Sau lệnh cấm bán tiết canh trên toàn quốc:
Vẫn công khai bán "món ăn cấm"
(Dân trí) - Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Y tế đều đã ra quy định cấm bán tiết canh để phòng nguy cơ dịch tiêu chảy cấp... Nhưng dường như quy định này vẫn chưa đến được với những người kinh doanh, đặc biệt là với người dân.
“Món cấm” được bán công khai
9h sáng, khi phóng viên có mặt ở đường Chiến Thắng, phường Văn Mỗ, quận Hà Đông, trên một đoạn phố ngắn nhưng có đến 2 quán cháo lòng tiết canh vẫn kê biển, khách ra vào tấp nập.
Tại cửa hàng của chủ quán tên Mùi ngay sát chợ cóc, có khoảng 20 thực khách đang ăn uống. Trong đó, có khoảng 6 - 7 người vẫn đang ăn món tiết canh, rau sống. Tất cả đều cười ồ khi được hỏi không sợ dịch tiêu chảy cấp sao mà vẫn xơi món ăn nhiều nguy cơ lây bệnh...
Người khách tên Khang, tuổi tầm 45 cho biết, dù ăn cũng hơi sợ nhưng anh là khách quen của quán này nên rất tin tưởng. Từ bao lâu nay anh đều ăn tiết canh, lòng lợn ở quán này mà chưa lần nào bị đau bụng. Anh cho biết thêm: “Tiết canh vừa mát, vừa có vị bùi của lạc, vị thơm của thịt, sụn nướng ăn kèm rau thơm thì còn gì bằng. Vừa rẻ tiền, lại vừa… bổ máu”.
“Tiết canh thực ra không hề bổ máu, bổ sắt như nhiều người tưởng. Vì sắt trong tiết lại khó hấp thu hơn nhiều so với sắt trong thịt lợn, thịt gà, cá, trứng... Tất cả vi rút, vi khuẩn trong máu, từ tay người chế biến, môi trường đều nhiễm vào được, trong khi tiết canh lại được làm từ máu tươi không qua đun sôi, nấu chín”.
BS Lê Thị Hải, GĐ TT Khám & Tư vấn dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng quốc gia) |
Tại một cửa hàng khác tại số 34 đường Chiến Thắng, khi phóng viên dừng xe hỏi có bán tiết canh không liền được vồn vã mời vào. Chị chủ cửa hàng cho biết, chị chẳng biết thông tin gì về việc cấm bán tiết canh mà khách thì vẫn có nhu cầu, mình là người kinh doanh thì phải bán.
Kiểm soát chưa triệt để
Trao đổi với phóng viên Dân trí sáng 26/5, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, tại Hà Nội quy định cấm bán tiết canh trên địa bàn thành phố có từ tháng 11/2005. Việc kiểm soát cấm bán tiết canh được giao cho các phòng y tế, đơn vị chức năng trên địa bàn phối hợp kiểm tra. Theo đó, cửa hàng nào cố tình bán tiết canh sẽ bị xử phạt theo nghị định 45 về quy định thức ăn đường phố.
Chị chủ quán lòng lợn tiết canh tên Mùi cho biết “Có nghe thông tin về việc cấm bán tiết canh trên truyền hình. Nhưng hình như mới từ trên, chưa thấy phường xã nhắc nhở về quy định này. Mà người kinh doanh, khi chưa bị cấm thì vẫn phải bán. Còn khi nào phường xã kiểm tra, thông báo là không được bán tiết canh, tôi sẽ chấp hành. Hơn nữa, ở đây tôi làm rất đảm bảo vệ sinh. Mở hàng quán bao năm nay, nhưng chưa thấy ai phàn nàn là đau bụng vì ăn ở đây”.
Về vấn đề này, bà Lê Thị Thanh Bình, trưởng phòng y tế quận Hà Đông, Hà Nội cho biết, TP Hà Đông (cũ) đã có quy định cấm bán tiết canh từ vụ dịch năm ngoái. Đồng thời thường phát các bài cảnh báo người dân không nên ăn đồ tươi sống, tiết canh để phòng tiêu chảy cấp.
Để giám sát người kinh doanh thực hiện quy định này, quận Hà Đông thường tổ chức những đợt cao điểm ra quân rầm rộ. Nếu phát hiện cửa hàng bán tiết canh, rau sống sẽ huỷ nhanh tại chỗ. Còn với các cơ sở nhỏ thì giao cho phường quản lý, kiểm tra.
Bà Bình cũng thừa nhận, trong thời gian gần đây, dù đã có lệnh cấm bán tiết canh, nhưng bản thân bà vẫn thấy nhiều cơ sở vẫn kinh doanh mặt hàng này. Việc quản lý kinh doanh các mặt hàng thực phẩm, tiết canh là rất khó khăn. Với các nhà hàng lớn có giấy phép kinh doanh, cấp quận huyện trở lên quản lý thì biện pháp xử lý dễ hơn còn các quán ăn nhỏ, quán buổi sáng, đường phố thì cấp xã phường quản lý, mức độ xử phạt chỉ dừng ở 500 nghìn.
Nhưng người ta rất ngại phạt các cửa hàng này vì thủ tục nhiều, chỉ dừng ở mức nhắc nhở và huỷ sản phẩm tại chỗ. Chỉ những hàng quán có chống đối, không chấp hành đề nghị thì mới chuyển biên bản lên đoàn kiểm tra liên ngành thành phố có thẩm quyền cao hơn sẽ xử lý.
“Thực tế, nếu công tác kiểm tra được thực hiện thường xuyên, ráo riết hơn thì người dân sẽ chấp hành tốt hơn lệnh cấm này. Nhưng sự thật là ở nhiều địa phương công tác kiểm tra chưa được gắt gao, thường xuyên nên người dân sao nhãng, vẫn cố tình bán lại vì lợi nhuận”, bà Lan nói.
Theo ông Khẩn, việc giám sát, kiểm tra, xử phạt cũng chỉ ở một mức độ nào đó, còn quan trọng nhất là ý thức của người dân, phải nhận thức được tiết canh là thực phẩm nguy cơ nhiễm khuẩn cao, nguy hiểm dễ lây bệnh và tránh xa nó thì mới thực sự phòng bệnh hiệu quả.
Bài và ảnh Hồng Hải