Vi khuẩn độc gây liệt cơ dễ lây qua đường tiêu hóa

(Dân trí) - Vi khuẩn Clostridium botulinum (C.botulinum), được phát hiện trong một số loại sữa công thức vừa bị thu hồi có khả năng sống sót lâu, gây bệnh dễ dàng qua đường tiêu hóa. Vi khuẩn sống lâu trong môi trường.

TS Lâm Quốc Hùng, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, bệnh do vi khuẩn C. Botulinum lưu hành trên toàn cầu. Có nhiều thể bệnh, nhưng thể ngộ độc thực phẩm do độc tố C. botulinum thường gặp nhất. Nguy cơ xảy ra bệnh C. botulinum ở nhiều quốc gia trên thế giới kể cả các quốc gia phát triển.

Nguy hiểm ở chỗ, vi khuẩn C. botulinum có khả năng sống sót cao, nha bào của chúng có thể tồn tại trong đất, phân, bùn, trên động vật, hải sản, đồ hộp... nhiều tháng; sống trong đồ hộp đã mở, thịt, cá hun khói ... nhiều tuần. Khi ở trong điều kiện bảo quản lạnh và có môi trường kiềm thì vi khuẩn có thể sinh ra nhiều độc tố.

Tuy nhiên, vi khuẩn này lại bị tiêu diệt ở 60oC trong 30 phút và bởi các hóa chất khử trùng thông dụng. Vì thế, để phòng nghiễm độc vi khuẩn này cần  đun sôi 100oC ít nhất 15 phút; để diệt nha bào cần đun ở 100oC ít nhất 1 giờ, hoặc hơi nước nóng ở áp lực cao hay sấy khô trên 160oC ít nhất 30 phút.

Bệnh truyền qua đường tiêu hóa, do sử dụng đồ ăn, thức uống nhiễm C. botulinum đã sinh ra độc tố hoặc do ăn uống phải thực phẩm chứa nha bào C. Botulinum, khi vào đường tiêu hóa phát triển thành thể sinh dưỡng, sinh ra độc tố và gây bệnh. Các loại đồ hộp, thức ăn được chế biến, sản xuất, bảo quản không đạt tiêu chuẩn vệ sinh trong điều kiện yếm khí dễ bị nhiễm C. botulinum.

Khởi bệnh đột ngột

TS Hùng cho biết, khi nhiễm khuẩn C. botulinum, bệnh khởi phát đột ngột với biểu hiện buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy nhẹ hoặc nhiều lần; khô miệng, ăn uống kém, mệt mỏi toàn thân. Toàn phát có triệu chứng nhìn mờ, nhìn đôi, giãn đồng tử, liệt mềm gây khó nuốt, khó nói, khó thở, táo bón, chướng bụng; không sốt, không có hội chứng màng não; người bệnh tỉnh  táo. Nếu nhiễm độc nặng có thể tử vong do liệt cơ hô hấp.

Gặp những bệnh nhân có các triệu chứng như trên, bác sĩ cần khai thác dịch tễ học, thói quen ăn uống của người bệnh. Ví như bệnh nhân có ăn các loại đồ hộp (thịt, cá, rau, củ, quả... được bảo quản trong điều kiện thiếu không khí), thời gian ủ bệnh ngắn sau khi ăn (khi có sẵn độc tố C.botulinum). Hay bệnh nhân ăn uống thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã chế biến kỹ nhưng bảo quản không tốt, thời gian phát bệnh chậm sau một vài ngày (khi nhiễm nha bào C.botulinum).

“Bất cứ đối tượng nào đều có thể bị bệnh do C.botulinum. Trẻ em dưới 1 tuổi có tỷ lệ mắc cao hơn do sức đề kháng, miễn dịch thấp hơn và mẫn cảm hơn với độc tố của C.botulinum. Ngoài ra những người hay dùng đồ hộp, thực phẩm xông khói, thực phẩm lên men yếm khí, người làm nghề giết mổ, người lao động tiếp xúc với phân người và động vật”, TS Hùng nói.

Vì thế, để phòng ngộ độc thực phẩm do khuẩn C.botulinum, cần thực hiện an toàn các biện pháp trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm đặc biệt những thực phẩm có nguy cơ ô nhiễm C.botulinum; thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống; vệ sinh nguồn nước sạch cho cộng đồng.

Bên cạnh đó cần đẩy mạnh việc giám sát, kiểm tra, thanh tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm ở các khâu sản xuất, vận chuyển, bảo quản, sử dụng các thực phẩm đóng hộp, thực phẩm hun khói, thực phẩm lên men yếm khí (thịt, cá ướp, ủ mắm...), thực phẩm bảo quản trong môi trường yếm khí (xông khói...), lò mổ, cơ sở chế biến thức ăn, nơi bán sữa và sản phẩm sữa... Phát hiện sớm các sản phẩm ô nhiễm C.botulinum để cảnh báo cho cộng đồng, thu hồi và xử lý sản phẩm triệt để (tiêu hủy). Khi có ca bệnh, chùm ca bệnh nghi ngờ do C.botulinum cần phát hiện sớm, điều trị phòng lây lan ra cộng đồng.

Tú Anh