1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Vắc xin Covid-19 được tiêm trên người: Việt Nam bước vào cuộc chiến mới

(Dân trí) - Việc vắc xin Covid-19 được tiêm thử trên người là một bước tiến đầy hứa hẹn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cuộc chiến chỉ vừa mới bắt đầu.

Vẫn còn cả cuộc chiến trước mắt

Những liều vắc xin Covid-19 "made in Vietnam" Nanocovax đầu tiên đã được tiêm thử nghiệm trên người vào sáng 17/11, tại Viên Nghiên cứu Y dược học quân sự, Học viện Quân y.

Vắc xin Covid-19 được tiêm trên người: Việt Nam bước vào cuộc chiến mới - 1

Nam thanh niên khoảng 20 tuổi là người đầu tiên được tiêm thử vắc xin Nanocovax 

Theo ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, đây là một bước rất quan trọng của toàn bộ quá trình nghiên cứu thử nghiệm vắc xin nói riêng và công cuộc chống lại đại dịch Covid-19 nói chung.

Mũi tiêm thử vắc xin Covid-19 đầu tiên đem lại nhiều kỳ vọng cho người dân việt Nam. Tuy nhiên, ông Quang cũng lưu ý rằng, đây chỉ mới là bước khởi đầu cho cả một quy trình triển khai đánh giá lâm sàng sẽ kéo dài nhiều tháng liền.

Vắc xin Covid-19 được tiêm trên người: Việt Nam bước vào cuộc chiến mới - 2

Ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế

"Trước mắt chúng ta vẫn còn cả một trận chiến", ông Quang nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Trung tướng Đỗ quyết, Giám đốc Học viện Quân Y, một trong những đơn vị chịu trách nhiệm chính cho công tác thử nghiệm lâm sàng cho rằng, nếu coi Covid-19 là kẻ thù, thì cần phải có sự chuẩn bị thật kỹ để đảm bảo tối đa thắng lợi khi lâm trận.

"Chúng tôi xem việc tham gia vào công tác thử nghiệm lâm sàng vắc xin Covid-19 là một chiến dịch. Bất cứ công việc nào cũng xác định như đội quân tham gia vào chiến đấu. Phải chuẩn bị cẩn thận và đảm bảo thắng lợi", Trung tướng Quyết chia sẻ.

Vắc xin Covid-19 được tiêm trên người: Việt Nam bước vào cuộc chiến mới - 3

Trung tướng Đỗ quyết, Giám đốc Học viện Quân Y

Để sẵn sàng cho quá trình thử nghiệm lâm sàng, Học viện Quân y đã triển khai công tác chuẩn bị vật tư và nhân lực từ nhiều tháng nay. Cụ thể, có hơn 100 nhân sự được chia làm 10 tổ công tác để sẵn sàng xử lý bất cứ tình huống nào có thể xảy ra trong quá trình tiêm thử.

Một hệ thống thiết bị y tế cũng được triển khai để theo dõi sát các chỉ số sinh học của tình nguyện viên sau khi tiêm thử vắc xin.

Vắc xin Covid-19 được tiêm trên người: Việt Nam bước vào cuộc chiến mới - 4

Học viện Quân Y đã chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, cơ sở vật chất cho người tiêm thử nghiệm vắc xin phòng Covid-19

Trung tướng Quyết thông tin: "Cũng giống như một chiến dịch quân sự, chúng tôi đã triển khai diễn tập công tác tiêm thử nghiệm cũng như xử lý các biến cố có thể xảy ra vào hôm qua. Hiện tại, tất cả công tác cấp cứu, hồi sức đã rất sẵn sàng".

Ở thời điểm hiện tại, mặc dù nhiều loại vắc xin Covid-19 trên thế giới đã đạt được những kết quả đầy hứa hẹn. Tuy nhiên, theo Trung tướng Quyết, nếu các loại vắc xin này thành công, trước mắt, cũng sẽ chỉ đáp ứng chủng ngừa cho 1/5 dân số thế giới. Do đó, việc có thể tự chủ được vắc xin trong nước là cực kỳ quan trọng.

Vắc xin Covid-19 được tiêm trên người: Việt Nam bước vào cuộc chiến mới - 5

Việc có thể tự chủ được vắc xin Covid-19 trong nước là cực kỳ quan trọng

"Vắc xin do người Việt Nam sản xuất, dành cho người Việt Nam. Đã đến lúc Việt Nam có quyền nói với thế giới là chúng ta làm được. Chúng ta đã chứng minh điều ấy trong phòng chống Covid-19, với việc cả chính quyền và nhân dân cùng vào cuộc. Chúng ta là một tấm gương sáng trên cả thế giới", Trung tướng Quyết nói. 

