1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Lý giải sự nhầm lẫn giữa khuẩn độc và không độc trong sữa nghi nhiễm khuẩn

(Dân trí) - Vì sao các sản phẩm sữa Abbott, Dumex… nghi nhiễm khuẩn vừa đầu tháng công bố là độc, phải thu hồi khẩn cấp thì cuối tháng lại khẳng định là an toàn?

 

Lý giải sự nhầm lẫn giữa khuẩn độc và không độc trong sữa nghi nhiễm khuẩn

 Về hình dạng, cấu trúc gien, Clostridium botulinum và Clostridium sporogenes chỉ khác nhau 1 gien duy nhất

 

Theo các nhà khoa học chuyên nghiên cứu về vi khuẩn, Clostridium botulinum và Clostridium sporogenes rất khó phân biệt bởi 2 loại vi khuẩn này chỉ khác nhau ở 1 gien duy nhất.

 

Trả lời trên tạp chí Sciencemediacentre (New Zealand), TS Heather Hendrickson, giảng viên về tiến hóa di truyền, ĐH Massey, nói: “Nhiều người hẳn sẽ bất ngờ khi biết rằng chủng vi khuẩn cực độc với chủng vi khuẩn an toàn đối với sức khỏe con người này có cấu tạo giống nhau đến mức chỉ khác biệt duy nhất ở 1 gien đơn”.

 

Xác nhận cho điều này, Tiến sĩ Siouxsie Wiles, nhà vi trùng học và chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Auckland phân tích: “C. sporogenes là tên được đặt cho các phân lập C.botulinum mà không sản xuất độc tố. Về bản chất, chúng được coi là hầu như giống hệt nhau ngoại trừ sự hiện diện của gen độc tố botulinum ở khuẩn C.botulinum”.

 

Do đó, việc nuôi cấy các vi khuẩn trong môi trường thí nghiệm và các thử nghiệm sinh hóa sẽ không thể phân biệt được.

 

“Có nhiều cách khác nhau trong việc xác định các sinh vật gây ô nhiễm, rẻ nhất trong số đó là cô lập các vi khuẩn bằng cách phát triển trên môi trường chuyên biệt và sau đó thực hiện xét ​​nghiệm sinh hóa để xác định loài. Loài cũng có thể được xác định về mặt di truyền bằng cách tìm kiếm các trình tự DNA đặc biệt - như một mã vạch. Tuy nhiên, trong 1 loạt các xét nghiệm C. botulinum & C. sporogenes sẽ giống hệt nhau”, TS Siouxsie Wiles giải thích.

 

Tuy nhiên, bên cạnh việc thông cảm với việc không phân định được đâu là vi khuẩn gây độc hay không gây độc, các nhà khoa học nhận định rằng cách xử lý thông tin của hãng xuất khẩu sữa lớn tại New Zealand này dường như chưa ổn. Theo TS Siouxsie, Fonterra nên nói rõ lượng vi khuẩn có trong đạm whey là bao nhiêu cũng như chỉ cần công bố thực tế rằng hãng không biết liệu chủng vi khuẩn mình tìm thấy có độc tố hay không thay vì giữ im lặng suốt kể từ tháng 3/2013 (thời điểm có những kết quả xét nghiệm đầu tiên) và rồi công bố là chủng gây độc vào tháng 8/2013.

 

“Tôi có cảm giác như Fonterra đã cảnh báo các khách hàng của mình về sự hiện diện của C. botulinum trong sản phẩm của họ trước khi xác nhận chính xác là chủng vi khuẩn này có tiết ra độc tố và có thực đó là C. botulinum không”, TS Siouxsie đánh giá.

 

Và trên thực tế, để đưa ra kết luận chính thức là đạm whey protein nhiễm khuẩn gì, chính phủ New Zealand đã phải thực hiện độc lập 195 xét nghiệm khác nhau tại các phòng xét nghiệm độc lập uy tín tại New Zealand và Mỹ.

 

 Trần Phương