1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Tăng viện phí và câu chuyện quản lý tinh gọn

Có nhiều xu hướng khác nhau về câu chuyện nóng bỏng hiện nay – điều chỉnh viện phí. TS.BS Tăng Chí Thượng, giám đốc bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, tiếp cận câu chuyện này ở góc độ khá mới mẻ: quản lý tinh gọn - lean management.

Tăng viện phí và câu chuyện quản lý tinh gọn
Lãng phí trong bệnh viện còn là thời gian làm thủ tục đăng ký khám bệnh, chờ khám, chờ xét nghiệm, chờ mua hay nhận cấp phát thuốc, đóng viện phí, chờ thủ tục... của bệnh nhân quá lâu.
Có ý kiến theo xu hướng ủng hộ, cho rằng điều này là cần thiết để cải thiện chất lượng khám chữa bệnh; nhưng cũng có xu hướng cho rằng cần tăng hiệu quả hoạt động khám chữa bệnh hiện nay, giảm lãng phí trước khi tính đến chuyện tăng phí.

 

Còn TS. BS Tăng Chí Thượng lại nhìn nhận: “Khái niệm “quản lý tinh gọn” được các nhà quản lý hãng sản xuất xe hơi Toyota đưa ra vào cuối những năm 40 và phát triển đến giữa những năm 70 của thế kỷ 20, để giảm các lãng phí không cần thiết trong quá trình sản xuất nhằm bảo đảm cho việc góp phần làm tăng giá trị sản phẩm phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Theo nguyên lý này, các nhà lãnh đạo Toyota đã nhận diện bảy dạng lãng phí phổ biến trong quá trình sản xuất, đó là sản xuất quá mức (số lượng sản phẩm vượt cầu); thời gian chờ giữa các bước của quy trình sản xuất không hợp lý; vận chuyển sản phẩm giữa các quy trình trong dây chuyền sản xuất không phù hợp; thiết kế quy trình không hợp lý; hàng tồn kho không cần thiết; di chuyển thừa và không cần thiết; sai sót trong chất lượng sản phẩm”.

  

Có bằng chứng cho thấy việc quản lý tinh gọn này mang lại hiệu quả không, thưa ông?

 

Có chứ! Qua tổng hợp kết quả lượng giá từ nhiều công ty tại Mỹ sau năm năm áp dụng các biện pháp quản lý tinh gọn, người ta thấy năng suất lao động cải thiện khoảng 45 –75%, chi phí sản phẩm giảm 25 – 55%, quy trình sản xuất cải thiện theo hướng tăng 60 – 90%, giảm sản phẩm hư hao 50 – 90%, hàng hóa tồn kho giảm 60 – 90%, diện tích cần cho sản xuất giảm 35 – 50% và thời gian sản xuất giảm 50 – 90%.

 

Những con số rất ấn tượng nhưng áp dụng cho hoạt động của bệnh viện được không, thưa ông, vì hai lĩnh vực này... chẳng ăn nhập gì với nhau?

 

Thoạt nhìn, đúng là hai lĩnh vực ấy hoàn toàn khác nhau, nhưng nếu biết rằng sự lãng phí trong khám chữa bệnh là rất lớn thì mới thấy việc áp dụng nguyên lý quản lý tinh gọn cần phải được đặt ra. Theo viện Cải tiến y tế Hoa Kỳ (Institute for Healthcare Improvement: IHI) có đến 30 – 40% chi phí y tế thuộc nhóm chi phí lãng phí, còn nếu trực tiếp quan sát thì con số này có thể lên đến 60%. Các lãng phí làm tăng chi phí y tế này bao gồm lãng phí thời gian, tiền bạc, nguồn lực và thậm chí các sai sót y khoa cũng góp phần làm gia tăng chi phí điều trị. Mặc dù không hoàn toàn giống với nhà máy sản xuất nhưng việc vận dụng nguyên lý quản lý tinh gọn vào quản lý bệnh viện là hoàn toàn phù hợp. Nếu vận dụng tốt nguyên lý này, theo IHI, các cơ sở y tế có thể cải tiến các quy trình, giảm chi phí, tăng sự hài lòng của người bệnh, nhân viên và các đối tác.

