1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bộ trưởng Vũ Đức Đam: “Cần chỉnh mức tăng viện phí cho phù hợp”

(Dân trí) - “Với mức viện phí mới tăng, việc chăm sóc sức khỏe người dân vẫn còn khoảng cách lớn so với các nước phát triển. Tuy nhiên, có những mục chưa hợp lý cần phải xử lý, điều hình lại cho phù hợp”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam trả lời câu hỏi người dân gửi tới.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam phân trần lý do tăng viện phí trong chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” cuối tuần qua. Ông Đam nhận câu hỏi từ một nhóm cán bộ hưu trí: “Người dân đang sống trong một môi trường tăng giá. Trong 1 ngày 1/8, sáng tăng giá gas, chiều tăng giá xăng. Ốm đau thì viện phí tăng, khám chữa bệnh thì giá thuốc men tăng. Viện phí vừa qua, vì tại sao lại tăng cao như vậy?”.

Bộ trưởng Đam phân trần, năm 2006 Chính phủ đã từng một lần quyết định điều chỉnh viện phí nhưng cơ bản, đến nay, viện phí vẫn theo mức của năm 1999. Mức viện phí này không đủ chi phí cho người bệnh.

Viện phí thấp là nguyên nhân dẫn đến nhiều bất cập khi điều trị cho bệnh nhân, trong đó có chất lượng của các bệnh viện. Chính phủ dựa vào yêu cầu thực tiễn của ngành y tế nên đã cho điều chỉnh giá viện phí theo khung. HĐND các tỉnh căn cứ vào khung này để quyết định việc tăng ở địa phương mình.
 
Nhóm các cụ hưu trí phàn nàn hơn cả về việc tăng viện phí.
Nhóm các cụ hưu trí phàn nàn hơn cả về việc tăng viện phí.

Tuy nhiên, khối bức xúc lớn đến từ vấn đề tiêu cực trong ngành y tế, khi giá thuốc tăng được lý giải để bù cho phần hoa hồng các bác sỹ “ăn” trên các đơn thuốc, từ những hành động thu lợi trên sự đau đớn của người bệnh.

“Khi nói đến người bệnh và những hiện tượng tiêu cực, các nhân tôi cũng rất bức xúc, lên án. Nhưng không phải tất cả đội ngũ bác sĩ đều vậy, con sâu làm rầu nồi canh. Không ai chúng ta muốn xảy ra những việc như vậy nên nếu có phát hiện những y bác sỹ vi phạm ý đức, chúng ta phải đấu tranh, loại bỏ”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam trao đổi.

Ông Đam cũng chia sẻ với yêu cầu của người dân về việc điều chỉnh thì phải có sự giải thích thỏa đáng. Để có thể thấy hết “bức tranh” viện phí, cần nhìn sang cả vấn đề bảo hiểm y tế. Nếu tính hết các chi phí khám, điều trị vào bảo hiểm y tế thì không phải người dân nào cũng có thể chịu đựng được mức đóng góp, tương đương với các nước phát triển.

Hiện nay, cứ 100 người dân thì có 63 người tham gia bảo hiểm y tế, trong đó có 33 người là trong diện được Nhà nước mua và cấp bảo hiểm y tế (người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi). 5 năm trước (2006 - 2010), nhà nước bỏ gần 30.000 tỷ đồng cho bảo hiểm y tế nhưng chỉ riêng năm 2011 bỏ ra 16.000 tỷ trong tổng số thu cũng gần 30.000 tỷ đồng của quỹ.

Ông Đam cho rằng tới đây, cần thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân, bởi vì nhiều người đóng hơn và mức đóng phí cao hơn thì sẽ thực hiện các chính sách bảo hiểm y tế tốt hơn. Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng kêu gọi người dân chia sẻ với những chủ trương của Nhà nước về việc điều chỉnh giá viện phí và các chính sách về bảo hiểm y tế để thực hiện tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân.

“Viện phí nhất thiết phải điều chỉnh dần. Phải khẳng định, với mức tăng viện phí vừa qua, việc chăm sóc sức khỏe cho người dân khi nằm việc để đảm bảo như mức chăm sóc ở các nước tiên tiến vẫn còn một khoảng cách rất lớn. Tuy vậy, đương nhiên, có những mục cụ thể tăng chưa hợp lý, thậm chí không thể chấp nhận được như một số thông tin phản ánh, nếu đúng, chúng ta phải xử lý, điều chỉnh lại cho phù hợp”, ông Đam thẳng thắn nhìn nhận.

P.Thảo