Vì sao ăn nấm giúp chống ung thư?

Hà An

(Dân trí) - Nấm có chứa chất chống oxy hóa, ergothioneine, giúp bảo vệ tế bào khỏi bị hư hại. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng ăn nhiều nấm có thể giúp giảm nguy cơ ung thư.

Tiêu thụ nấm có liên quan đến giảm nguy cơ ung thư, theo một phân tích tổng hợp được công bố trên tạp chí Advances in Nutrition vào năm 2021. Các nhà nghiên cứu đã xem xét 17 nghiên cứu từ năm 1966 đến năm 2020. Nấm có chứa chất chống oxy hóa, ergothioneine, giúp bảo vệ tế bào khỏi bị hư hại.

Vì sao ăn nấm giúp chống ung thư? - 1

Mối liên hệ giữa việc tiêu thụ nhiều nấm hơn và giảm nguy cơ ung thư, đặc biệt là ung thư vú, có thể cho thấy vai trò bảo vệ tiềm năng của nấm trong chế độ ăn uống.

Trong những năm gần đây, các nghiên cứu đã bắt đầu xác định khả năng chống lại bệnh tật tiềm tàng của nấm. Một đánh giá những năm trước tuyên bố rằng một số hợp chất trong nấm có đặc tính chống ung thư, chống viêm và chống tăng đường huyết. Qua nghiên cứu cho thấy, chiết xuất trong nấm làm giảm nồng độ kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA) - dấu ấn sinh học chính của ung thư tuyến tiền liệt - và tăng cường đáp ứng miễn dịch của cơ thể đối với bệnh ung thư.

So với những người ăn nấm ít hơn 1 lần/tuần, những người ăn nấm 1 hoặc 2 lần mỗi tuần có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt thấp hơn 8%. Những người ăn nấm 3 lần trở lên mỗi tuần có nguy cơ thấp hơn 17%. Hiệu quả chỉ đáng kể ở nam giới trên 50 tuổi. Các tác giả tin rằng điều này có thể là do ung thư tuyến tiền liệt hiếm ở đàn ông trẻ tuổi.

Nấm có thể chế biến thành nhiều món ngon như: súp gà nấm hương, trứng hấp nấm rơm, nấm xào sả ớt, cá om nấm và cà chua, mỳ Italy sốt nấm hải sản, canh nấm nấu thịt nạc xay và cà chua, đậu phụ xào nấm tươi... Tuy nhiên, hiệu quả phòng ngừa ung thư của nấm chỉ phát huy tác dụng tốt khi kết hợp chế độ ăn uống khoa học, nhiều rau quả, hạn chế rượu bia, chất kích thích, có lối sống lành mạnh, tăng cường hoạt động thể chất...