Phòng bệnh vẫn là yếu tố được đặt lên hàng đầu

Theo ông Nguyễn Ngô Quang, Việt Nam là quốc gia có hệ thống nghiên cứu và thử nghiệm vắc xin được Tổ chức Y tế thế giới công nhận. Do vậy, ngành y tế Việt Nam có rất nhiều kinh nghiệm trong việc nghiên cứu, thử nghiệm vắc xin.

Thực tế trong đại dịch này, Việt Nam cũng là 1 trong số hơn 40 quốc gia bước sang giai đoạn thử nghiệm lâm sàng vắc xin Covid-19.

Vắc xin Covid-19 được tiêm trên người: Việt Nam bước vào cuộc chiến mới - 6

Vắc xin Nanocovax do Công ty Nanogen phát triển

Ông Nguyễn Ngô Quang nhấn mạnh, bước đến giai đoạn này của cuộc chiến với Covid-19, vẫn rất cần có sự chung tay của cả cộng đồng, trong đó có những người tình nguyện tham gia vào nghiên cứu.

Chuyên gia này cũng lưu ý rằng, mặc dù vắc xin đã được thử nghiệm lâm sàng, nhưng người dân tuyệt đối không được chủ quan với dịch bệnh.

Vắc xin Covid-19 được tiêm trên người: Việt Nam bước vào cuộc chiến mới - 7

Người dân cần tuân thủ nghiêm nguyên tắc 5K của Bộ Y tế

"Quy trình thử nghiệm và cấp phép cho vắc xin là rất phức tạp. Các loại vắc xin thông thường cần đến trên 5 năm để hoàn tất mọi công đoạn và đưa vào sử dụng. Trong trường hợp vắc xin đại dịch như Covid-19, có thể rút gọn các thủ tục về mặt hành chính nhưng sớm nhất cũng phải đến năm 2022, chúng ta mới có thể cung ứng rộng rãi vắc xin Covid-19. Do đó, việc quan trọng nhất lúc này vẫn là phòng bệnh, bằng cách tuân thủ nguyên tắc 5K của Bộ Y tế", ông Quang khuyến cáo.

Thành lập 3 đoàn công tác để giám sát quá trình thử nghiệm vắc xin

Thông tin từ Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, hiện tại, Bộ Y tế đã thành lập 3 đoàn kiểm tra, giám sát và hỗ trợ cho nhóm nghiên cứu vắc xin Nanocovax. 3 đoàn giám sát gồm: Bộ Y tế, Học viện Quân Y, Nhà tài trợ.

Được biết, Nhà tài trợ sẽ thuê một tổ chức giám sát độc lập để giám sát các quy trình nghiên cứu nhằm tuân thủ theo đề cương nghiên cứu để phát hiện sớm các triệu chứng, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các tình nguyện viên tham gia nghiên cứu. Đặc biệt, các số liệu nghiên cứu thu thập được phải đảm bảo tính khách quan, khoa học và trung thực.

Sau khi tiêm vắc xin Covid-19, tình nguyện viên sẽ tiếp tục ở lại điểm nghiên cứu để theo dõi trong 72h. Trong thời gian này, nghiên cứu viên sẽ kiểm tra xem người được tiêm có bất kỳ phản ứng nào đối với mũi tiêm hay không.

Trước khi về nhà, tình nguyện viên sẽ được hướng dẫn cách thức để ghi nhận những phản ứng có thể sẽ gặp phải sau khi được tiêm vắc xin thông qua Nhật ký điện tử. Mũi tiêm thứ hai sẽ được hiện sau mũi tiêm đầu tiên 28 ngày.

Vắc xin Covid-19 được tiêm trên người: Việt Nam bước vào cuộc chiến mới - 8

Theo đại diện Nanogen, việc tiêm vắc xin thử nghiệm có thể tiềm ẩn những rủi ro nhất định. Phản ứng sau khi tiêm có thể là xuất hiện quầng đỏ, sưng, mảng cứng hoặc nhiễm trùng tại chỗ tiêm. Bên cạnh đó, người được tiêm cũng có thể bị sốt, đau cơ hay buồn nôn.

Mặc dù hầu hết các trường hợp, tình nguyện viên sẽ chỉ gặp các tác dụng phụ nhẹ. Tuy nhiên, có một xác suất rất thấp bị dị ứng nặng với vắc xin.