1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Viện phí gần kịch trần tại các tỉnh là đúng luật!

(Dân trí) - Trước thông tin nhiều tỉnh nghèo đề xuất viện phí cao chiếm tới 90-95% khung giá dịch vụ mà Bộ Y tế ban hành, ông Nguyễn Nam Liên, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính khẳng định, các bệnh viện đúng luật.

Chỉ bằng 60 - 70% mức thu bệnh viện hạng đặc biệt

Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, từ tháng 1/8, sẽ có 10 tỉnh, thành phố áp dụng giá viện phí mới, trong đó có 3 địa phương có mức thu nhập, khả năng cung cấp và chất lượng dịch vụ y tế không cao, thậm chí thấp nhưng sẽ áp dụng giá viện phí “ngất ngưởng” là: Khánh Hòa (giá viện phí tương đương 95% khung giá tối đa), Đồng Tháp và Ninh Thuận (tương đương 93% khung)…

Mức thu gần kịch trần tại bệnh viện địa phương là đúng luật!

Các bệnh viện địa phương dù thu bằng trần ban hành cũng chỉ bằng 70 - 75% giá viện phí tại các bệnh viện tuyến trên. Ảnh: H.Hải

“Các cơ sở y tế tại thành phố trực thuộc trung ương xây dựng mức giá viện phí rất hợp lý, chỉ tương đương 75% khung giá tối đa mà liên bộ Y tế và Tài chính quy định. Ví dụ, mức giá chung tại các bệnh viện ở Hà Nội chỉ khoảng 73% khung, nhưng các tỉnh khu vực Trung du và miền núi phía Bắc lại đề xuất mức giá viện phí tương đương 85% khung. Đặc biệt, ngay giữa các địa phương trong cùng một vùng kinh tế cũng có sự dao động khá lớn về giá viện phí”, ông Sơn chia sẻ.

Theo thống kê, mức tăng viện phí chung so với khung giá quy định ở khu vực Tây Nguyên là khoảng 81%, trong đó tỉnh Đắc Lắc đề xuất mức viện phí tương đương 100% khung, tỉnh Gia Lai và Lâm Đồng khoảng 80% khung còn tỉnh Đắc Nông là 72% khung.

Tại các tỉnh duyên hải miền Trung, mức giá viện phí bình quân so với khung là 86%, trong đó, tỉnh Quảng Ngãi đề xuất giá viện phí tương đương 67% khung, tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình là 74% khung, riêng tỉnh Khánh Hòa lên tới 95% khung.

Tại khu vực đồng bằng sông Hồng, mức tăng viện phí chung khoảng 71% so với khung, trong đó tỉnh Hải Dương đề xuất mức cao nhất cũng chỉ tới 77% khung, còn thấp nhất là Ninh Bình với mức giá tương đương 65% khung.

Theo ông Sơn, việc các tỉnh nghèo ở miền núi muốn nâng mức dịch vụ y tế lên cao là để tăng nguồn thu cho bệnh viện hoặc tận dụng hết nguồn quỹ BHYT tại địa phương. BHXH VN cũng “đau đầu” với việc nhiều tỉnh, thành phố áp dụng “chiêu” tăng viện phí tối đa cho những dịch vụ có tần suất sử dụng cao (như tiền khám bệnh, ngày giường điều trị, các dịch vụ xét nghiệm cận lâm sàng thông thường…), còn những dịch vụ y tế mà người bệnh ít sử dụng lại áp mức tăng rất thấp, dễ “đánh lừa” là có tổng mức tăng viện phí chung không cao. Ví dụ mức tăng viện phí chung ở tỉnh Hải Dương chỉ tương đương 77% so với khung giá tối đa nhưng giá khám bệnh lại tương đương 100% khung, ngày giường bằng 99% khung…

Tuy nhiên, ông Nguyễn Nam Liên, Phó Vụ trưởng Vụ kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), khẳng định: “Mức thu này tại các bệnh viện địa phương là không cao, Vì dù họ có thu mức 100% thì vẫn chỉ bằng khoảng 70% của các bệnh viện đặc biệt, bệnh viện hạng 1. Bởi giá khung mà Bộ Y tế ban hành được quy định rõ mức khung riêng cho BV hạng đặc biệt, bệnh viện hạng hai và bệnh viện tuyến tỉnh, huyện chứ không phải là một khung giá cào bằng cho tất cả các tuyến bệnh viện”.

