Bệnh nhân ngộ độc hiếm gặp cần thuốc giải 8.000USD, khi có đã qua giờ vàng

Hoàng Lê

(Dân trí) - Nhiều trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc sau khi ăn pate chay cần dùng thuốc giải có giá lên đến 8.000USD/lọ, nhưng lại không có sẵn. Đến khi xin được từ WHO thì đã muộn.

Tại Hội nghị quốc tế về bệnh lý nhiễm độc, diễn ra ở Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM ngày 25/2, với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực chống độc trong nước và thế giới, nhiều khó khăn trong việc điều trị bệnh nhân nhiễm độc đã được đặt ra.

Ngày càng gia tăng bệnh nhân ngộ độc thuốc

TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, từ năm 2010-2019, đơn vị Hồi sức chống độc của nơi này đã tiếp nhận và điều trị cho gần 14.300 bệnh nhân bị nhiễm độc cấp. Dù số lượng bệnh nhân nặng cần hồi sức cấp cứu chiếm khoảng 50%, nhưng tỷ lệ chữa khỏi bệnh vẫn đạt trên 95,8%. 

Tuy nhiên, số bệnh nhân trung bình hằng năm không ngừng gia tăng. Nếu từ 10 năm trước chỉ 800-1.000 bệnh nhân/năm, thì nay tăng lên đến 1.500-2.000 bệnh nhân/năm. Trong đó, nhóm ngộ độc do các loại hóa chất (thuốc tân dược và thuốc bảo vệ thực vật) ngày càng tăng.

Ngoài ra, xuất hiện các loại ngộ độc thực phẩm hiếm gặp, ngộ độc vi trùng hiếm (ngộ độc botulinum, ngộ độc khế...), tác nhân ngộ độc ngày càng nhiều và phong phú.

Bệnh nhân ngộ độc hiếm gặp cần thuốc giải 8.000USD, khi có đã qua giờ vàng - 1

Một bệnh nhi ngộ độc thuốc, điều trị tại TPHCM (Ảnh: BV).

Nhiều thuốc giải độc rất đắt , không có sẵn

TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ, thực tế hiện nay khả năng xét nghiệm tìm độc chất hay xác định nồng độ độc chất vẫn còn rất hạn chế, nhiều loại thuốc giải độc rất đắt tiền và không có sẵn.

Bác sĩ Hùng dẫn chứng, vào năm 2020 khoa Bệnh Nhiệt đới đã tiếp nhận nhiều trường hợp ngộ độc botulinum sau khi ăn một loại pate chay. Bệnh nhân ngoài ảnh hưởng về sức khỏe còn gặp trở ngại ở vấn đề thuốc điều trị. Cụ thể, thuốc giải botulinum có giá lên đến 8.000 USD/lọ và không có sẵn. Đến khi xin được tài trợ thuốc từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho bệnh nhân sử dụng thì đã qua giờ vàng, nên hiệu quả điều trị không còn cao.

Ngoài ra theo sự phát triển của xã hội, nữ giới ngày càng sử dụng ma túy, chất gây nghiện gây ngộ độc nhiều hơn. Nhiều trường hợp bệnh nhân có thể ngộ độc 2-3 loại khác nhau, cũng khiến các bác sĩ gặp khó trong chẩn đoán.

"Với tình trạng tổn thương đa tạng cấp tính không xác định được, chỉ có thể nghĩ đến ngộ độc. Nhưng rất tiếc đã có nhiều trường hợp sốc tim, suy đa cơ quan nhưng ở tuyến dưới lại không nhận ra ngay" - bác sĩ Hùng nói.

Bệnh nhân ngộ độc hiếm gặp cần thuốc giải 8.000USD, khi có đã qua giờ vàng - 2

Một trường hợp bệnh nhân ngộ độc Botulinum nặng điều trị tại TPHCM vào năm 2020 (Ảnh: HL).

Khó khăn khác là rào cản về mặt bảo hiểm y tế, khi bệnh nhân hầu hết đều khó khăn. Kế đến, chưa có nhiều nghiên cứu khoa học về lĩnh vực bệnh nhiễm độc. Phác đồ điều trị bệnh lý nhiễm độc cũng chưa rõ ràng, chưa được cập nhật, bổ sung, gây khá nhiều lúng túng cho người điều trị. Thậm chí, nhiều bác sĩ hồi sức tích cực không có khái niệm về ngộ độc đầy đủ.

Từ những khó khăn trên, Bệnh viện Chợ Rẫy kỳ vọng, Hội nghị quốc tế về bệnh lý nhiễm độc sẽ là nền tảng cho việc xây dựng hệ thống mạng lưới hồi sức chống độc toàn quốc và giúp phối hợp nghiên cứu khoa học với các trung tâm chống độc quốc tế (như Anh Quốc, Đài Loan).

Các chuyên gia mong muốn xây dựng quy trình phối hợp xét nghiệm tìm độc chất giữa Bệnh viện Chợ Rẫy và Trung tâm Pháp y TPHCM; hỗ trợ chẩn đoán những loại độc chất giữa các bệnh viện và Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam; hợp tác nghiên cứu sản xuất các loại huyết thanh kháng độc giữa các bệnh viện và Viện vaccine - sinh phẩm y tế Nha Trang.