Ung thư phổi khó phát hiện sớm, điều gì làm tăng nguy cơ mắc bệnh?
(Dân trí) - Ung thư phổi hay ung thư phế quản là một khối u ác tính phát triển từ biểu mô phế quản, tiểu phế quản, phế nang hoặc từ các tuyến của phế nang.
Trên thế giới, hiện nay ung thư phổi đứng đầu trong các bệnh ung thư thường gặp về cả tỷ lệ mắc mới và tỷ lệ tử vong. Ở nước ta, ung thư phổi xếp vị trí thứ 2 sau ung thư gan, với khoảng 23.600 người phát hiện mắc mới và 20.700 người tử vong mỗi năm.
Theo các nhà khoa học thì chỉ dưới 10% bệnh ung thư phát sinh là do các rối loạn từ bên trong cơ thể của con người mà thường không thể thay đổi được. Ngược lại có đến hơn 80% bệnh ung thư phát sinh là do liên quan đến yếu tố bên ngoài mà con người có thể thay đổi được, bao gồm các yếu tố nguy cơ sau:
- Thuốc lá: hút thuốc lá, kể cả thụ động là một trong những nguy cơ hàng đầu gây bệnh ung thư phổi. Người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư cao hơn người không hút thuốc 6-30 lần. Cho đến nay người ta đã phát hiện được trong khói thuốc lá có hơn 4000 chất độc, trong đó hơn 40 chất gây ung thư, đã có nhiều nghiên cứu khảo sát bệnh nhân mắc ung thư phổi đã chỉ ra, 90% người mắc có liên quan đến hút thuốc lá, 24% người mắc bắt nguồn từ hút thuốc thụ động.
- Chế độ ăn uống không lành mạnh.
- Ô nhiễm môi trường: Nghề nghiệp độc hại tiếp xúc amiăng, Chrome, sắt, asen, silic, chất thải từ động cơ, khói bụi, tia xạ, ô nhiễm không khí…
- Các bệnh lý mãn tính của phổi: Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tổn thương lao phổi cũ, u lao phổi cũ, các nốt vôi hóa, tổn thương sẹo cũ ở phổi, các viêm phổi mạn có dị sản…