Diễn biến dịch Hà Nội 9/9: Một ngày không ghi nhận F0 trong cộng đồng
(Dân trí) - Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội nhận định, việc tiêm chủng và xét nghiệm diện rộng thần tốc sẽ giúp thành phố sớm phát hiện F0 trong cộng đồng và đánh giá nguy cơ dịch bệnh.
Hà Nội phân bổ và sử dụng gần một triệu liều vắc xin Vero Cell như thế nào?
Sau khi tiếp nhận một triệu liều vắc xin Vero Cell của Sinopharm từ Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành phân bổ cho 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn.
Sở Y tế Hà Nội đã ban hành công văn số 454/SYT-NVY về việc tiếp tục triển khai tiêm chủng vắc xin Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội đợt 13.
Theo nội dung của văn bản này, đối với 999.600 liều vắc xin của Sinopharm sẽ được dùng để thực hiện tiêm mũi một cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn thuộc các nhóm đối tượng ưu tiên chưa được tiêm chủng theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. Tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi một đủ thời gian theo quy định.
Chiều 9/9, TP Hà Nội bắt đầu triển khai tiêm vắc xin Vero Cell cho người dân trên địa bàn.
Tại đợt tiêm chủng lần này, quận Long Biên được phân bổ tổng cộng 16.250 liều vắc xin phòng Covid-19 của Sinopharm; quận Hoàng Mai là địa bàn được phân bổ nhiều nhất, với 146.480 liều; tiếp sau là Hà Đông với 103.950 liều; Đống Đa có 85.880 liều; Thanh Trì có 70.680 liều; Cầu Giấy có 67.680 liều; Thanh Xuân có 64.430 liều; Hai Bà Trưng có 61.940 liều…
Xem thêm: Hà Nội phân bổ và sử dụng gần một triệu liều vắc xin Vero Cell như thế nào?
Hơn 3.000 nhân viên y tế hỗ trợ Hà Nội tiêm vắc xin và xét nghiệm toàn dân
Tối 9/9, Hà Nội chỉ ghi nhận một ca dương tính SARS-CoV-2, được phát hiện tại khu cách ly. Như vậy, trong ngày hôm nay, Hà Nội có thêm 36 F0, không có trường hợp nào trong cộng đồng.
Theo Sở Y tế Hà Nội, hiện có 11 tỉnh, thành phố tham gia hỗ trợ Thủ đô với hơn 3.000 nhân lực, trong đó 1.327 nhân lực hỗ trợ tiêm chủng và 2.028 nhân lực hỗ trợ xét nghiệm cho Hà Nội.
Cụ thể, gồm 7 tỉnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 71/CĐ-TTg là: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Thái Nguyên và 4 tỉnh, thành phố Hà Nội đề nghị hỗ trợ là: Hải Dương, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hải Phòng.
Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội nhận định, việc tiêm chủng và xét nghiệm diện rộng thần tốc sẽ giúp thành phố sớm phát hiện F0 trong cộng đồng và đánh giá nguy cơ dịch bệnh. Đồng thời, thành phố sẽ sớm có được những vùng xanh an toàn, người dân có thể quay về trạng thái bình thường mới.
Xem thêm: Hơn 3.000 nhân viên y tế hỗ trợ Hà Nội tiêm vắc xin và xét nghiệm toàn dân
Bộ Công an sẵn sàng hỗ trợ Hà Nội cấp giấy đi đường có mã QR
Sáng 9/9, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an đã tổ chức gặp mặt báo chí để thông tin về việc thực hiện 3 phần mềm liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19, có kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tại buổi làm việc, phóng viên báo chí nêu vấn đề về việc vừa qua TP Hà Nội liên tục thay đổi về việc cấp giấy đi đường gây khó khăn cho các cá nhân, tổ chức. Trong khi đó, các địa phương như TP Đà Nẵng việc cấp giấy đi đường có mã QR được thực hiện bằng hình thức trực tuyến rất nhanh chóng, vậy C06 có hỗ trợ TP Hà Nội về mặt giải pháp kỹ thuật để thực hiện việc này được đơn giản hơn?
Trả lời câu hỏi trên, Thượng tá Tô Anh Dũng, Phó cục trưởng Cục C06 cho biết, đơn vị luôn sẵn sàng hỗ trợ Hà Nội và các địa phương trên cả nước về nhân lực, chuyên gia trong việc cấp giấy đi đường có mã QR dựa trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Theo Thượng tá Tô Anh Dũng, trước đó, C06 cũng đã phối hợp với TP Hà Nội triển khai thí điểm giấy đi đường có mã QR tại chốt kiểm soát dịch trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Đồng thời, C06 cũng đã trình bày các giải pháp kỹ thuật này với UBND TP Hà Nội, với Công an TP Hà Nội và đã cho chạy thí điểm tại TPHCM, một số tỉnh khác.
Xem thêm: Bộ Công an sẵn sàng hỗ trợ Hà Nội cấp giấy đi đường có mã QR