1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Vì một con tép, bé gái 2 tuổi suýt chết khi mẹ đút cho ăn

Hoàng Lê

(Dân trí) - Trong lúc mẹ đút cho ăn, bé gái 2 tuổi bất ngờ khó thở, tím tái phải nhập viện cấp cứu và được phát hiện suýt nguy hiểm tính mạng vì một con tép.

Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2 (TPHCM) vừa phát đi cảnh báo khi liên tục tiếp nhận 3 trường hợp trẻ nhỏ bị hóc dị vật rất nguy hiểm chỉ trong hai ngày.

Trường hợp đầu tiên là một bé gái 2 tuổi, được BV tuyến trước chuyển đến BV Nhi Đồng 2 trong tình trạng khó thở, tím tái. Trước đó qua khai thác bệnh sử, mẹ bé cho biết khi đang đút cho ăn, bé khóc và bất ngờ ho sặc, khó thở nên người mẹ hốt hoảng đưa đi cấp cứu.

Tại khoa Cấp cứu, bé được đặt ống nội khí quản, thở máy nhưng vẫn tím tái, khó thở. Ekip nội soi gồm bác sĩ chuyên khoa Hô hấp và Tai mũi họng thực hiện lấy dị vật khẩn trong đêm. Dị vật được lấy ra là một con tép ở phế quản gốc trái. Hậu can thiệp, bé hết khó thở, được rút được nội khí quản và tình trạng ổn định.

Vì một con tép, bé gái 2 tuổi suýt chết khi mẹ đút cho ăn - 1

Dị vật là con tép được lấy ra khỏi phế quản bệnh nhi (Ảnh: BVCC).

Trường hợp thứ hai là một bé trai 4 tuổi, nhập viện vì khò khè kéo dài 4 tháng nhưng đi khám và điều trị nhiều nơi vẫn không đỡ. Bé được chụp CT-scan ngực ở BV tuyến trước và phát hiện ở phế quản gốc phải có bất thường, nghi có vật lạ nên tiếp tục được đưa đến BV Nhi Đồng 2. Tại đây, bệnh nhi được nội soi phế quản bằng ống soi mềm và gắp ra dị vật là một mảnh nhựa đồ chơi. Lúc này, người mẹ chia sẻ cách đây 4 tháng thấy bé có ho sặc và khò khè sau khi chơi đồ chơi một mình.

Vì một con tép, bé gái 2 tuổi suýt chết khi mẹ đút cho ăn - 2

Phụ huynh không nên cho trẻ chơi các đồ chơi nhỏ dễ lọt vào đường thở (Ảnh: BVCC).

Trường hợp cuối cùng là một bé gái 2 tuổi, được bà cho ăn hạt bí ở nhà. Khi đang ăn, bé bỗng ho sặc sụa rồi tím tái. Lúc vào BV Nhi Đồng 2 cấp cứu, bé đã trong tình trạng lơ mơ, suy hô hấp, co gồng tay chân.

Bé được đặt nội khí quản, thở máy và nội soi phế quản cấp cứu trong đêm, hút ra nhiều mảnh hạt bí làm bít tắc đường thở. Sau can thiệp, bé được chăm sóc tại khoa Hồi sức. May mắn là bé phục hồi được tri giác và hô hấp ổn định.

BS.CK1 Lê Thị Thanh Thảo, Phó khoa Hô hấp 1, BV Nhi Đồng 2 cho biết, dị vật đường thở ở trẻ em rất dễ xảy ra, vì trẻ còn đang ở tuổi khám phá và chưa ý thức được nguy cơ hít sặc.

Khi dị vật kẹt trong đường thở sẽ có nhiều mức độ nguy hiểm, như khó thở dữ dội và tử vong ngay trong vòng vài phút nếu dị vật bít tắc hoàn toàn khí quản.

Bé cũng có thể suy hô hấp, tím tái nếu dị vật gây bít tắc một phần khí quản, phế quản. Thiếu oxy kéo dài có thể gây tổn thương não. Ngoài ra, còn có các triệu chứng như ho, khò khè kéo dài, viêm phổi từ nhẹ đến nặng.

Do đó, bác sĩ khuyên phụ huynh cần chú ý không để trẻ cười đùa hoặc nói lúc thức ăn đang trong miệng; không cho trẻ ăn lúc đang khóc, đang ho; không sử dụng ống hút để hút các thức ăn/uống có dạng hạt tròn; không cho trẻ ăn các thức ăn dễ sặc vào đường thở như hạt dưa, hạt bí, hạt đậu.

Trẻ tập ăn dặm nên sử dụng thức ăn mềm để không tạo thành dị vật khi bị trẻ cắn nát. Đồng thời, không cho trẻ chơi các đồ chơi có kích thước nhỏ, hình dạng tròn dễ lọt vào đường thở khi cho vào miệng.