 

Là nhà quản lý bệnh viện nhiều năm nay, ông có thể đưa ra những dạng lãng phí thường gặp nhất trong hoạt động của bệnh viện?

 

Chỉ cần theo chân bệnh nhân từ lúc vào đến khi bước ra khỏi bệnh viện là người ta có thể nhận diện được sự lãng phí ở bất kỳ khâu nào. Trong điều trị, đó là tình trạng kê đơn không hợp lý của bác sĩ tại phòng khám, chỉ định điều trị không phù hợp, chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng không cần thiết, bệnh nhân nhập viện không cần thiết, thời gian nằm viện kéo dài, tai biến điều trị.

 

Lãng phí trong bệnh viện còn là thời gian làm thủ tục đăng ký khám bệnh, chờ khám, chờ xét nghiệm, chờ mua hay nhận cấp phát thuốc, đóng viện phí, chờ thủ tục... của bệnh nhân quá lâu.

 

Thậm chí lãng phí bệnh viện còn được bắt gặp trong thủ tục hành chánh của nhân viên bệnh viện khi họ phải làm việc kiểu thủ công, lặp đi lặp lại nhiều khâu không cần thiết. Tất cả những lãng phí này có thể dẫn đến thiệt hại cho bệnh nhân lẫn bệnh viện.

 

Một khi nhận diện được các lãng phí này thì đâu là giải pháp sửa chữa?

 

Hãy lấy thí dụ về cải tiến thời gian chờ của người bệnh tại khoa khám bệnh. Đây là điều mà bệnh nhân than phiền rất nhiều, đặc biệt là bệnh nhân ở các bệnh viện quá tải. Để giải quyết điều này, theo tôi, bệnh viện cần thiết kế quy trình hợp lý từ lúc bệnh nhân đăng ký khám đến lúc kết thúc. Nên tiếp cận khái niệm một điểm dừng (one stop) để bệnh nhân không phải đi lại nhiều lần giữa các khâu của qui trình khám bệnh. Ví dụ: thay vì phải di chuyển từ phòng khám đến phòng xét nghiệm và ngược lại, bệnh nhân sẽ được lấy máu tại chỗ, sau đó các mẫu máu được chuyển đến phòng xét nghiệm, kết quả xét nghiệm được trả về phòng khám qua hệ thống mạng vi tính.

 

Với những gì ông đề cập, quả thật ở các bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện công lập, tình trạng lãng phí còn khá phổ biến. Vậy ông ủng hộ quan điểm điều chỉnh viện phí để cải thiện chất lượng bệnh viện hay quan điểm giải quyết các lãng phí trong bệnh viện nhằm giảm thiệt hại cho bệnh nhân trước khi tính chuyện tăng viện phí?

 

Theo tôi, cần tiến hành song song cả hai bước: điều chỉnh viện phí và rà soát những lãng phí trong hoạt động khám chữa bệnh để giảm lãng phí đến mức thấp nhất. Sở dĩ phải điều chỉnh viện phí vì chúng ta đều biết giá viện phí trước đây đã quá lạc hậu và không còn phù hợp với tình hình vật giá hiện nay. Dĩ nhiên, điều chỉnh đến mức nào và theo một lộ trình như thế nào thì phải cân nhắc sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của địa phương và người dân. Mặt khác, cũng phải tăng hiệu quả hoạt động khám chữa bệnh bằng cách loại bỏ những lãng phí, bởi nếu không, chúng sẽ tạo thêm gánh nặng cho người dân vốn đang chịu nhiều sức ép về giá cả trong cuộc sống. Để có thể đạt kết quả mong muốn, ngoài quyết tâm của lãnh đạo bệnh viện, yếu tố quan trọng khác là ý thức trách nhiệm và sự tham gia trực tiếp của mỗi nhân viên bệnh viện.

 

Theo Phan Sơn

Sài Gòn tiếp thị