Việt Nam: Gần 50% người trưởng thành có nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch

(Dân trí) - GS.TS. Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam cho biết, tại nước ta tỉ lệ người mắc bệnh lý tim mạch ngày càng tăng cao. Hiện cứ 4 người lớn thì có ít nhất 1 – 2 người đã mang nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Tổ chức Y tế thế giới ước tính, hàng năm có đến 17,5 triệu người tử vong do các bệnh liên quan đến tim mạch và số bệnh nhân tích lũy ngày một nhiều.

Đáng nói, trong khi tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch ở các nước đã phát triển ngày càng giảm thì tỷ lệ tử vong do bệnh lý này lại gia tăng ở các nước phát triển, trong đó có ở Việt Nam.


GS.TS Nguyễn Lân Việt khuyến cáo người dân có lối sống lành mạnh để phòng bệnh tim mạch. Ảnh: H.Hải

GS.TS Nguyễn Lân Việt khuyến cáo người dân có lối sống lành mạnh để phòng bệnh tim mạch. Ảnh: H.Hải

GS Việt bày tỏ lo ngại khi tại Việt Nam, tỷ lệ tăng huyết áp ở mức báo động. Năm 2000 Việt Nam chỉ có có khoảng 16,3% người lớn bị tăng huyết áp thì năm 2009 con số này đã tăng lên 25,4% và năm 2016 tỷ lệ này ở mức báo động là 46%.

Một điều tra khác của Viện tim mạch tại 8 tỉnh thành, năm 2008 có 25.1% tăng huyếp áp ở người trưởng thành thì nay đã ở mức 40%.

Tuy nhiên, bệnh lý tim mạch có thể chủ động phòng ngừa tích cực. GS Việt lấy dẫn chứng về việc phòng ngừa tích cực bệnh tim mạch ở các nước pháp triển. “Với người bệnh cao huyết áp, chỉ cần giảm được 5 mmHg huyết áp tâm thu có thể giảm được 14% tử vong do đột quỵ, giảm 9% tử vong do bệnh động mạch vành chưa kể các lợi ích tới thận, suy tim và lợi ích tích lũy khác cộng dồn.

Có những biện pháp tưởng như đơn giản nhưng làm giảm đáng kể các nguy cơ tim mạch, ví dụ, tập thể dục đều hàng ngày làm giảm 4,9 mmHg huyết áp tâm thu; giảm lượng muối ăn (tính theo natri ăn vào) dưới 1800 mg/ngày giúp làm giảm khoảng 5,1 mmHg huyết áp tâm thu ở bệnh nhân tăng huyết áp…”, GS Việt dẫn chứng.

Hơn nữa, ngày nay nhiều tiến bộ khoa học trong chẩn đoán và điều trị bệnh tim mạch giúp giảm đáng kể tỷ lệ tử vong và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Vì thế, GS Việt khuyến cáo, tốt nhất là mọi người duy trì thể dục đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày, chế độ ăn uống khoa học để phòng ngừa tim mạch. Còn khi bị bệnh, thì ngày nay những tiến bộ khoa học, y học giúp can thiệp hiệu quả, đa số bệnh nhân tim mạch được cứu sống và cải thiện chất lượng cuộc sống.

“Có thể khẳng định, đến nay hầu như tất cả các kỹ thuật tiên tiến nhất trong chẩn đoán điều trị tim mạch thế giới làm được, Việt Nam đều làm được. Hiện tại Việt Nam hiện có 50 trung tâm tim mạch trong cả nước có thể can thiệp những ca nhồi máu cơ tim cấp không quá phức tạp, chỉ những ca khó mới chuyển lên tuyến Trung ương. Tuy nhiên, những tiến bộ kỹ thuật ngày càng phát triển, vì vậy, việc làm sao để tiếp cận và ứng dụng hiệu quả các tiến bộ này”, GS Việt nói.

Theo GS Việt, đại hội Tim mạch Toàn quốc lần thứ 15 là một cơ hội vô cùng quý báu nhằm liên tục trao đổi về trình độ giữa các bác sĩ tim mạch các tuyến, với bác sĩ tim mạch thế giới, hướng tới chủ đề “Tim mạch học trong kỷ nguyên mới – Thu hẹp mọi khoảng cách”.

Theo đó nỗ lực tiến tới xóa bỏ mọi khoảng cách về kiến thức, trình độ giữa trong nước và quốc tế, giữa các tuyến trong nước và cũng là xóa bỏ khoảng cách về cơ hội được chăm sóc và điều trị các bệnh tim mạch trong cộng đồng.

Đại hội có sự tham gia của 3000 đại biểu và hơn 300 báo cáo viên là các Giáo sư, Tiến sỹ, Bác sỹ đầu ngành trong lĩnh vực Tim mạch học trong nước và hơn 40 các Giáo sư/TS/BS đầu ngành tim mạch đến từ nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới.

Trong dịp này, các bác sĩ tham gia hội nghị được cung cấp 6 khuyến cáo mới nhất về xử lý các vấn đề tim mạch thường gặp.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm