Vì sao dịch tại Hà Nội dai dẳng nhiều tháng?

Nam Phương

(Dân trí) - Bệnh nhân mắc Covid-19 chủ yếu không có triệu chứng, chỉ một số ít có biểu hiện ho, sốt… Vì thế, TP Hà Nội sẽ vẫn còn những ca bệnh lẩn khuẩn trong cộng đồng.

Trong đợt dịch thứ 4 kéo dài từ ngày 29/4 đến nay, Hà Nội phát hiện gần 3.700 ca, trong đó số mắc ngoài cộng đồng là 1.578 ca, còn lại là các đối tượng đã được cách ly. Trong đó, đến ngày 4/7 (trong hơn 2 tháng), TP thêm gần 260 ca. Tuy nhiên, bắt đầu từ giữa tháng 7 số mắc của TP bắt đầu tăng đáng kể, có ngày nhiều nhất lên đến hơn 200 ca. Đáng chú ý, nhiều ổ dịch được phát hiện từ các trường hợp được sàng lọc ngoài cộng đồng với biểu hiện ho, sốt…

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết những ngày gần đây số ca mắc mới ngoài cộng đồng của TP đã giảm nhiều, chủ yếu là các ca trong khu phong tỏa, khu cách ly tập trung. Dịch bệnh tại Hà Nội đang trong tầm kiểm soát được nhưng TP vẫn thuộc diện nguy cơ cao, khó lường.

Vì sao dịch tại Hà Nội dai dẳng nhiều tháng? - 1

Biểu đồ số ca mắc tại Hà Nội trong ngày và trung bình 7 ngày. 

Lý giải việc vì sao dịch tại TP kéo dài, TS Phu cho biết: "Điều này chúng tôi đã dự báo ngay từ đầu, Hà Nội giống như "vùng trũng", khi các địa phương xung quanh còn có dịch thì TP không thể "an toàn". Trong khi đó, biến thể Delta lại lây lan nhanh, nên việc khống chế dịch không thể ngày một ngày hai".

Theo chuyên gia, đa phần các bệnh nhân không có triệu chứng, vì thế những trường hợp ho, sốt chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm". Việc xét nghiệm không thể phát hiện được hết các trường hợp F0 lẩn khuất trong cộng đồng. Lý do vì không có loại xét nghiệm nào có thể đạt được mức độ chính xác 100% và TP cũng chưa thể xét nghiệm 100% dân số.

Chưa kể có trường hợp, hôm nay xét nghiệm có kết quả âm tính nhưng ngày mai lại có kết quả dương tính. Bởi vì, có những người trong thời gian ủ bệnh hoặc mới nhiễm thì chưa thể xét nghiệm có kết quả dương tính ngay được.

Vì thế, khi F0 còn lẩn khuất, rải rác diện rộng thì việc thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội rất quan trọng nhằm chặt đứt nguồn lây, tránh dịch bùng lên. Nếu tuân thủ phòng bệnh tốt, kể cả người nhiễm bệnh không có triệu chứng, sau 14 ngày, khi họ tự khỏi sẽ không thể lây bệnh sang cho người khác.

"Tuy nhiên, TP vẫn còn người đi lại, vẫn còn mầm bệnh, không thực hiện tốt 5K thì vẫn còn ca bệnh. Một số nơi còn phong tỏa chưa chặt, người dân trong khu vực phong tỏa vẫn gặp gỡ, đi chợ… Nhiều khu phong tỏa như Liên Ninh (Thanh Trì), Văn Chương (Đống Đa) hay Đông Anh… tới nay vẫn phát hiện ca dương tính", TS Phu phân tích. 

Trong khi đó, khi xuất hiện tại khu vực nguy cơ cao và có mật độ dân số đông thì dịch bùng phát lên rất nhanh. Chỉ trong thời gian ngắn, những nơi này có thể ghi nhận hàng trăm ca bệnh mới. Ổ dịch tại 2 ngõ của Thanh Xuân Trung là một dẫn chứng điển hình.

Vì sao dịch tại Hà Nội dai dẳng nhiều tháng? - 2

Hà Nội đang đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm nhằm phát hiện sớm các ca F0 còn trong cộng đồng (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

"Không để dịch bùng lên đã là thành công của Hà Nội"

Theo TS Phu, rất khó để đưa dịch về "con số 0" hay bóc tách được triệt để 100% F0 ra khỏi cộng đồng. Bởi lẽ, có thể vẫn còn các ca bệnh không triệu chứng trong cộng đồng, rồi các ca bên ngoài xâm nhập vào vì TP vẫn giao thương, đi lại để cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm, vẫn thực hiện "mục tiêu kép"…

"Chúng ta cần phải thống nhất một điều là Hà Nội không thể ngay lập tức đưa số ca bệnh trở về 0, nhưng công tác phòng dịch thời gian qua đã hạn chế, cắt đứt được nguồn lây hiệu quả. Đến thời điểm này, Hà Nội không để dịch bùng lên đã là thành công và thể hiện sự nỗ lực cố gắng của hệ thống chính trị đến nhân dân", TS nhận định.

"Hiện rất khó để trở lại cuộc sống bình thường như lúc chưa có dịch. Chúng ta cần tạo ra hành vi sống mới, phương thức sống mới, cách quản lý mới để kiểm soát được dịch bệnh, hạn chế tối đa sự lây lan khi có một trường hợp F0 xuất hiện trong cộng đồng", TS Phu cho biết thêm.

Biện pháp vô cùng quan trọng để cắt đứt nguồn lây là giãn cách và thực hiện nghiêm 5K, kết hợp đẩy mạnh tiêm vắc xin. Khi phát hiện ca mắc mới phải phong tỏa chặt chẽ ổ dịch kết hợp việc giãn cách thật nghiêm, truy vết càng sớm càng tốt.

Bên cạnh đó, TS Phu cũng lưu ý TP không chủ quan với "vùng xanh" (vùng không có dịch). Khi phát hiện "vùng xanh" có ca mắc mới thì phải tích cực truy vết ngay lập tức. Nếu lơ là, chủ quan thì dễ dẫn đến việc "vùng xanh" có nguy cơ thành "vùng đỏ", đặc biệt nếu "vùng xanh" là nơi đông dân cư, diện tích chật hẹp.

TP cũng cần đẩy nhanh tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân và đặc biệt lưu ý các đối tượng ưu tiên là những người mắc bệnh nền, người già. Đồng thời, chủ động bố trí cơ sở điều trị theo mô hình "tháp 3 tầng", để nếu dịch có diễn biến phức tạp thì chủ động trong công tác điều trị.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm