỡng dự báo. Tổng cộng từ đầu năm, tỉnh phát hiện 600 ca mắc tay chân miệng. Mới đây, có 1 bệnh nhi tay chân miệng chuyển từ Đồng Tháp qua An Giang tử vong.
Sắp có vaccine tay chân miệng
Lãnh đạo CDC An Giang phản ánh với Bộ Y tế việc khó khăn trong công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, hóa chất chống các dịch bệnh. Vừa qua, Viện Pasteur TPHCM đã hỗ trợ An Giang 140kg Cloramin B khử khuẩn. Trong thời gian chờ mua sắm xong, tỉnh mong Viện tiếp tục hỗ trợ.
Liên quan đến vấn đề thuốc điều trị tay chân miệng, ông Nguyễn Thành Lâm, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý Dược cho biết, Bộ Y tế đã mua sắm 6.000 lọ thuốc Globulin miễn dịch, dự kiến đến 25/6 sẽ hoàn thành các thủ tục để đưa vào sử dụng.
Về Phenobarbital, Bộ Y tế đã phê duyệt cho Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương CPC1 nhập khẩu. Ngoài ra, còn có một công ty trong nước tham gia sản xuất.
Sau khi nghe báo cáo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nhận định, so với năm 2022, các tỉnh đã chủ động hơn về công tác nhân lực, chuẩn bị kinh phí chống dịch.
Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các tỉnh thành khẩn trương xây dựng kế hoạch phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2023, trong đó đảm bảo "4 tại chỗ". Khi đã có kế hoạch, cần tham mưu cho UBND tỉnh cấp kinh phí để tiến hành tổ chức phòng dịch chủ động.
Kế đến, Thứ trưởng lưu ý vấn đề thu dung, điều trị. Bà phân tích, người dân khi mắc bệnh thường có xu hướng vào phòng khám tư nhân, cơ sở y tế nhỏ lẻ điều trị. Do đó, cần giám sát chặt chẽ các cơ sở này, tránh việc phát hiện trễ, lây nhiễm chéo.
Sở Y tế phải phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Sở Thông tin - Truyền thông, để người dân biết các dấu hiệu và phát hiện sớm bệnh, đưa trẻ đi bệnh viện kịp thời. Ngoài ra, cũng cần truyền thông trong cộng đồng, vì có những người lớn là "người lành mang trùng" có thể lây cho trẻ.
Hiện nay, chương trình mục tiêu quốc gia đã hết, các chi phí phòng chống dịch đã được chuyển về cho địa phương lo liệu. Bộ Y tế đề nghị các tỉnh phải chủ động, dự trù và đề xuất số lượng thuốc, sinh phẩm, hóa chất, trang thiết bị điều trị.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị các tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác vệ sinh môi trường, hướng dẫn người dân diệt bọ gậy, lăng quăng, vệ sinh thân thể, đảm bảo ăn chín uống sôi… Đây là nội dung căn cơ nhất để dịch bệnh được đẩy lùi.
"Hiện nay, đã có các công ty sản xuất vaccine phòng tay chân miệng đã gửi hồ sơ đến Bộ Y tế. Hy vọng từ giờ đến cuối năm, các vaccine này được cấp phép, để chúng ta triển khai công tác phòng chống dịch tốt hơn" - Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương bày tỏ.
Thiếu thuốc Phenobarbital kéo dài là điều đáng buồn
Ông Nguyễn Thành Lâm, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý Dược chia sẻ, dịch là tình trạng rất đặc thù, không thể lường trước được khi nào xảy ra, sử dụng số lượng thuốc bao nhiêu.
Từ tháng 12/2022, Bộ Y tế đã có văn bản gửi cho các Sở Y tế để dự trù nhu cầu thuốc điều trị tay chân miệng.
Theo ông Lâm, trước dịch Covid-19, Việt Nam có 13 số đăng ký thuốc Gamma Globulin. Chất này chiết xuất chủ yếu từ máu người. Nếu muốn sử dụng cần phải đăng ký trước để các đơn vị sản xuất.
Lãnh đạo Cục Quản lý Dược cho biết, cần phải có phương án dự trữ các thuốc hiếm. Sắp tới đây, sẽ có cơ chế luật để chủ động trong việc sử dụng, điều phối, luân chuyển, kể cả tiêu hủy thuốc, nếu dùng không hết.
Phó Giáo sư Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, từ sau dịch Covid-19, tình hình nguồn cung Gamma Globulin trên toàn cầu không có, gây khó khăn trong việc nhập khẩu. Nếu sử dụng liên tục khi tình hình dịch tay chân miệng phức tạp, chỉ vài tuần là cạn kiệt.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi đồng 1 nhận định, thuốc Phenobarbital đã hết từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được là điều đáng buồn.
Nếu không được dùng Phenobarbital, trẻ mắc tay chân miệng có nguy cơ biến chứng nặng, thở máy kéo dài, thậm chí lâm vào sốc. Nếu thay thế bằng thuốc uống thì hiệu quả không nhiều và tiềm ẩn việc xảy ra phản ứng phụ.