Vi khuẩn làm 10 người ngộ độc nặng sau khi ăn cá ủ chua nguy hiểm thế nào?
(Dân trí) - Chuyên gia cho biết, ngộ độc botulinum là một bệnh cảnh vô cùng nguy hiểm, có thể khiến nạn nhân sụp mi mắt, yếu cơ toàn thân và sau cùng là không thở được do liệt các cơ hô hấp, dẫn tới tử vong.
Ngày 18/3, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) đã cử các chuyên gia về hồi sức, chống độc đến Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam (tỉnh Quảng Nam) để hỗ trợ điều trị cho hàng loạt trường hợp ngộ độc nặng đang cấp cứu tại đây.
Vi khuẩn "quái ác" gây liệt cơ kéo dài, tử vong
Theo báo cáo của Bệnh viện Chợ Rẫy gửi đến Bộ Y tế, sau khi điều tra dịch tễ 3 chùm ca bệnh (tổng cộng 10 người, trong đó một trường hợp đã tử vong), cùng với kết quả cấy mẫu cá chép muối ủ chua mà bệnh nhân đã ăn do Viện Pasteur Nha Trang thực hiện, có thể khẳng định những trường hợp này bị ngộ độc botulinum.
Các chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, botulinum là một chất độc tác động lên các dây thần kinh, được vi khuẩn C. botulinum (Clostridium botulium) sản sinh ra trong quá trình phát triển.
Đây là loài vi khuẩn yếm khí (sống trong môi trường không có không khí), có khả năng tự tạo ra bào tử (hiểu nôm na là vi khuẩn tự đóng kén để tồn tại trong môi trường có không khí) nằm lẫn trong đất cát. Khi có điều kiện thuận lợi, thường gặp nhất là những thức ăn bị nhiễm vi khuẩn được đóng hộp, các bào tử này sẽ tái hoạt động trở lại, sinh sản, phát triển và tạo ra botulinum.
Trung bình 12-36 giờ sau khi ăn phải các loại thức ăn bị nhiễm botulinum, con người hay động vật sẽ bị ngộ độc, dẫn tới các tình trạng như: Đau bụng, đau cơ, mệt mỏi, nhìn mờ hay nhìn đôi, khô miệng, nói khó, sụp mi mắt, yếu cơ toàn thân và sau cùng là khó thở, không thở được do liệt các cơ hô hấp, dẫn tới tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Các triệu chứng xuất hiện chậm hay nhanh tùy thuộc vào lượng botulinum ăn phải.
Mặc dù được điều trị tích cực, tình trạng liệt của bệnh nhân vẫn kéo dài vài tháng, thậm chí có thể liệt không hồi phục, cho thấy ngộ độc botulinum là một bệnh cảnh vô cùng nguy hiểm.
Ngoài xâm nhập qua đường ăn uống, bào tử vi khuẩn C. botulinum còn vào cơ thể qua các vết thương ngoài da không được giữ sạch. Khi vết thương liền miệng, tạo ra môi trường yếm khí, các bào tử có thể tái sản sinh chất độc botulinum.
Ở trẻ em nhũ nhi, vi khuẩn C. botulinum cũng có thể phát triển trong đường ruột (do ăn phải thức ăn bị nhiễm bào tử không đóng hộp), dẫn tới ngộ độc.
Thuốc giải 8.000 USD quý hiếm
Vào giữa năm 2020, Bệnh viện Chợ Rẫy cùng nhiều cơ sở y tế trên cả nước đã tiếp nhận những trường hợp ngộ độc nặng sau khi ăn một loại pate chay đóng hộp, với các triệu chứng như nói khó, sụp mi mắt, yếu tứ chi, suy hô hấp khi nhập viện.
Để điều trị, bệnh nhân phải dùng hàng loạt các biện pháp như thở máy, thay huyết tương liên tục, dinh dưỡng, vật lý trị liệu… nhưng tình trạng không cải thiện nhiều trong một thời gian dài. Trong khi đó, thuốc giải độc tố botulinum rất khan hiếm, giá thành cao và phải nhập khẩu với số lượng đếm trên đầu ngón tay, nên không có sẵn.
Tháng 9/2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tài trợ cho Việt Nam 6 liều thuốc giải độc tố botulinum. Tuy nhiên theo chia sẻ của TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới TPHCM tại Hội nghị quốc tế về bệnh lý nhiễm độc diễn ra vào cuối tháng 2, thời điểm trên, nhiều bệnh nhân đã qua "giờ vàng" điều trị (trong 1 tuần đầu tiên bị nhiễm độc).
Đến tháng 4/2021, Bệnh viện Chợ Rẫy mới tiếp nhận lô 6 lọ thuốc giải độc tố botulinum nhập khẩu đầu tiên về đến Việt Nam, do Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cấp phép. Thuốc này có tên BAT (Botulism Antitoxin Heptavalent (A, B, C, D, E, F, G)) sản xuất tại Canada, giá 8.000 USD/lọ 50mg và phải bảo quản âm sâu.
Để phòng ngừa ngộ độc botulinum, bác sĩ khuyến cáo người dân cần giữ gìn vệ sinh thực phẩm, sử dụng những loại thức ăn đã được nấu chín, tránh ăn những thức ăn đóng hộp làm bằng tay không có công nghệ tiệt trùng.
Ngoài ra, phải rửa sạch, bôi các loại dung dịch sát khuẩn lên vết thương ngoài da sau khi bị thương, yêu cầu chăm sóc y tế trong quá trình điều trị sau đó.
Liên quan đến 3 chùm ca bệnh ngộ độc sau khi ăn cá chép muối ủ chua (1 người đã tử vong, 3 trường hợp thở máy nặng phải dùng thuốc giải độc BAT), Bệnh viện Chợ Rẫy đề nghị Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam báo cáo vụ việc cho Sở Y tế Quảng Nam, để làm công tác thông báo cho người dân trên địa bàn huyện, tỉnh, ngăn chặn khả năng có người bị ngộ độc tiếp. Đồng thời, đề nghị phối hợp với cơ quan chức năng truy tìm nguồn nhiễm của 3 chùm ca bệnh (ở 3 xã khác nhau dưới 100km).
Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã gửi báo cáo cho Bộ Y tế về các trường hợp ngộ độc nói trên.