“Thực tế, giá viện phí mới được xây dựng từ năm 2011, lấy giá đầu thầu từ năm 2010, các BV áp theo định mức giá này cũng đã lạc hậu. Hơn nửa ở các tỉnh nghèo, giá không phải cao hay thấp mà tùy thuộc vào cơ cấu giá. Mức giá chúng tôi tính rất chi tiết, bệnh viện không thu vượt mức là đúng luật và cũng không phải có lãi”.

Thêm quyền lợi cho người bệnh

Theo ông Nam Liên, trước đây, khi giá dịch vụ chưa được điều chỉnh, một số dịch vụ dù có khả năng làm nhưng bệnh viện không triển khai bởi lỗ. Ví như chi phí vật tư hóa chất cho một xét nghiệm hết khoảng 2 triệu nhưng thực tế được thu chỉ ở mức 1,5 triệu, BV lỗ nên không làm dịch vụ này này nữa, nay điều chỉnh lên đủ, người bệnh được hưởng lợi ngay tại địa phương.

Mức thu gần kịch trần tại bệnh viện địa phương là đúng luật!

Ông Liên khẳng định, dù việc tăng viện phí có tác động ít nhiều đến người bệnh, nhưng chính họ cũng được hưởng lợi nhiều khi nhiều dịch vụ y tế được thanh toán trọn gói, người bệnh không phải bỏ thêm tiền mua vật tư. Ảnh: H.Hải

Ví dụ như với dịch vụ thông tiểu, nay giá tối đa thu là 145 ngàn nhưng người bệnh không bị thiệt bởi trước đây, mức giá cũ chưa bao gồm cả xông, người bệnh thực hiện thủ thuật này phải tự mua xông, nay sẽ không phải mua mà được BHYT thanh toán.

Riêng các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, đến nay đã có 22/38 cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế gửi khung đề xuất giá về Bộ. Trong đó, các bệnh viện hạng đặc biệt đề xuất 90 - 95% khung giá, bệnh viện hạng 2 đề xuất 90% khung giá. BV Hạng đặc biệt đề xuất 90-95%. 5 bệnh viện đã được Bộ Y tế kí thông qua giá viện phí mới gồm BV Việt Đức, BV Bạch Mai, Bệnh viện K, Viện Huyết học Truyền máu T.Ư và bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển - Uông Bí.

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt Đức, cho biết, bệnh viện áp dụng giá viện phí mới cho 180 dịch vụ từ hôm 16/7. “Nhưng chưa thể gọi là tăng viện phí mà chỉ là điều chỉnh một phần viện phí, tạo điều kiện cho BV nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phục vụ bệnh nhân tốt hơn. Tuy vậy, đợt điều chỉnh này cũng chỉ đáp ứng được một phần những nhu cầu thiết yếu của bệnh viện. BV Việt Đức có hơn 1.100 giường, mà phòng nào cũng chạy điều hòa, nếu chỉ có giá 18.000đ/ giường bệnh như cũ thì không thể đáp ứng được”, ông Quyết nói.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Hường, Trưởng phòng Tài chính kế toán BV Việt Đức, trong số hơn 300 dịch vụ còn lại chưa tăng mà BV đang thực hiện chủ yếu là các phẫu thuật, chi phí lớn. Vì thế, đợt điều chỉnh viện phí này, tỷ trọng thay đổi không nhiều, trong khi đó, bệnh nhân được hưởng nhiều lợi ích. Bà Hường ví dụ: dịch vụ nắn bó bột trước đây chỉ quy định bó bột cán, chất lượng không tốt nên bệnh nhân thường thỏa thuận với bệnh viện mua bột liền để bó và tự bỏ tiền túi ra trang trải. Còn hiện nay, trong giá viện phí mới đã đưa bột liền vào dịch vụ nắn bó bột, bảo hiểm y tế sẽ chi trả từ 80-95%, vì thế, bệnh nhân sẽ mất ít tiền hơn.

Ông Nam Liên cho biết, trong quý ba năm nay, hầu hết các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế sẽ đưa viện phí mới vào áp dụng và dự kiến sau khi thực hiện 6 tháng, Bộ Y tế sẽ tiến hành kiểm tra việc thực hiện xem mức giá có phù hợp với thực tế khám chữa bệnh.

Hồng Hải