Vì sao gan của chúng ta lại bị nhiễm độc?

Minh Nhật

(Dân trí) - Nếu coi cơ thể con người là một ngôi nhà tổng thể thì gan chính là hàng rào bảo vệ cơ thể chống lại các chất độc hại xâm nhập qua đường tiêu hóa.

Trong cơ thể, gan là bộ phận chính yếu đảm nhiệm vai trò khử độc. Gan có hàng trăm nghìn tế bào ngày đêm làm việc, để chuyển hóa và đào thải độc tố. Cơ chế chống độc của tế bào gan là tiết ra các enzym hoặc các cytochrome P450 trong lưới nội bào (chất có vai trò quan trọng trong quá trình khử độc của gan). Chúng có nhiệm vụ giảm độc tính và thải trừ một số chất có hại được đưa vào cơ thể qua đường ăn uống hoặc được sinh ra ngay trong quá trình chuyển hóa của cơ thể.

Vì sao gan của chúng ta lại bị nhiễm độc? - 1

Tuy vậy các tế bào gan cũng chỉ có khả năng tiết enzym hoặc cytochrome P450 với một lượng nhất định trong khoảng thời gian nhất định. Nếu bạn không biết điều chỉnh chế độ ăn uống nghỉ ngơi như uống rượu bia liên tục, thường xuyên dùng thực phẩm chứa hóa chất bảo quản, đồ ăn thiếu dinh dưỡng hợp lý, sử dụng thuốc tây dài ngày, hay thức đêm, làm việc căng thẳng… thì gan sẽ bị quá tải. Khi ấy, các enzyme gan tiết ra không đủ để chuyển hóa chất độc sẽ khiến chúng tích tụ và làm tổn thương chính tế bào gan, về lâu dài có thể gây ra các bệnh lý nguy hiểm cho gan như: viêm gan, xơ gan, thậm chí ung thư gan. Chất độc không được gan chuyển hóa hết cũng sẽ ảnh hưởng đến các bộ phận khác trong cơ thể, sức khỏe suy yếu nhanh chóng.